Từ kết quả trái ngược của 2 quốc gia tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất: Chuyên gia "hiến kế" 4 giải pháp giúp Việt Nam thành công

05/06/2021 20:39 PM | Xã hội

Qua đợt dịch đang bùng phát tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, cùng với sự thành công của các quốc gia thực hiện chiến dịch tiêm chủng thần tốc, chúng ta càng thấy được tầm quan trọng của vaccine trong việc khống chế đại dịch COVID-19.

Nói cách khác, vaccine là giải pháp tiên quyết để thoát khỏi đại dịch, trở về trạng thái bình thường và mở cửa biên giới với thế giới.

Một chiến dịch tiêm chủng thành công là một chiến dịch tiêm rộng, nhanh, an toàn và mang lại hiệu quả bảo vệ cao. Sau đây là 4 giải pháp chúng tôi đề xuất để chuẩn bị và tiến đến một chiến dịch thành công:

1. Phân quyền, số hoá và nâng cao năng lực xử lý biến cố để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine

Tính đến ngày 15/5/2021, Việt Nam mới hoàn thành tiêm 1 triệu liều đầu tiên do COVAX Facility và hợp đồng giữa AstraZeneca và VNVC cung cấp. Như vậy, trong 69 ngày đầu tiên (tính từ 8/3/2021), chúng ta đang thực hiện tiêm vaccine với tốc độ trung bình khoảng 15.000 liều/ngày. Theo kế hoạch, chúng ta cũng sẽ phân bổ khoảng 2 triệu liều được tiếp nhận từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8, tức là khoảng 22.000 liều/ngày.

Nếu tính trên đơn vị 1 triệu dân, tốc độ này chậm hơn rất nhiều so với các quốc gia trong cùng khu vực, mặc dù vẫn còn  vaccine trong kho lưu trữ. Giả sử chúng ta tiếp tục với tốc độ hiện tại, trong trường hợp khả quan nhất (~90.000 liều/ngày vào ngày 06/05), chúng ta vẫn sẽ mất khoảng 2000 ngày, hay 6 năm, để đạt được miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm đủ 2 liều cho 80% dân số.

Giả sử chúng ta tiếp tục với tốc độ hiện tại, trong trường hợp khả quan nhất (~90.000 liều/ngày vào ngày 06/05), chúng ta vẫn sẽ mất khoảng 2000 ngày, hay 6 năm, để đạt được miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm đủ 2 liều cho 80% dân số.

Từ kết quả trái ngược của 2 quốc gia tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất: Chuyên gia hiến kế 4 giải pháp giúp Việt Nam thành công - Ảnh 1.

Hình 1. Tỉ lệ tiêm chủng ít nhất một liều tại các quốc gia Đông Nam Á (Nguồn: Our World in Data)

Cũng cần phải lưu ý rằng, tốc độ tiêm chủng sẽ là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định phân bổ vaccine của COVAX Facility; ngoài ra, hạn sử dụng của các lô vaccine được cung cấp qua chương trình này thường ngắn hơn khoảng 1/2 đến 2/3 hạn sử dụng quy định bởi hãng. Chính vì vậy, việc triển khai tiêm vaccine nhanh không chỉ góp phần bảo vệ người dân thuộc khối cảm nhiễm, mà còn quyết định đến số lượng vaccine chúng ta được tiếp nhận trong tương lai.

Để gia tăng nhanh chóng năng lực tiêm chủng hiện tại của chúng ta, cần tận dụng triệt để lợi thế này bằng cách tập huấn nhuần nhuyễn các biện pháp xử lý chống sốc, thực hiện phân quyền thông qua số hoá quá trình đăng kí và khai báo sức khoẻ trước tiêm chủng.

Việc số hoá không chỉ thuận lợi cho quá trình triển khai passport vaccine sau này mà còn giúp phân luồng bệnh nhân để tối ưu nguồn lực. Cụ thể là, người dân có thể truy cập vào website đăng ký tiêm chủng để khai báo các thông tin cá nhân và thực hiện khai báo y tế trước tiêm chủng. Những người khoẻ mạnh, ít nguy cơ có thể được phân luồng vào nhóm an toàn và được yêu cầu đăng ký tiêm vaccine tại trạm y tế xã phường, nơi họ đang cư trú. Nhờ đó, trạm y tế xã/phường có thể lên kế hoạch và chuẩn bị cho các đợt tiêm chủng tập trung, liên hệ qua tin nhắn với người dân đã đăng ký để thông báo thời gian và địa điểm. Những người có nguy cơ bị tác dụng phụ của vaccine như có tiền sử sốc phản vệ, tiền sử bệnh rối loạn đông máu… sẽ được phân luồng vào nhóm cần theo dõi cẩn thận, và đăng ký tiêm vaccine theo danh sách các bệnh viện tuyến trên có đủ trang thiết bị sẽ đảm nhận những ca này.

Sau khi thực hiện tiêm chủng, người dân sẽ được cung cấp một giấy chứng nhận với đầy đủ thông tin như loại vaccine được tiêm, số mũi, số lô, ngày tiêm chủng cùng với một mã QR Code để có thể truy cập vào phiên bản điện tử. Thông tin tiêm chủng cũng có thể được liên kết với các ứng dụng chống COVID do Chính phủ ban hành như Bluezone, VHD và hệ thống TMCR Quốc gia để tiến hành cấp passport vaccine khi có đầy đủ cơ chế.

Xem xét các số liệu của các quốc gia đã phát triển, chúng ta nhận thấy rằng sau 2-3 tháng thăm dò đầu tiên, các quốc gia này sẽ tiêm chủng với tốc độ trung bình khoảng 0.5-1% dân số/ngày. Như vậy, với 11.000 trạm y tế cơ sở, 8 tiếng làm việc/ngày, 5-6 bệnh nhân/tiếng và 1 tua tiêm tại một thời điểm, nếu không xảy ra bất kì sự đứt quãng nào về chuỗi cung ứng, chúng ta có đủ khả năng và cơ sở vật chất để tiêm cho khoảng 0.5% dân số, hay 500.000 liều/ngày. Lúc này, để có được miễn dịch cộng đồng, chúng ta sẽ phải mất tròn 1 năm, tức là đến quý 3 hoặc quý 4/2022.

2. Sử dụng những loại vaccine có hiệu quả cao

Để minh hoạ tầm quan trọng của việc sử dụng những loại vaccine có hiệu quả, chúng ta xét hai quốc gia có tốc độ tiêm vaccine tương tự nhau: Israel và Seychelles.

Từ kết quả trái ngược của 2 quốc gia tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất: Chuyên gia hiến kế 4 giải pháp giúp Việt Nam thành công - Ảnh 2.

Hình 2. Số ca trên một triệu dân của Israel và Seychelles tính đến 31/05/2021 (nguồn: JHU CSSE COVID-19 Data và Our World in Data)

Từ kết quả trái ngược của 2 quốc gia tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất: Chuyên gia hiến kế 4 giải pháp giúp Việt Nam thành công - Ảnh 3.

Hình 3. Tỉ lệ % dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine tại Israel và Seychelles, tính đến hết ngày 31/05/2021 (Nguồn: Our World in Data)

Hiện tại, tỉ lệ tiêm ít nhất một mũi vaccine của cả hai nước đều đã trên 60%. Điểm khác biệt duy nhất, lại là điểm quan trọng nhất, nằm ở loại vaccine được lựa chọn: Trong khi Israel đặt niềm tin vào vaccine do Pfizer-Biontech (Mỹ) sản xuất, Seychelles lại lựa chọn sử dụng vaccine Sinopharm BBIBP-CorV do Hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) cung cấp. Lưu ý rằng, cả hai đều là những loại vaccine đã được phê duyệt khẩn cấp bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với hiệu quả trên 75% với các ca có triệu chứng.

Kết quả, như chúng ta đã thấy, là hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Israel đã dỡ bỏ hoàn toàn tất cả các lệnh cấm, bao gồm cả việc đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng vào ngày 18/4, Seychelles lại phải tái áp đặt lệnh phong toả và đóng cửa trường học nhằm ngăn chặn đợt bùng phát lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Số ca hằng ngày trên một triệu dân tại Seychelles hiện đang gấp khoảng 1000 lần Israel.

Như vậy, việc lựa chọn loại vaccine phù hợp ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng trong việc ngăn chặn tình trạng lây nhiễm của dịch trong cộng đồng.

Các vaccine được phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở các quốc gia khác nhau có thể được chia làm hai nhóm như sau:

Nhóm 1: Các vaccine đã được sử dụng rộng rãi, có số liệu thử nghiệm lâm sàng rõ ràng, triển khai tại nhiều quốc gia với quy mô lớn cùng hệ thống ghi nhận tác dụng phụ đầy đủ như Pfizer - BioNTech, Moderna, Vaxzevria (AstraZeneca), Novavax, Janssen (Johnson & Johnson);

Nhóm 2: Các vaccine được chứng minh là hiệu quả nhưng chưa có nhiều bằng chứng cũng như chưa được thử nghiệm với những biến thế mới như Sputnik V, Sinopharm BBIBP - CorV, Sinovac.

Theo thông tin từ Bộ Y Tế, chúng ta đã có thoả thuận với ít nhất 105 triệu liều thuộc nhóm 1 và 20 triệu liều từ nhóm 2 (chiếm tổng 62.5% dân số), bao gồm 70 triệu liều Vaxzevria (38.9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility và 30 triệu liều từ hợp đồng với VNVC), 31 triệu liều Pfizer – BioNTech, 20 triệu liều Sputnik V và 5 triệu liều Moderna. Như vậy, chúng ta đang hoàn toàn chủ động được nguồn cung vaccine có hiệu quả cao. Trong hoàn cảnh có nhiều biến chủng khác nhau được ghi nhận tại Việt Nam, bao gồm cả biến chủng Anh và Ấn, chúng ta cần ưu tiên sử dụng những vaccine đã được kiểm chứng tính hiệu quả với những chủng mới này, mà cụ thể là những ứng cử viên thuộc nhóm 1.

Từ kết quả trái ngược của 2 quốc gia tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất: Chuyên gia hiến kế 4 giải pháp giúp Việt Nam thành công - Ảnh 4.

Bảng phân tích kết quả vaccine với những chủng khác nhau được miêu tả cụ thể trong Bảng dưới đây.

3. Điều chỉnh kế hoạch phân phối vaccine COVID-19 trong nước

Quy định và kế hoạch phân phối vaccine cho các đối tượng trong nước của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất. Theo quyết định 1210/2021 được ban hành vào ngày 09/02/2021, những người trên 65 tuổi và những người mắc các bệnh mãn tính thuộc 2 trong số 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam.

Tuy vậy, ở quyết định 1624/2021 được ban hành hơn một tháng sau về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng, hai đối tượng này lại thuộc các đối tượng trì hoãn hoặc cẩn thận trong tiêm chủng.

Từ kết quả trái ngược của 2 quốc gia tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất: Chuyên gia hiến kế 4 giải pháp giúp Việt Nam thành công - Ảnh 5.

Hình. 11 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam (Nguồn: VNVC)

Theo khuyến cáo của WHO, những đối tượng được ưu tiên tiêm chủng bao gồm những người có nguy cơ tử vong cao khi mắc bệnh, ví dụ như người cao tuổi và những người có bệnh nền/mãn tính.

Chính vì vậy, ở bất kì nước nào đang triển khai kế hoạch tiêm chủng giai đoạn đầu tiên, ngoài những nhân viên tham gia phòng chống dịch, những đối tượng này sẽ thuộc diện ưu tiên ngay tiếp theo, cụ thể gồm: những người có bệnh nền nặng, mạn tính; những người có bệnh nền liên quan đến hệ thống miễn dịch; những người trên 65 tuổi và phụ nữ đang mang thai.

Ngoài ra, tuy hiệu quả phòng chống nhiễm của các loại vaccine có thể giảm đối với các biến chủng mới của SARS-CoV-2, khả năng bảo vệ người nhiễm khỏi diễn tiến nặng hay tử vong vẫn được duy trì ở mức gần như tuyệt đối. Chính vì vậy, việc sử dụng các liều vaccine trên những đối tượng có nguy cơ cao đúng cách sẽ giúp giảm thiểu tối đa áp lực lên khối điều trị, mỗi khi có đợt bùng phát dịch mới.

4. Thực hiện các thử nghiệm lâm sàng tại những vùng có nguy cơ cao

Các vaccine sản xuất trong nước đang tiến đến những giai đoạn khác nhau của quá trình thử nghiệm lâm sàng, bao gồm Nanocovax ở giai đoạn 3 vào đầu tháng 6, và IVAC ở giai đoạn 1/2.

Tuy đợt bùng phát dịch hiện tại đang đặt một thử thách không nhỏ lên hệ thống y tế của chúng ta, đây cũng chính là một cơ hội "vàng" để chúng ta có cơ hội xem xét hiệu quả thực sự của các vaccine nghiên cứu trong nước với những vùng có nguy cơ cao, dịch bùng phát mạnh. Việc thử nghiệm tại các "tâm dịch" cũng tạo ra một thử thách thật sự đối với khả năng sản xuất hàng loạt, quy mô lớn trước khi được cấp phép sử dụng khẩn cấp với quy mô lên đến hàng chục triệu liều.

Khuyến cáo này cũng sẽ giải quyết bài toán về tình nguyện viên, khi đến cuối tháng 5/2021, chỉ có 800 trên tổng số 13000 tình nguyện viên cần thiết đồng ý tham gia vào thử nghiệm giai đoạn này của Nanocovax.

Từ kết quả trái ngược của 2 quốc gia tiêm vaccine Covid-19 nhanh nhất: Chuyên gia hiến kế 4 giải pháp giúp Việt Nam thành công - Ảnh 6.

Hình. Vaccine Nanocovax với các mức liều đơn vị khác nhau (Nguồn: Vietnamnet)

Việc thực hiện một chiến dịch tiêm chủng có thể nói là lớn chưa từng có trong lịch sử có thể sẽ rất khó khăn. Chỉ cần một bước đi không đúng, như việc lựa chọn loại vaccine hiệu quả không cao, tiến hành tiêm chủng chậm, không an toàn, v.v, dịch hoàn toàn có thể quay trở lại và bùng phát dữ dội hơn. Chính vì vậy, chúng ta vừa phải nhanh, vừa phải quyết đoán, và vừa phải chính xác.

Tác giả:

TS. Nguyễn Thu Anh hiện là Giám đốc Quốc gia của Viện nghiên cứu y khoa Woolcock trực thuộc Đại học Sydney. Là một chuyên gia về y tế công với hơn 20 năm kinh nghiệm trong thiết kế và điều hành các nghiên cứu về sức khoẻ, TS Thu Anh đồng thời giảng dạy các bộ môn phương pháp nghiên cứu, dịch tễ học, sinh học thống kê tại ĐH Y Hà Nội, ĐH Southern Cross và Khoa Y, ĐH Sydney. TS Thu Anh cũng đã có hơn 10 năm làm việc ở các vị trí lãnh đạo tại các tổ chức y tế quốc tế, được nhận giải nhì tại Giải thưởng Nhà Khoa học trẻ ProSPER Net-Scopus năm 2012 và nằm trong 21 nhà lãnh đạo trẻ trong lĩnh vực y tế châu Á tại Việt Nam năm 2010. TS. Thu Anh nhận bằng Tiến sĩ về nhân học y tế tại Đại học Amsterdam, Hà Lan.

Ngô Hoàng Anh tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Paris với song bằng Toán học và Kinh tế học, chuyên ngành phụ Toán máy tính vào năm 2021, hiện tại, đang là Nghiên cứu viên thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcook cũng như tại Viện Trí tuệ Nhân tạo, Đại học Waikato, New Zealand. Anh nhận giải ba trong cuộc bầu chọn Sinh viên Việt Nam xuất sắc nhất tại Pháp vào năm 2019 và đã từng tham gia vào nhóm chuyên gia CNTT phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Nghiên cứu của Ngô Hoàng Anh tập trung vào máy học trực tuyến, dịch tễ học và ứng dụng của Trí tuệ Nhân tạo trong Y tế.

Theo TS. Nguyễn Thu Anh - Ngô Hoàng Anh (Viện nghiên cứu y khoa Woolcock, ĐH Sydney)

Từ khóa:  covid-19 , vaccine
Cùng chuyên mục
XEM