Từ hôm nay (1/7): Tăng lương cơ sở của cán bộ, công chức

01/07/2019 08:42 AM | Xã hội

Mức lương cơ sở của cán bộ, công chức sẽ tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng; Giá vé máy bay trong nước hạng phổ thông tối đa 3,75 triệu đồng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7.

Tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức

Theo Nghị định 38/2019 của Chính phủ , từ ngày 1/7, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ tăng lên 1.490.000 đồng/tháng, thay cho mức lương cũ là 1.390.000 đồng/tháng.

Mức lương cơ sở này dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 7,19%

Theo Nghị định 44/2019/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7, tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2019 đối với các đối tượng như:

Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng;

Quân nhân, công an nhân dân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng; Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Giá vé máy bay trong nước hạng phổ thông tối đa 3,75 triệu đồng

Tại Thông tư 17/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ 1/7, Bộ Giao thông vận tải quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên đường bay nội địa cụ thể như sau:

Mức giá vé tối đa hạng phổ thông cho một chiều đi với khoảng cách dưới 500 km nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 1,6 triệu đồng/vé, nhóm đường bay khác là 1,7 triệu đồng/vé.

Khoảng cách từ 500 km - 850 km có giá tối đa 2,2 triệu đồng/vé; 850 km - 1.000 km có giá tối đa 2,790 triệu đồng/vé và 1.000 km - 1.280 km có giá 3,2 triệu đồng/vé.

Mức giá vé cao nhất một chiều cho cự ly từ 1.280 km trở lên là 3,75 triệu đồng/vé.

Người dưới 15 tuổi được gửi tiết kiệm 

Thông tư 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 5/7, cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.

Với người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.

Thông tư cũng quy định, việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm phải phù hợp với quy định của NHNN Việt Nam.

Sửa quy định về quản lý và sử dụng phí nhượng quyền khai thác sân bay

Theo Thông tư 27/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 247/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay, việc quản lý và sử dụng phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay có nhiều thay đổi từ 1/7.

Cụ thể, cảng vụ hàng không miền Bắc trích để lại 45% để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định; chuyển về Cục Hàng không Việt Nam 14%; nộp ngân sách Nhà nước 41%.

Cảng vụ hàng không miền Trung: Trích để lại 52% để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định; chuyển về Cục Hàng không Việt Nam 4%; nộp ngân sách Nhà nước 44%.

Cảng vụ hàng không miền Nam: Trích để lại 43% để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định; chuyển về Cục Hàng không Việt Nam 18%; nộp ngân sách Nhà nước 39%.

Theo Nguyễn Nga

Cùng chuyên mục
XEM