Từ giấc mơ thiếu thời, 9x startup máy chiếu mini: Ngốn hàng trăm triệu đồng để học 2 khái niệm, tuyên bố đánh bật 1 đối thủ đáng gờm Trung Quốc, sẵn sàng ‘combat’ với ‘cá mập’ để chốt ‘deal thơm’
“Tôi muốn sản phẩm của mình đẹp, tiện lợi, dễ dàng di chuyển. Tôn chỉ là ‘yêu từ cái nhìn đầu tiên’, như tình yêu sét đánh. Với tôi, không đẹp là không bán”, nhà sáng lập Beecube dí dỏm chia sẻ về đứa con tinh thần của mình.
Phan Anh Vũ (SN 1995) là chàng trai trẻ tuổi đến quê Bác - Nghệ An đã giới thiệu đến dàn “cá mập” sản phẩm máy chiếu phim mini Beecube. Khán giả được dịp “mắt tròn, mắt dẹt” khi chứng kiến màn “combat” có 1-0-2 giữa anh và các Shark.
Bằng sự tự tin, đĩnh đạc, anh đã chỉ ra tính năng nổi bật, dung lượng thị trường cũng như hướng phát triển trong tương lai của sản phẩm. Nhờ đó, anh nhận được nhiều “offer” hấp dẫn. Shark Tuệ Lâm đưa “deal” 8 tỷ đồng cho 22% cổ phần với option 1 là 4 tỷ đồng cho 11% cổ phần, 4 tỷ đồng là khoản vay; option 2 là được quyền mua lại một nửa cổ phần sau 1 năm cùng lời khen ngợi: “Bằng tuổi em, chị chưa làm được nhiều điều như này”. Lời đề nghị của Shark Tuệ Lâm hấp dẫn đến mức Shark Hùng Anh còn phải thốt lên: “Deal này ‘thơm’ nhất, anh nói thật”. Shark Nguyễn Hòa Bình đề nghị 8 tỷ đồng, trong 3 năm thu hồi vốn, đến năm thứ 4 nhận lợi nhuận 20%/năm.
Thấy các “cá mập” quyết tâm chốt “deal”, Shark Minh Beta vội đứng lên mở két rút Golden Ticket trao cho Anh Vũ và bày tỏ mong muốn có tương lai xa hơn, cùng nhau đi đường dài. “Deal” được chốt giữa Anh Vũ và Shark Minh Beta là: 8 tỷ đồng cho 22,5% cổ phần công ty. Hiện Anh Vũ đã có 6 cửa hàng trải dài từ Bắc vào Nam, chưa kể đối tác phân phối.
Được biết Phan Anh Vũ tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính Ngân hàng (Đại học Ngoại thương). Thế nhưng sau khi ra trường, anh rẽ hướng sang Công nghệ - một lĩnh vực không liên quan đến ngành học vì niềm đam mê cháy bỏng từ hồi cấp 3. Anh chia sẻ ngày trước, do gia đình còn khó khăn nên anh không có tiền sở hữu các thiết bị công nghệ, đặc biệt là thiết bị điện tử. Tuy nhiên, mỗi khi có sản phẩm mới ra mắt, anh đều nắm được hết thông tin qua hình ảnh trên mạng, tìm hiểu công năng. Anh còn ra Thế Giới Di Động chỉ để ngắm sản phẩm trưng bày.
Đặc biệt trong một lần học tiết tiếng Anh năm lớp 11, lần đầu tiên Phan Anh Vũ được tiếp xúc với máy chiếu. Anh vô cùng ngạc nhiên, xen lẫn sự thích thú, tò mò. Anh không ngừng đặt ra câu hỏi: “Tại sao máy chiếu chỉ để phục vụ giảng dạy mà không dùng để giải trí? Tôi muốn sau này sẽ có chiếc máy chiếu mini đặt trong phòng để xem phim?”. Chính sự tò mò năm xưa đã đặt viên gạch nền móng để anh xây dựng “startup” ngày hôm nay.
01. Khi dân Tài chính Ngân hàng “startup” lĩnh vực Công nghệ…
- Gia đình có ngăn cản khi anh làm trái ngành, trái nghề?
Thích Công nghệ nhưng tôi không thi vào Đại học Bách khoa mà chọn Đại học Thương mại bởi chạy theo xu hướng chọn ngành ở quê, chứ không có định hướng rõ ràng.
Gia đình và thầy cô không ngạc nhiên bởi thời còn học cấp 3, tôi là học sinh liên tục đổi khối ngành, nguyện vọng và cuối cùng là… đi theo số đông. Tôi không có định hướng, “mindset”, giờ thứ yếu kém nhất của tôi vẫn là tài chính dù tốt nghiệp Tài chính Ngân hàng. Thế nhưng tôi nghĩ, học đại học là quãng thời gian mang đến trải nghiệm quý báu để thực hiện đam mê kinh doanh các sản phẩm công nghệ.
Sau khi có doanh thu ổn định trong kinh doanh phụ kiện điện thoại, tôi quay lại nghiên cứu ý tưởng máy chiếu. Đến giữa tháng 6/2020, tôi “startup” máy chiếu mini.
Tôi nhập nhiều loại máy khác nhau về xem ngoại hình, tính năng và giá thành. Tôi mất nhiều tiền chỉ để học 2 khái niệm: Độ phân giải thực và độ phân giải tối đa. Rất nhiều thương hiệu khẳng định sản phẩm full HD nhưng khi trải nghiệm, tôi nhận ra điều này không đúng, độ phân giải thực không như kỳ vọng. Để tìm hiểu kỹ, tôi nhiều máy, ngốn hàng trăm triệu đồng chỉ để hiểu: Độ phân giải thực là của tấm nền led LCD, còn độ phân giải tối đa là tín hiệu đầu vào. Cuối năm 2020, tôi tìm được nhà máy đầu tiên sản xuất tấm nền led LCD full HD.
Sau đó, tôi bàn lại với 3 cộng sự và nhận ra: Sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh về giá thì sẽ không phát triển. Về thương hiệu sản phẩm, tôi lấy biểu tượng con ong - đại diện cho sự chăm chỉ, cần mẫn. Sau một hồi thảo luận, chúng tôi lấy tên thương hiệu là Beecube - con ong hình hộp. Hình dáng sản phẩm cũng giống với con ong, có phần cánh, có mắt,... Đồng thời, khi bán nhiều sản phẩm, đến tháng 4/2021, tôi khai sinh tên công ty, thương hiệu, đăng ký đầy đủ giấy phép.
- Làm trái ngành nghề, vậy anh giải quyết bài toán về công nghệ ra sao?
Mới đầu, tôi chưa có tiền R&D, chỉ đơn thuần nhập sản phẩm từ bên Trung Quốc về nhưng không sử dụng được. Lý do bởi phần mềm, ngôn ngữ không tương thích nên phải tìm người nghiên cứu lại toàn bộ. Thành công đến sau 1 tháng, những lô đầu tiên số lượng sản phẩm nhỏ giọt khoảng 12, 20, 30 chiếc.
Tất cả công nghệ đều dựa vào đối tác Trung Quốc. Đầu tiên, tôi phân tích các đối thủ trên thị trường, lên “platform” cho sản phẩm rồi gửi bản phác thảo cho họ.
- Cuối năm 2020 bắt đầu “startup” cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đó có phải quãng thời gian khó khăn với anh?
Thật ra dịch bệnh COVID-19 lại là quãng thời gian bùng nổ doanh số, chứ không gặp khó khăn như nhiều doanh nghiệp khác. Mọi người ở nhà xem phim nhiều nên máy chiếu phim bán rất chạy. Hơn nữa, đó là quãng thời gian đầu dịch nên nền kinh tế chưa bị ảnh hưởng nặng. Chỉ sau 1 đêm, tôi có clip “viral” 7 triệu view, sáng hôm sau chốt được 200 đơn. Tôi còn chưa có nhiều hàng sẵn vì không có nhiều tiền nhập, bắt buộc yêu cầu nhà máy gửi càng sớm càng tốt. Doanh thu bán lẻ tháng đó lên gần 1 tỷ đồng. Cảm giác rất hạnh phúc, hả hê nhưng tôi không ngủ quên trên chiến thắng.
Sang đến năm 2022, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lúc này mới ảnh hưởng tới công việc kinh doanh. Cửa khẩu đóng, hàng hóa không về được, cả thị trường khan hiếm hàng. Cuối cùng, tôi tìm được đường bay với chi phí vận chuyển cao gấp 4 lần so với đường biển/đường bộ. Nhưng tôi chấp nhận kẻo chuỗi bị đứt gãy và hậu quả là lỗ kéo dài 3 tháng.
Sau đó, tôi nghiêm túc suy nghĩ lại, vạch định chiến lược cụ thể cho Beecube. Ra Tết vào tháng 3/2022, tôi quyết tâm phát triển sản phẩm để có thể “nuôi” đội ngũ nhân sự gồm 15 người. Hướng đi là B2B2C đi vào các chuỗi, hợp tác với Điện Máy Xanh, CellPhone S,... Cuối cùng, chiến lược này đã đúng, đến cuối năm 2022, tôi từ 7 tỷ đồng bán lẻ tăng 25 tỷ đồng B2B, tỷ trọng B2B chiếm 70%. Đến năm 2023, tôi vẫn duy trì chiến lược đó và đã đi vào quỹ đạo ổn định, chứng minh sản phẩm khẳng định được chất lượng trên thị trường.
- Anh nghĩ sản phẩm của mình có sự khác biệt đột phá gì so với các loại máy chiếu phim mini trên thị trường?
Trên Shark Tank, Shark Nguyễn Hòa Bình có nhận xét sản phẩm của tôi na ná như nhiều thương hiệu khác. Và tôi đã mất 45 phút để chứng minh sự khác biệt của Beecube.
Đầu tiên, các sản phẩm của tôi có ngoại hình đẹp, đồng bộ, mang màu sắc và kiểu dáng trẻ trung, năng động. Còn những chiếc máy cũ trông rất thô sơ, cục mịch, mất mỹ quan và khá nặng. Tôi muốn sản phẩm của mình đẹp, tiện lợi, dễ dàng di chuyển. Tôn chỉ là “yêu từ cái nhìn đầu tiên”, như tình yêu sét đánh. Với tôi, không đẹp là không bán.
Thứ hai, sản phẩm cấu hình vô địch trong tầm giá. Tôi luôn tạo sự khác biệt, nâng cao giá trị sản phẩm trong cùng phân khúc. Chẳng hạn tôi “xây” một chợ ứng dụng riêng, phát triển các app, rồi người sử dụng thiết bị Beecube có thể tải xuống dùng, tạo thành hệ sinh thái khép kín. Hay sản phẩm của tôi có trợ lý ảo tiếng Việt - điều mà các máy chiến chạy hệ điều hành Android không có, tạo nên sự thân thiện với người Việt. Đây cũng là điều mà Shark Phạm Thanh Hưng đánh giá cao.
Điều cuối cùng, văn hóa bán hàng văn minh lịch sự và khâu chăm sóc khách hàng sau khi bán được đánh giá tôt. Khách hàng đến cửa hàng đều có phòng trải nghiệm, phòng thanh toán riêng. Chúng tôi có group 23.000 thành viên, là nơi chia sẻ lỗi hỏng, thắc mắc đều sẽ được giải đáp nhanh chóng. Nhân sự của tôi sẽ liên hệ lại, video call hướng dẫn từng chút và hỗ trợ sau 23h mỗi ngày. Ngoài ra, bảo hành sản phẩm phía chúng tôi là 12 tháng 1 đổi 1, đã lỗi là không sửa, đổi ngay cho khách sản phẩm mới. Hiện tỷ lệ đổi trả sản phẩm dưới 4%.
- Sản phẩm thương hiệu Việt nhưng gia công tại Trung Quốc, anh có sợ khách hàng đánh đồng Beecube với các loại máy chiếu Trung Quốc có chất lượng không cao?
Tôi không ngại vấn đề này, chẳng hạn điện thoại Apple thương hiệu Mỹ nhưng gia công ở Trung Quốc, đây là điều bình thường. Thời gian tới, tôi cũng không nghĩ sẽ gia công tại Việt Nam vì linh kiện cấu tạo nên máy chiếu rất phức tạp, nếu sản xuất tại Việt Nam thì giá thành tăng lên ít nhất gấp rưỡi. Sống thực tế thôi, chúng ta chưa thể sản xuất đồ công nghệ với chi phí thấp thì tốt nhất nên tối ưu hóa.
- Định vị giá sản phẩm gồm các loại: 2 triệu, 4 triệu, 6 triệu, 16 triệu - cách chia này phân theo những tiêu chí gì?
Thứ nhất, tôi dựa vào giá thành sản phẩm với nhu cầu sử dụng khác nhau.
Thứ hai, phân khúc sản phẩm dựa vào không gian, diện tích phòng ở để đảm bảo tối ưu công năng. Nếu như các thương hiệu khác tư vấn cho khách phải mua máy to, độ sáng cao thì tôi không như vậy. Tôi bán những thứ khách hàng cần chứ không bán điều mình có. Khách hàng không hiểu rõ các thông số nên giới thiệu điều đó gần như vô nghĩa. Tôi chỉ hỏi về diện tích phòng ở để giới thiệu sản phẩm phù hợp nhất.
02. Chăm chỉ sẽ làm nên kỳ tích, luôn giữ tâm thế học hỏi bất kỳ ai
- Công việc của anh một ngày như thế nào?
Nếu người bình thường làm việc 8 tiếng/ngày thì tôi làm việc từ lúc mở mắt đến nhắm mắt đi ngủ. Mỗi ngày đều có lịch làm việc chi tiết, giờ nào việc nấy để tạo tính kỷ luật cao.
Trước đây chưa có nhiều nền tảng xã hội như bây giờ, tôi chỉ tập trung bán hàng trên trang cá nhân Facebook. Mỗi sớm thức dậy, tôi luôn nghĩ ngày hôm nay phải đăng “content” gì để bán được hàng hoặc có động thái mở rộng tệp khách. Cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn làm như vậy, viết ra những việc ít thời gian làm trước, việc nhiều thời gian cần tập trung giải quyết sau, dần dần thành một thói quen tốt.
Ngoài ra, tôi vẫn kiên trì đóng hàng, ship hàng, không nề hà điều gì, có cả đơn ship lúc 11 giờ đêm vào tháng cuối đông mưa lạnh. Còn các bạn Gen Z theo tôi từ đầu có sự thông minh, tiếp cận thị trường nhanh nhưng làm việc không có chiều sâu, chóng chán nên họ tự rời đi.
- Quá trình học hỏi những điều mới của anh diễn ra thế nào?
Là dân tay ngang nên tôi học hỏi những người đi trước. Tôi luôn có một tâm thế, đó là học hỏi không ngừng, định vị mình không biết gì và luôn lắng nghe.
Tôi từng “săn” một bậc thầy Marketing, cả buổi trò chuyện chỉ để học được 1 điều: Làm “branding” cần bộ nhận diện riêng, màu sắc riêng, cá tính riêng, font chữ riêng. Và sau đó khi trở về, tôi “đập” toàn bộ nhận diện thương hiệu cũ để làm lại trong vòng 1 tháng.
- Xây dựng được cộng đồng sử dụng với 23.000 thành viên, anh đã làm cách nào để Marketing?
Group phát triển từ tháng 8/2021, là nơi để những người đã sử dụng và đang quan tâm đến sản phẩm trao đổi chung chủ đề giúp lan tỏa tốt. Trước đây, tôi đăng bài để kéo tương tác. Đến khi group có 1000 thành viên thì “tự nuôi”, tần suất đăng bài của tôi giảm để mọi người trao đổi với nhau.
Một sản phẩm không nên quá hoàn hảo, ngọt ngào quá, đôi khi phải có lỗi này lỗi kia để nâng cấp dần. Và tôi không chỉ đọc hết các bài viết mà còn phản hồi từng “comment” của mọi người, dù khen hay chê. Điều này cũng thể hiện sự chăm chỉ, trước đây là chăm chỉ giao hàng khắp Hà Nội, giờ là chăm chỉ ngồi gõ máy “support” khách.
03. Màn “combat” gay cấn với các “cá mập”
- Khi Shark Hùng Anh nhận xét sản phẩm của anh không thể sáng và sắc nét như TV truyền thống, anh nghĩ sao?
Giữa máy chiếu và TV là 2 công nghệ hoàn toàn khác nhau. TV phát ánh sáng tới mắt người dùng, còn máy chiếu là phát trên tường rồi hắt vào mắt người dùng. Nên nếu để so sánh sẽ rất khó, chỉ có thể so sánh ở hoàn cảnh sử dụng nhất định.
Muốn mua một TV 100 inch, chúng ta phải bỏ ra nhiều tiền, vì thế đã nhiều tiền thì không bàn tới làm gì. Nhưng câu chuyện là chúng ta ít tiền nhưng vẫn muốn trải nghiệm tốt. Chẳng hạn với 5 - 7 triệu đồng chỉ mua được TV 40 inch nhưng với số tiền đó có thể mua máy chiếu 120 inch, mang đến cảm giác rất khác.
Hơn nữa, máy chiếu gọn nhẹ, rất dễ mang đi picnic, du lịch nên sẽ dần chiếm ưu thế hơn so với TV.
- Các Shark đều lo lắng về bức tranh tương lai: Shark Bình cho rằng đây chỉ là sản phẩm theo "trend”, Shark Hưng đặt nghi vấn về tình hình 5 - 10 năm tới. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi nghĩ không phải “trend”, cũng giống như TV ngày xưa, từ to uỵch, màn hình dày sau sẽ mỏng dần. Cũng giống như máy chiếu sẽ có sự nâng cấp để hoàn thiện hơn. Ngoài bán máy chiếu, tôi sẽ R&D các sản phẩm vệ tinh, đồng thời có hệ sinh thái phục vụ thị trường.
- Anh tự tin chia sẻ mình từng đánh bật 1 đối thủ đáng gờm của Trung Quốc khỏi thị trường. Vậy anh có nghĩ trong tương lai sẽ mở rộng thị trường sang các nước khác?
Đó là ước mơ của tôi từ năm 2023. Tôi nghĩ mở rộng thị trường sang châu Âu vì sẽ mang lợi nhuận cao hơn. Tôi sẽ thiết kế lại toàn bộ mọi thứ, khá kỳ công.
- Khi Shark Minh Beta rút ra Golden Ticket, cảm xúc của anh thế nào? Ngoài điều này, việc Shark và anh cùng có điểm chung là hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, đó có phải là lý do anh chọn hợp tác với Shark?
Trước khi lên Shark Tank, tôi thích Shark Minh Beta vì có Beta Cinema. Và sau đó, khi nghe Shark phân tích thì càng thấy chuẩn, thấy nể vì có chung “mindset”. Còn về Golden Ticket, quả thực khi Shark Minh Beta, tôi có chút đứng hình… nhưng không phải vì vui mừng, mà vì chưa hiểu với tấm vé đó, tôi có quyền thương thảo tiếp ra sao. Đến khi Shark Hưng giải thích, tôi mới hiểu các đặc quyền.
Thú thực trên Shark Tank, cảm xúc lẫn lộn lắm, cũng không có thời gian quan sát cảm xúc, thái độ các “cá mập”. Tôi chỉ tập trung vào phản hồi câu hỏi của các Shark trong thời gian nhanh nhất, trong đầu luôn có hàng tá suy nghĩ chạy qua và phải bình tĩnh trình bày với vài phút ngắn ngủi.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!