Từ doanh thu 0 đồng đến 4 tỷ tiền sách thu về dịp Tết 2017: Cú hích mới cho ngành xuất bản!
Trước sự phát triển nhanh chóng của smartphone và các loại sách điện từ, những người yêu sách từng than khóc cho ngày tàn của sách in. Nhưng có lẽ “30 chưa phải là Tết”…
Năm 2010 ghi lại một dấu mốc đáng nhớ đối với ngành xuất bản thế giới khi tập đoàn Amazon.com - một trong những công ty phát hành sách lớn nhất nước Mỹ, công bố dữ liệu cho thấy, số lượng sách điện tử bán ra đã vượt qua số lượng sách bìa cứng. Theo Amazon, cứ bình quân bán ra được 143 cuốn sách điện tử thì mới bán được 100 cuốn sách bìa cứng tương ứng.
Trước bối cảnh đó, nhiều người yêu sách tỏ ra lo ngại rằng ngày tàn của các loại sách in nói riêng và ngành xuất bản nói chung sắp đến.
“Những người yêu sách bìa cứng - những cuốn sách nặng nề và đầy mùi ẩm mốc, cần phải chấp nhận thực tế này” - ông Mike Shatzkin, nhà sáng lập Công ty Indea Logical Company chuyên tư vấn cho các nhà xuất bản về sách kỹ thuật số từng nhận định về tương lai của ngành xuất bản.
Từng “ê chề” với doanh thu… 0 đồng
Tại Việt Nam, trong khoảng 10 năm trở lại đây, với sự phát triển nhanh chóng của Internet và những thiết bị hiện đại như smartphone, iPad, Kindle... ra đời, những quyển sách dưới dạng số hóa (hay còn gọi là e-book) đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều. Và không khó để bắt gặp những cô cậu học sinh, sinh viên hay dân văn phòng cầm trên tay chiếc smartphone đọc sách, báo hoặc truyện online.
Nhiều cửa hàng sách in truyền thống ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh lúc nào cũng trong trạng thái đìu hiu, vắng vẻ, thậm chí có những cửa hàng đã phải đóng cửa do chi phí thuê mặt bằng, nhân công tăng trong khi doanh số bán hàng lại giảm.
Nếu trước đây, mỗi dịp lễ tết là thời điểm “vàng” để các nhà xuất bản tăng doanh thu vì đó là thời điểm người Việt được nghỉ ngơi. Nhiều gia đình thường đưa con cái đi mua sách báo, hoặc dân công sở bận rộn cũng có thời gian ghé qua các hiệu sách mua cuốn sách hoặc tạp chí mà mình yêu thích. Thậm chí, rất nhiều học sinh, sinh viên ngày thường không có đủ tiền mua thì vào dịp lễ tết cũng cố dồn tiền mừng tuổi để mua cho được những cuốn sách, truyện…
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, với sự phát triển của sách điện tử và văn hóa đọc “smartphone” tại thời điểm đó, doanh thu của ngành xuất bản vào mỗi dịp lễ tết gần như bằng 0. Toàn bộ các nhà sách, cửa hiệu sách, các đơn vị kinh doanh, phát hành sách lớn nhỏ đều đóng cửa, ngừng hoạt động dịp lễ tết.
Thực tế đó tồn tại từ rất lâu, kéo dài hàng chục năm đến mức những người làm nghề xuất bản, những người yêu sách cũng dần cho đó là một thực tế khách quan, như là một chuyện đương nhiên không thể thay đổi.
Đến 4 tỷ đồng thu về trong 1 tuần
Năm 2011, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh bất đầu thực hiện “Lễ hội đường sách” nhân dịp Tết cổ truyền bên cạnh đường hoa nhằm mục đích mang lại sự đa dạng cho lễ hội xuân của thành phố. Tại thời điểm đó, hầu hết những người trong ngành sách đều không coi trọng sự kiện này vì họ cho rằng nó sẽ chẳng có tác dụng gì với ngành xuất bản.
Tuy nhiên trái ngược với suy nghĩ của hầu hết mọi người, “Lễ hội đường sách” đã được bạn đọc ngày càng chào đón, số lượng người đến tham dự đông hơn dự kiến, nhu cầu mua sách cao bất ngờ đã làm thay đổi tất cả. Từ việc tham dự cho có theo đề xuất của thành phố, dần dần các đơn vị làm sách đã phát hiện ra đây là dịp quảng bá thương hiệu sách.
Với chi phí thấp, môi trường đậm tính văn hóa, không gian mở, vị trí đắc địa... tất cả đã biến sách thành một điểm tuyệt vời để tổ chức sự kiện văn hóa, quảng bá sản phẩm. Năm 2016, năm đầu tiên đường sách hoạt động đã trở thành một trong những năm mà sách có nhiều sự kiện nhất từ trước đến nay.
Không những thế, thành công của mô hình con đường sách này ngày càng nhân rộng ra các tỉnh thành khác trong cả nước. Đường sách đã trở thành một biểu tượng văn hóa đầy thu hút. Tại Hà Nội và các thành phố lớn như Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang… cũng đang háo hức xây dựng những con đường sách tương tự.
Từ những nền móng đó, văn hóa đọc đã có điều kiện để thực sự phát triển mạnh mẽ, thực sự mang lại những tiến bộ tích cực như mong muốn của tất cả những người yêu sách. Dịp tết không còn là giai đoạn “nghỉ ngơi” của giới làm sách nữa, mà trở thành một mùa làm việc quan trọng của họ.
Theo số liệu thống kê, trong vòng một tuần dịp Tết cổ truyền 2017, chỉ riêng tại hai khu vực đường sách tại TP Hồ Chí Minh là Đường sách thành phố (trên đường Nguyễn Văn Bình) và Đường sách Tết 2017 (song song đường hoa Nguyễn Huệ) đã bán được hơn 4 tỷ đồng tiền sách.
Tất nhiên, con số doanh thu này chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu bạn đọc nhưng ít nhất nó cho thấy một tín hiệu mừng đối với ngành xuất bản khi nhu cầu đọc không còn đìu hiu, vắng vẻ mỗi dịp Tết đến xuân về.
Trước đó, tại cuộc họp báo về hoạt động xuất bản, in và phát hành sách năm 2016, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh nhận định ngành xuất bản đang khởi sắc với mức tăng trưởng trên 20% mỗi năm.
Theo đánh giá của ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, hoạt động xuất bản phát triển tốt vì hòa chung sự phát triển của cả nền kinh tế. Hai năm nay, nền kinh tế Việt Nam đang vực dậy sau cơn khủng hoảng. Và khi kinh tế phát triển thì những sản phẩm tinh thần sẽ phát triển theo.
Rõ ràng, sự khởi sắc của hoạt động xuất bản chứng tỏ văn hóa đọc của người dân ngày càng tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc càng ngày người dân càng hiểu hơn vai trò, vị trí của sách đối với sự phát triển tri thức, nhân cách.
Điều này chứng minh rằng, công nghệ, mạng Internet dù có phát triển thế nào cũng không thay thế được những trang sách truyền thống.