Tự do tài chính là gì mà dạo này đi đâu ai cũng nói? CÁI GIÁ của "sự tự do" này là bao nhiêu, mấy tiền thì ĐỦ?
Tất nhiên cái giá của tự do tài chính cũng không hề rẻ chút nào!
- Từ năm 20 tuổi đến năm 28 tuổi, Nhã Uyển ròng rã làm việc từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm, cả năm chỉ nghỉ tất thảy 8 - 10 ngày trọn vẹn... Đến năm 33 tuổi, Uyển hoàn thành mục tiêu tự do tài chính.
- Mỗi ngày Long chỉ ngủ 4 - 5 tiếng đồng hồ vì muốn cày cho tới bến để tự do tài chính vào năm 35 - 40 tuổi. Dù vẫn đang theo đuổi mục tiêu này nhưng Long đã có thể mường tượng ra bản thân lúc đó: nghỉ hưu, không phải làm gì nữa vì có thu nhập thụ động.
...
Uyển hay Long cùng mục tiêu tự do tài chính của họ chỉ là vài ví dụ điển hình trong số những người xung quanh mà tôi biết. Nhìn cuộc sống sau khi tự do tài chính mà họ đang và muốn có, hẳn nhiều người đã không giấu nổi sự trầm trồ lẫn ghen tị.
Và có lẽ đó cũng chính là lý do mà từ vài năm trở lại đây, tự do tài chính được khái quát hoá thành xu hướng phổ biến với người trẻ, trở thành lý do để họ kiếm tiền cật lực.
Tự do tài chính là gì?
Có lẽ tất cả chúng ta đều từng trải qua cảm giác nỗi hoảng sợ quặn lên trong bụng khi nhìn thấy con số cao ngất ngưởng trên hóa đơn sửa chữa xe hoặc tiền viện phí đột ngột nào đó mà không có bảo hiểm. Trong đầu bạn lúc này sẽ chỉ có câu hỏi: "Làm sao để trả nó bây giờ?". Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu việc chi trả tờ hoá đơn đó chỉ đơn giản là "con bò gụng cọng lông, cây me gụng lá"? Đáp án là bạn sẽ thẳng tay thanh toán mà không cần phải nghĩ ngợi đến lần thứ 2. Vài ngày sau hoặc cùng lắm là 1 tuần, bạn thậm chí còn quên luôn rằng nó đã xảy ra. Nhìn chung nó ít hoặc không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của bạn.
Hoặc một ví dụ gần hơn, khi dịch bệnh và tình hình kinh tế khó khăn xảy ra, bạn hoàn toàn có thể bị chậm hoặc giảm đi một phần tiền lương. Nhưng thay vì sợ hãi hoặc trông chờ vào nguồn trợ cấp nào đó, bạn đã có sẵn phương án của mình, không cần phải lo lắng lấy tiền ở đâu để mua thực phẩm.
Trong những tình huống kể trên, bạn thấy nhẹ nhõm chứ? Đó là cảm giác tự do tài chính.
Tuy nhiên đó chỉ là một vài ví dụ nhỏ nhất trong bức tranh tài chính của bạn. Tổng quát hơn, tự do tài chính là bạn có ĐỦ tiền để trang trải cuộc sống mong muốn cho bản thân và gia đình. Đồng thời các quyết định tài chính của bạn cũng không bị chi phối bởi tiền, chẳng hạn như có thể nghỉ hưu sớm vào năm trước 40 tuổi hoặc tự do bỏ công việc đang làm để nhảy sang một việc khác đúng đam mê, ngay cả khi được trả lương ít hơn.
Cần bao nhiêu tiền để tự do tài chính?
Đáp án là không có bất cứ một con số cụ thể nào vì tính cá nhân là một trong những đặc điểm hàng đầu của tự do tài chính. Tức là số tiền cần để mỗi người tự do tài chính khác nhau, phù hợp với nhu cầu của riêng mình, có người có nhu cầu rất lớn nhưng cũng có không ít người thực hiện lối sống tối giản, không chi tiêu nhiều. Vì vậy bạn cần xác định được nhu cầu của bản thân để lên kế hoạch, tính toán nguồn thu, khoản tiền tiết kiệm sao cho phù hợp.
Nếu vẫn đang cảm thấy mông lung, có thể hình dung tự do tài chính là khi bạn đủ tiền để:
- Tự do lựa chọn công việc mình yêu thích mà không cần lo lắng về tiền lương.
- Tự do thực hiện một (hoặc nhiều) chuyến du lịch nước ngoài hàng năm mà không cảm thấy lo lắng cho ngân sách.
- Tự do trả tiền cho một món đồ mà bạn rất thích dù hơi đắt đỏ.
- Tự do đáp ứng/ giúp đỡ người khác một cách hào phóng.
- Tự do nghỉ hưu sớm hàng chục năm, về quê "enjoy cái moment" nuôi cá và trồng thêm rau.
...
Nói chung khi tự do tài chính bạn có nhiều lựa chọn, chất lượng của mỗi lựa chọn cũng tốt hơn.
Làm thế nào để tự do tài chính?
Tự do nào cũng có cái giá khá đắt, tự do tài chính cũng không ngoại lệ. Con đường dẫn đến tự do tài chính không hề nhanh chóng và dễ dàng, nếu không muốn nói là ngược lại - lâu dài và khó khăn. Bởi bạn sẽ cần rất nhiều học hỏi, chăm chỉ, hi sinh lẫn thời gian.
Nghe đến đây hẳn nhiều người sẽ nhụt chí. Nhưng bạn biết đấy, tất cả nỗ lực sẽ được đền đáp bằng những thành quả xứng đáng như vừa kể ở trên. Và đây là lộ trình cơ bản, giúp ngay cả người gà mờ nhất cũng có thể bắt đầu con đường tự do tài chính, miễn là bạn dám!
Bước 1: Tìm hiểu cách quản lý tiền
Bạn sẽ không có được tự do tài chính một cách ngẫu nhiên, giống như sẽ không bao giờ bứt phá lên được nếu không có kế hoạch chi tiêu tiền của mình. Khi chữ "nếu" này chính là tình trạng của bạn hiện tại, "Tiền của mình đi đâu rồi ấy nhỉ?", "Sao hết tiền nhanh thế nhỉ?", "Không thấy đồng nào trong ví tôi",... hẳn là những câu hỏi quen thuộc mỗi cuối tháng. Đây chính là dấu hiệu của thảm hoạ tài chính sắp ập đến.
Vì vậy trước mắt bạn phải nghiêm túc nhìn nhận lại cách quản lý tiền của mình bằng cách liệt kê các khoản chi tiêu và thảo luận với vợ/ chồng hoặc ai đó đáng tin cậy xem như vậy đã hợp lý chưa. Sau đó hãy lập ngân sách (nếu chưa có), chia tiền thành từng khoản - đặt tên và theo dõi chi tiêu trong suốt tháng. Nếu nhận thấy thường xuyên chi tiêu vượt quá/ dưới mức trong những khoản nhất định thì có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Lập ngân sách là điều quan trọng để đưa tài chính của bạn đi đúng hướng và đúng mục đích, nhưng mọi chuyện không kết thúc ở đó. Ngay cả khi đã đạt được tự do tài chính, bạn vẫn sẽ phải thực hiện đúng ngân sách mỗi tháng. Dù có bao nhiêu tiền cũng cần có kế hoạch chi tiêu.
Bước 2: Xử lý sạch sẽ các khoản nợ
Nếu muốn trải nghiệm tự do tài chính, một trong những bước đầu tiên là xử lý sạch sẽ các khoản nợ . Điều đó có nghĩa là nếu có các khoản nợ như thẻ tín dụng, khoản vay mua xe hay điện thoại trả góp thì đã đến lúc bạn phải giải quyết dứt khoát chúng.
Bởi vì khi bạn nợ tiền, tiền lương hàng tháng sẽ bị cắt đi một khoản để trả nợ. Trong khi đó nếu muốn tự do tài chính, bạn cần có toàn bộ thu nhập và sử dụng theo ý mình, không phải chỉ là phần còn lại sau khi thanh toán hóa đơn thẻ tín dụng, tiền trả góp hay lãi ngân hàng.
Nợ nần chính là nguyên nhân trực tiếp làm giảm khả năng tạo dựng giàu có và khiến kế hoạch tài chính của bạn gặp rủi ro. Vì vậy đơn giản nhất là tránh xa nợ nần!
Bước 3: Lựa chọn nghề nghiệp một cách thông minh
Công cụ giúp đạt mục tiêu tự do tài chính là thu nhập. Thế nên việc tìm một công việc mà bạn vừa yêu thích lại vừa hỗ trợ mục tiêu tài chính của bạn sẽ là cách giúp tận hưởng cuộc hành trình dài này.
Vậy làm thế nào để lựa chọn nghề nghiệp thông minh? Đây là một số câu hỏi mà bạn phải trả lời:
- Bạn muốn ở đâu trong 10 năm nữa? Hay công việc này có ý nghĩa với mục tiêu tổng quát của bạn không?
- Bạn có thể kiếm thêm/ tăng thu nhập không? Ngay cả khi bạn không deal được mức lương mơ ước ngay từ đầu cũng hãy đảm bảo có cơ hội để thu nhập tăng lên khi giá trị của bạn tăng lên.
- Bạn có cơ hội phát triển không? Hãy lựa chọn công việc mà ở đó, bạn nhìn thấy cơ hội phát triển của mình.
- Bạn có thích công việc này không? Đừng dành sự nghiệp để làm việc mình ghét, hãy tìm thứ gì đó bạn đam mê để có thể cho phép bản thân sử dụng tài năng và kỹ năng của mình.
- Các quyền lợi công việc có hỗ trợ mục tiêu tự do tài chính của bạn không? Các lựa chọn về bảo hiểm mà công ty dành cho bạn có thể ảnh hưởng đáng kể đến quá trình tự do tài chính của bạn.
Sự lựa chọn nghề nghiệp có thể ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tài chính dài hạn của bạn, vì vậy hãy nghiêm túc thực hiện nó.
Bước 4: Có những khoản tiết kiệm ngắn hạn
Nếu mục tiêu của bạn là tự do tài chính, bạn cần có một "vùng đệm" để đề phòng sự kiện bất ngờ trong cuộc sống như sửa chữa xe cộ, máy móc hỏng hay hoá đơn bệnh viện. Đó là lý do tại sao trong vòng từ 3 - 6 tháng sau khi hết nợ, bạn nên tăng số tiền trong quỹ khẩn cấp. Số tiền này sẽ giúp bạn yên tâm trong những tình huống khẩn cấp đồng thời là một phần quan trọng trong kế hoạch tài chính tổng quát.
Khi không mắc nợ, bạn cũng cần có kế hoạch tiết kiệm cho những khoản mua sắm lớn mà không phải trường hợp khẩn cấp ví dụ như một chuyến du lịch. Cách thực hiện rất đơn giản:
- Tạo một mục trong ngân sách hàng tháng
- Chia tổng số tiền cần tiết kiệm cho số tháng tiết kiệm dự tính
- Hàng tháng bỏ vào số tiền đã tính
Quỹ khẩn cấp đầy đủ và kế hoạch tiết kiệm dành cho các khoản chi lớn chính là nền tảng tài chính để bắt đầu đầu tư.
Bước 5: Đầu tư
Sau khi đã có đường lui cho mình, đã đến lúc bạn phải đầu tư . Chắc chắn không phải ai đầu tư cũng sinh lời hay giàu có ngay tức khắc, bạn cần trải qua quá trình học hỏi, trải nghiệm và cả thất bại thì mới có thể thu về "quả ngọt". Vì vậy bạn càng bắt đầu từ sớm thì tiền của bạn càng có nhiều thời gian.
Một số kiểu đầu tư khá phổ biến hiện nay gồm có: Bất động sản, chứng khoán, góp vốn vào công ty cổ phần, mua trái phiếu,... để bạn tha hồ lựa chọn. Đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn là bước đầu tiên nhưng chưa xong. Bởi để các khoản đầu tư tự hoạt động không phải là một chiến lược đầu tư tốt mà bạn phải biết tận dụng tối đa chúng để tiền tiếp tục đẻ ra tiền. Nhưng hãy nhớ rằng đầu tư gì thì cũng phải học và hiểu trước đã!