Từ điển hình chống Covid-19 thành ổ dịch, Singapore phải làm gì để có cuộc sống "bình thường mới"?
Nỗ lực để cuộc sống trở lại bình thường, nhà chức trách Singapore nhấn mạnh việc dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa cần diễn ra từ từ và phải được điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ 6 tuần trước (15/5), Singapore đã cho mở lại các cửa hàng cắt tóc và tiệm giặt là. Nhà chức trách đảo quốc sư tử cho biết họ sẽ cho phép nhiều lao động trở lại làm việc hơn từ ngày 6/2. Sau nhiều tuần đóng cửa để ngăn chặn virus lây lan, Singapore đang từng bước đưa cuộc sống trở lại dù bình thường còn rất xa.
Nhà chức trách Singapore cảnh báo, số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sẽ tăng lên khi đất nước mở cửa trở lại. Chính vì vậy, các động thái này cần được diễn ra từ từ và tuân thủ các quy định giãn cách để ngăn chặn làn sóng thứ 2 bùng lên ở đảo quốc sư tử. Từng là điểm hình chống dịch được nhiều quốc gia noi gương, Singapore đã thất bại và trở thành ổ dịch lớn nếu so số ca nhiễm bệnh trên tổng số dân.
Trong một bài viết trên Facebook hôm 17/5, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong nói rằng việc mở cửa trở lại đất nước Singapore "cần sự kiên nhẫn và kỷ luật từ tất cả chúng ta".
Ngày 1/6 là thời điểm hết hạn cách ly xã hội lần thứ 2 ở Singapore. Tuy nhiên, hàng loạt các yếu tố đang được nhà chức trách Singapore xem xét nhằm nới lỏng các biện pháp phong tỏa để ngăn Covid-19 lây lan. Một trong số đó là số ca nhiễm.
Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong cho biết, cách ly xã hội có thể được dỡ bỏ khi số ca nhiễm trong cộng đồng giảm xuống 0 hoặc chỉ là 1 chữ số hàng ngày. Ngoài ra, số ca nhiễm trong những khu vực tập trung người lao động nhập cư cũng phải giảm xuống. Hiện tại, lây nhiễm trong nhóm này chiếm tới 90% tổng số ca mắc Covid-19 ở Singapore.
Tính tới lúc này, số ca lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung người lao động nước ngoài ở Singapore đã giảm. Từ hơn 1.000 ca mỗi ngày trong nửa cuối tháng 4, số ca mắc hiện này chỉ còn trung bình 670 ca/ngày trong 7 ngày qua. Tính tới ngày 17/5, tổng số ca mắc Covid-19 ở Singapore là khoảng 28.000 trường hợp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại phải tuân thủ một loạt các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ. Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống các biện pháp quản lý an toàn, bao gồm bổ nhiệm thêm các cán bộ chuyên trách nhiệm vụ này. Người lao động sẽ phải giảm tới mức tối thiểu các tương tác vật lý. Doanh nghiệp cũng như phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khác, chẳng hạn như cho phép người lao động làm việc tại nhà nếu có thể….
Khi các doanh nghiệp ở Singapore bắt đầu mở cửa trở lại, chính phủ cũng lên kế hoạch tăng cường khả năng và năng lực xét nghiệm. Singapore đang tìm cách tăng gấp 5 lần khả năng xét nghiệm, từ 8.000 mẫu lên 40.000 mẫu mỗi ngày vào cuối năm nay. Toàn bộ hơn 300.000 công nhân nước ngoài đang làm việc ở Singapore đều phải được xét nghiệm.
Bên cạnh xét nghiệm cho các công nhân nhập cư, Chính phủ cũng lên kế hoạch xét nghiệm cho 16.000 người cao tuổi trong các viện dưỡng lão vào đầu tháng 6 cùng 5.000 người và các nhân viên làm việc trong các nhà phúc lợi, cơ sở chăm sóc người khuyết tật….
Ngoài các nhóm dễ bị tổn thương này, Singapore cũng ưu tiên xét nghiệm cho những người làm công việc chăm sóc cho những người nhiễm bệnh. Cùng với những người mắc bệnh hô hấp và công nhân nhập cư, nhóm này sẽ được xét nghiệm nhiều lần. Những người làm trong các dịch vụ thiết yếu như xử lý chất thải, vận tải và tài chính cũng sẽ được ưu tiên xét nghiệm.
Kiểm tra chuyên sâu được áp dụng cho những người tới siêu thị và trung tâm thương mại từ ngày 12/5. Chính phủ Singapore cũng cho biết họ đang xem xét ứng dụng các giải pháp công nghệ nâng cao để giúp theo dõi người nhiễm và những người tiếp xúc.
Thủ tướng Lý Hiển Long từng nhấn mạnh Singapore phải tận dụng triệt để công nghệ thông tin để ngăn chặn sự bùng phát của virus, kêu gọi người dân sử dụng ứng dụng giám sát có tên TraceTogether trên điện thoại di động. Được triển khai từ tháng 3, hiện có 1,4 trong số 5,7 triệu công dân Singapore đang dùng ứng dụng này. Tuy nhiên, không phải ai cũng bật Bluetooth, điều kiện tiên quyết để ứng dụng hoạt động.
Bên cạnh các điều kiện chủ quan, Singapore cũng sẽ tính đến các yếu tố khách quan khi mở cửa trở lại đất nước. Theo Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong, Singapore cần đánh giá lại tình hình toàn cầu, bao gồm cả các quốc gia riêng lẻ để nắm được mức độ và cách tiếp cận với việc mở cửa trở lại biên giới.
Với các quốc gia Đông Nam Á, việc mở cửa biên giới trở lại sẽ được Singapore tiến hành từ từ và có chọn lọc. Bên cạnh đó, Singpore sẽ tiếp tục áp dụng các yêu cầu xét nghiệm và cách ly với những người từ nước ngoài tới Singapore.
Ngoài ra, Singapore muốn hợp tác song phương với các nước trong và ngoài khu vực trong việc mở cửa trở lại biên giới. Cụ thể, họ muốn những người tới Singapore được xét nghiệm trước khi khởi hành. Ngay cả khi tới Singapore, những người này sẽ vẫn phải tiếp tục xét nghiệm.
Bên cạnh đó, Singapore cũng sẽ cân nhắc các yếu tố, bao gồm tỷ lệ lây nhiễm ở các quốc gia cũng như các biện pháp phòng ngừa tại chỗ trong việc mở cửa lại biên giới.
Trong thời điểm đầu dịch bệnh bùng phát, Singapore được xem là điển hình chống dịch khi hạn chế số ca lây nhiễm nhưng vẫn mở cửa nền kinh tế và cho phép học sinh tới trường. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng lên ngoài tầm kiểm soát, quốc gia Đông Nam Á này lại trở thành một trong những ổ dịch lớn, điều khiến nhà chức trách Singapore phải hết sức thận trọng trong việc đưa cuộc sống trở lại bình thường.