Tự chủ đại học: Giải bài toán gánh nặng học phí cho sinh viên thế nào?

05/08/2022 12:00 PM | Xã hội

Một số chuyên gia cho rằng, tự chủ đại học nhưng các trường cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để thu tiền về, để giảm áp lực học phí cho sinh viên nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng đào tạo.

Ngày 4/8, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị về tự chủ đại học (ĐH).

Theo báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả thực hiện tự chủ ĐH từ cuối năm 2014 (thời điểm bắt đầu triển khai thí điểm mới cơ chế hoạt động của 23 cơ sở giáo dục ĐH theo Nghị quyết số 77 của Chính phủ, từ năm 2018 thực hiện theo Luật giáo dục ĐH sửa đổi) đến nay, việc thực hiện tự chủ của các trường ĐH đã được một số kết quả đáng khích lệ, mang lại nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện.

Đánh giá chung về nâng cao năng lực tài chính của các trường tự chủ, Bộ GD&ĐT cho biết từ 2018 đến 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm.

Đặc biệt, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: 20,8% với giảng viên và 18,7% với cán bộ quản lý. Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.

Nếu năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% thì năm 2021 chỉ còn 12,7%; năm 2018 tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm là 57,5% thì năm 2021 con số này giảm xuống còn 46,3%/ năm. Trong khi đó, sau 3 năm tự chủ (2018-2021), giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD&ĐT không phân tích, đánh giá mức độ tăng đóng góp của người học. Nếu so với mức học phí được áp dụng từ năm 2022, học phí của các trường tự chủ cao ít nhất gấp 2 lần các trường chưa tự chủ. Mức học phí được quy định theo nghị định cũ cũng tương tự.

Ông Nguyễn Minh Thụy - Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính, ĐH Quốc gia TPHCM thừa nhận học phí tăng đã có ảnh hưởng đến sinh viên. Khảo sát cuối năm 2021 đối với trên 39.000 sinh viên của ĐH Quốc gia TPHCM cho thấy có 46% sinh viên trong hoàn cảnh gia đình bị mất nguồn thu, 53% sinh viên gặp khó khăn về học phí và có 5% sinh viên nợ học phí.

Tự chủ đại học: Giải bài toán gánh nặng học phí cho sinh viên thế nào? - Ảnh 1.
Tự chủ đại học khiến sinh viên đối mặt với áp lực học phí.

Về vấn đề giảm áp lực học phí cho sinh viên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng các trường cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để thu tiền về, để giảm áp lực học phí cho sinh viên nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng đào tạo.

“Nhà nước phải xem xét lại, trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, không thể để các trường tự chủ thu tiền quá nhiều. Bởi lẽ, nếu tăng quá mức nhân dân sẽ không có khả năng cho con em đi học, ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường. Vì vậy, Nhà nước có thể cho sinh viên vay một số tiền đủ để đi học, sau khi đi làm, nếu sinh viên đó làm tốt công việc thì hoàn toàn có thể miễn khoản vay đó. Chính sách này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng việc tăng học phí trong các trường ĐH công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH.

Ông Quân đưa ra dữ liệu, thống kê năm 2016 của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỉ lệ sinh viên ĐH đến từ các gia đình có mức thu nhập cao là 52%, trong khi chỉ có 19% sinh viên đến từ các gia đình có mức thu nhập thấp, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Ông Quân kiến nghị cần có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường ĐH đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường ĐH tự chủ phải theo lộ trình.

Cùng với đó là sớm hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác cũng như nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng...

Ngoài ra, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên cũng như điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.

Đồng thời, cũng cần nghiên cứu giảm mức lãi suất cho vay đối với sinh viên vay vốn là 3%-4%/năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3%-4%/năm; sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn.

Điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp ba lần thời gian vay (ví dụ, học bốn năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm; học bảy năm được vay và trả nợ vay tối đa là 21 năm). Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên… để tạo những hỗ trợ tối đa cho sinh viên trong quá trình đi học.

Hoàng Thanh

Cùng chuyên mục
XEM