Tu chính án 14 - "Vũ khí" nguy hiểm có thể chặn cửa tranh cử của ông Trump trong tương lai như thế nào?
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bị luận tội với cáo buộc "kích động bạo loạn", một số nhà lập pháp muốn đảm bảo rằng ông không bao giờ có thể tái tranh cử nữa.
Phương án của đảng Dân chủ nhằm ngăn chặn Trump trong tương lai
Với quy định yêu cầu 2/3 số phiếu tán thành ở Thượng viện để có thể kết tội Tổng thống và hé lộ những khả năng phế truất, một phiên luận tội Trump tại Thượng viện có thể sẽ là một cuộc chiến đầy thách thức ngay cả khi tổ chức dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden - khi ông Trump đã mãn nhiệm.
Theo tờ Newsweek, một trong những phương án mà những người chống lại ông Trump cân nhắc là tìm cách kích hoạt Tu chính án Số 14 của Hiến pháp Mỹ. Được thông qua vào năm 1868, Tu chính án này chủ yếu được mọi người biết đến cung cấp quyền công dân và bảo vệ quyền bình đẳng theo pháp luật cho bất kỳ ai sinh ra hoặc nhập quốc tịch Mỹ.
Tuy nhiên, Khoản 3 của Tu chính án 14 cũng mở ra một phương thức bãi miễn quan chức đương nhiệm, trong đó nêu rõ không ai có thể tại nhiệm nếu họ tham gia vào một "cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn" chống lại nước Mỹ. Nếu Quốc hội viện dẫn điều khoản này, quyết định kết tội có thể được phê duyệt chỉ với 51 phiếu hoặc đa số phiếu thuận.
Trong khi điều luật trên chưa bao giờ được sử dụng để chống lại một tổng thống, một số nghị sĩ đảng Dân chủ đang nghiên cứu phương án này sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1, làm gián đoạn phiên họp của lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhằm xác nhận kết quả bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn bầu tổng thống.
Trong lá thư gửi tới các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện hôm 10/1, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói quan điểm của các nghị sĩ về Khoản 3 của Tu chính án 14, cũng như việc luận tội và Tu chính án thứ 25, "được coi trọng".
Hạ nghị sĩ mới đắc cử Cori Bush đăng tải trên Twitter rằng bà sẽ soạn thảo một nghị quyết để trục xuất các thành viên Quốc hội đã từng phản đối Đại cử tri đoàn, với lý do họ "vi phạm Tu chính án 14".
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở Điện Capitol, thủ đô Washington, Mỹ, ngày 6/1/2021 (Ảnh: AP)
Những rắc rối để kích hoạt Tu chính án 14
Vấn đề duy nhất là Hiến pháp Mỹ không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn nào về việc áp dụng điều khoản nêu trên.
"Việc áp dụng không diễn ra tự động được", Laurence Tribe, giáo sư luật hiến pháp Đại học Harvard, nói với tờ Newsweek. "Nó chỉ áp dụng cho những người phạm tội tham gia vào cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn. Và người ta vẫn phải xác định những kẻ phạm tội là ai, liệu tổng thống có tham gia cuộc nổi dậy hay không."
Giáo sư Tribe nói Quốc hội Mỹ sẽ vi hiến nếu chỉ tuyên bố Tổng thống Trump có tội mà không cần thông qua việc xét xử như ý kiến của một số người đề xuất. Nhưng các nhà lập pháp có thể bỏ qua yêu cầu mở phiên tòa xét xử bằng cách lập nên đạo luật mới để tạo nên quy trình vận dụng Khoản 3. Điều luật mới này sẽ cần phải cả lưỡng viện thông qua và được Tổng thống ký ban hành.
"…Tôi chắc chắn rằng Quốc hội sẽ muốn nghiên cứu việc ban hành luật mới sau khi phiên tòa luận tội kết thúc để tạo ra một quy trình công bằng để áp dụng Khoản 3 cho tất cả đối tượng đã tham gia vào cuộc nổi dậy này," ông Tribe nói về vụ bạo loạn ngày 6/1.
Michael Gerhardt, giáo sư luật của Đại học North Carolina, cũng nói với Newsweek rằng Hạ viện và Thượng viện có thể sẽ thông qua quy định hướng dẫn cách vận dụng Khoản 3 Tu chính án 14, khi khai mạc phiên họp mới và tập hợp đầy đủ các nghị sĩ mới được bầu.
Ông Gerhardt lưu ý các học giả khác "tin tưởng rằng Khoản 3 cũng có thể đi kèm với một bản tuyên án từ tòa án, hoặc Quốc hội, trong đó người bị tuyên án trên thực tế đã tham gia vào hành vi bị cấm". Một số người cho rằng Khoản 3 mặc nhiên cho phép Thượng hoặc Hạ viện của Quốc hội có thể công bố phán quyết khi đạt đa số phiếu.
Nhưng quá trình này có thể mất nhiều năm, như ông Daniel Hemel tại trường Đại học Chicago đã lưu ý trong xã luận trên Washington Post.
Ông Hemel lập luận rằng "một đạo luật cấm Trump giữ những chức vụ trong chính phủ trong tương lai cần phải được đa số Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu thông qua sẽ tạo ra những thách thức nghiêm trọng của hiến pháp".
Cũng theo ông Hemel, cách thức hiệu quả hơn sẽ là Quốc hội cần thiết lập một thủ tục tư pháp để loại bỏ những kẻ nổi dậy.
Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez nói với ABC News rằng Quốc hội nên tìm hiểu tất cả các phương thức phản ứng với cuộc bạo động ở Điện Capitol và quy kết trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo chính trị.
Bà Pelosi nhấn mạnh cam kết về việc buộc các nghị sĩ trong Quốc hội và Tổng thống Trump chịu trách nhiệm về vai trò của họ trong cuộc bạo loạn ngày 6/ 1.
"Nếu trong thực tế người ta phát hiện ra các nghị sĩ là đồng phạm trong cuộc bạo loạn này, nếu họ tiếp tay cho tội ác, thì có thể Quốc hội cần phải áp dụng những biện pháp cao hơn, xét về khía cạnh truy tố," bà Pelosi nói hôm 15/1.
Một phiên tòa luận tội tại Thượng viện không có khả năng bắt đầu trước khi Trump rời nhiệm sở vào ngày 20/1 (giờ địa phương). Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell đã tuyên bố Quốc hội nên dành thời gian trước mắt "hoàn toàn tập trung để tạo điều kiện cho một lễ nhậm chức tổng thống an toàn và một quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự".