Từ bồi bàn trở thành Tiến sĩ rồi trợ lý Giáo sư nước Mỹ, tôi nhận ra: Nghèo khó chính là bàn đạp vĩ đại nhất!
Sự nghèo khó trong quá khứ không ngăn cản tôi tiến về phía trước.
Bài viết là lời chia sẻ của Lý Giang, được đăng lên Toutiao đã nhận được nhiều lời động viên, ngợi khen của mọi người.
***
Tôi là Lý Giang, quê tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, tôi là con lớn trong gia đình, dưới có 1 em trai và 1 em gái. Cha mẹ đều là nông dân, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mẹ tôi là người cần cù, quyết đoán và không bao giờ than phiền trước những khó khăn của cuộc sống. Bà đã có tác động sâu sắc đến tôi khi lớn lên.
Tôi cùng bố mẹ bán trái cây ở chợ, đồng thời tôi cũng phụ giúp các công việc như làm ruộng và nuôi gia cầm, gia súc. Mặc dù làm việc chăm chỉ nhưng thu nhập của chúng tôi rất hạn chế. Khi tôi còn đi học, học phí dường như gia đình tôi không đủ khả năng chi trả. Mỗi lần đóng tiền học, cha mẹ tôi phải vay mượn khắp nơi.
Khi còn nhỏ, tôi là người sống nội tâm, nhút nhát và luôn thu mình trong góc. Nhưng vì yêu thích đọc sách và có khả năng học ngôn ngữ nên tôi được giáo viên và các bạn cùng lớp chú ý hơn. Gia đình tôi nghèo và tôi không có tiền mua sách. Tôi thường mượn nhiều loại sách từ các bạn để đọc lúc rảnh rỗi. Tôi đắm chìm trong thế giới của tiểu thuyết lãng mạn, truyện kiếm hiệp, sách Lịch sử,... suốt ngày, thậm chí có thể đọc hết 1 cuốn sách trong một ngày.
Với sự nỗ lực của gia đình, cuối cùng tôi cũng được học Đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại thành phố làm việc, gặp một người đàn ông khá ưu tú rồi kết hôn. Cứ tưởng cuộc sống sẽ hạnh phúc về sau nhưng sóng gió đã ập tới tổ ấm của tôi.
Cuộc sống bên Mỹ là chuỗi ngày khó khăn...
Năm 2011, với trình độ tiếng Anh còn hạn chế, tôi di cư sang Mỹ cùng chồng và đứa con 9 tháng tuổi. Tôi nói tiếng Anh không giỏi nhưng để kiếm sống, tôi bắt đầu làm việc sau 3 ngày tới Mỹ. Công việc đầu tiên của tôi là bồi bàn. Vì không hiểu được yêu cầu của khách hàng nên tôi thường mắc lỗi. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn kiên trì gắn bó với quán suốt 3 năm. Trong 3 năm này, tôi tiếp tục tự học tiếng Anh, tích lũy vốn từ vựng mới.
Trong công việc, ngoài khó khăn về ngôn ngữ, tôi còn gặp áp lực khi lao động ở cường độ cao. Tôi làm việc 10 giờ vào các ngày trong tuần và 12 giờ vào các ngày nghỉ. Tôi kiệt sức về thể xác lẫn tinh thần nhưng vẫn phải kiên trì.
Trong cuộc sống hàng ngày, tôi không hiểu văn hoá và ngôn ngữ người Mỹ nên rất sợ gọi điện thoại, hẹn gặp bác sĩ, liên hệ với nhà trẻ,.... Mỗi lần có việc, tôi phải viết trước ra giấy và tập dượt nhiều lần.
Để thích nghi với môi trường mới càng sớm càng tốt, tôi chỉ có thể tăng cường độ học tập. Ngoài tự học, tôi còn tham gia các lớp học tiếng Anh cộng đồng. Tuy nhiên, tôi phát hiện môi trường này không phù hợp nên đã lái xe đến trường Đại học tốt nhất bang để học tiếng.
Tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng, chuẩn bị bữa trưa và sau đó lái xe hơn 1 tiếng đến trường. Tôi không có đủ tiền để ăn ở trường nên tự mang theo bữa ăn. Học phí ngày càng tăng khiến đôi lúc tôi mệt mỏi. Sau giờ học, tôi lái xe đến nhà hàng và mãi đến 11 giờ đêm mới về nhà. Dù cuộc sống khó khăn nhưng tôi không ngừng hy vọng.
Tôi có thể chịu đựng được những khó khăn về thể chất, nhưng cuộc đấu tranh nội tâm thật đau đớn. Sau khi kết hôn, tôi và chồng có quan điểm rất khác nhau và thường xuyên cãi vã. Điều tệ hại là anh ta có xu hướng bạo lực. Chồng còn lừa dối khiến tôi mất niềm tin.
Sau đó, chúng tôi ly hôn, tôi và các con ở lại Mỹ. Năm 2013, anh ấy trở về Trung Quốc lập nghiệp và sau đó qua đời vì xuất huyết não. Tôi đã trải qua 4 năm gian nan ở Mỹ một mình cùng các con.
Cuộc sống sang trang chỉ dành cho người biết cố gắng...
Với sự nỗ lực, trình độ tiếng Anh của tôi được cải thiện. Năm 2015, một trường cấp hai tuyển dụng giáo viên tiếng Trung, biết thông tin, tôi đã ứng tuyển. Tuy nhiên, vì không có chứng chỉ giảng dạy chính thức ở Mỹ nên tôi chỉ có thể xin chứng chỉ giảng dạy tạm thời 1 năm. Tiếp đó, dưới sự hỗ trợ của nhà trường, tôi thi lấy chứng chỉ giáo viên, học Thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục trong 2 năm.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, tôi đứng trước hai lựa chọn: 1 là quay lại nơi tôi dạy tiếng Trung; 2 là tiếp tục học lấy bằng Tến sĩ vì nhận được học bổng 1 năm. Cuối cùng, tôi chọn phương án 2 và đặt ra mục tiêu cho mình. Vừa học, tôi vừa làm trợ giảng để có thêm sinh hoạt phí. Học bổng cũng chu cấp cho tôi 11.000 NDT/tháng (khoảng 38,5 triệu đồng) giúp cuộc sống tạm ổn định.
Sau khi tốt nghiệp, tôi ở lại trường làm việc với mức lương khởi điểm 27.000 NDT/tháng (khoảng 95,6 triệu đồng). Không lâu sau, tôi cũng tìm được bạn đời qua 1 ứng dụng hẹn hò trực tuyến. Chúng tôi đăng ký kết hôn vào năm 2019 nhưng hoãn đám cưới do dịch bệnh cho đến năm 2021. Chúng tôi tổ chức đám cưới trong mơ trên bãi biển ở Florida.
Tôi khi ấy 38 tuổi, chồng tôi 40 tuổi. Bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, 120 người thân, bạn bè từ khắp nơi đã đến chúc mừng tôi. Từ quen nhau đến hôn nhân, tuy có một vài mâu thuẫn nhỏ nhưng nhìn chung cuộc sống rất hạnh phúc. Khi tôi gặp chồng tôi, anh ấy đã tự do về tài chính, còn tôi chỉ là một nghiên cứu sinh chưa có gì.
Công việc của tôi cũng phát triển thuận lợi. Tôi được bổ nhiệm là trợ lý giáo sư theo biên chế. Đây là vinh dự không hề nhỏ đối với tôi. Ngoài công việc, tôi cũng bắt đầu dành thời gian cho sở thích như vẽ tranh, học cắm hoa, học đàn piano,... Chưa bao giờ, tôi thấy cuộc sống của mình vui vẻ, nhiều ý nghĩa đến vậy.
Dù cuộc sống đã tốt lên rất nhiều nhưng tôi vẫn không ngừng cố gắng. Sự nghèo khó trong quá khứ không ngăn cản tôi tiến về phía trước. Những nỗ lực sau tuổi 40 không còn chỉ để sinh tồn mà còn để khám phá bản thân và hiện thực hóa giá trị.
Theo Toutiao