Từ ăn xin trở thành tỷ phú: 3 quy tắc làm giàu "đắt giá hơn ngàn vàng" giúp người đàn ông Mỹ làm nên kỳ tích, sở hữu khối tài sản 3,1 tỷ USD
John Paul DeJoria từng là người vô gia cư, phải ngồi trước cửa hàng tạp hóa để xin tiền trước khi trở thành tỷ phú nổi tiếng của Mỹ với khối tài sản lên tới 3,1 tỷ USD.
Từ người vô gia cư đổi vận trở thành tỷ phú, đó gần như là điều không thể, vậy mà John Paul DeJoria - đồng sáng lập công ty chăm sóc tóc John Paul Mitchell Systems và thương hiệu rượu Patrón Spirits cao cấp - đã làm được điều đó. Theo Forbes, người đàn ông 73 tuổi này hiện có tài sản ròng lên tới 3,1 tỷ USD, trở thành một tỷ phú nổi danh khắp đất Mỹ.
John Paul DeJoria từng có tuổi thơ nghèo khó và phải làm thuê nhiều nghề để kiếm sống. Năm 1980, ông hợp tác với Paul Mitchell, dùng 700 USD vốn đầu tư ban đầu để tạo nên một trong những hãng chăm sóc tóc lợi nhuận cao nhất thế giới. Hiện doanh thu hàng năm của hãng chăm sóc tóc này đạt khoảng 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, thương hiệu rượu Patrón Spirits của ông cũng bán được hàng triệu chai mỗi năm.
Tỷ phú John Paul Dejoria
Giàu có là thế nhưng DeJoria không đong đếm thành công bằng tiền. Với doanh nhân biểu tượng này, thành công không phải là sở hữu tiền tài hay quyền lực. Ông cho biết: "Tôi từng chẳng có gì trong tay, vì thế tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc khi có tiền và cho đi. Đây là cách tôi trả tiền thuê nhà cho hành tinh này để chia sẻ với những người kém may mắn hơn".
Tỷ phú nhớ lại khoảnh khắc mẹ ông cứu giúp một người lính và nói với ông: "Chúng ta có thể nghèo, nhưng có nhiều người còn kém may mắn hơn. Vậy nên đừng ngần ngại giúp đỡ dù đó chỉ là một điều gì đó nhỏ bé."
Những lời dạy này luôn khắc sâu trong tâm trí và trở thành hành trang đồng hành suốt thành trình còn lại của tỷ phú này. Năm 2011, DeJoria tham gia "Lời cam kết cho đi" của Bill Gates và Warren Buffett, trao một nửa tài sản của mình để làm từ thiện. Ngoài ra, ông còn thành lập quỹ để bảo vệ môi trường, giúp đỡ người nghèo và bảo vệ quyền động vật.
Thông qua quỹ của mình, vị tỷ phú này đã quyên góp được hàng triệu USD hỗ trợ hơn 160 tổ chức từ thiện trên khắp thế giới. Chúng bao gồm Grow Appalachia - một chương trình cung cấp hạt giống và công cụ để giúp các gia đình nghèo ở sáu bang khắp miền trung Appalachia tự trồng lương thực chống suy dinh dưỡng; và Sea Shepherd - một "xã hội" bảo tồn động vật hoang dã biển đối đầu với nạn săn bắn trái phép động vật hoang dã trên các đại dương trên thế giới.
Nhiều người thắc mắc DeJoria đã xây dựng đế chế của mình như thế nào. Chia sẻ với CNBC, tỷ phú này bật mí 3 quy tắc làm giàu đơn giản giúp ông thành công:
Quy tắc số 1: Luôn chuẩn bị tâm lý bị từ chối
DeJoria cho biết, trong suốt sự nghiệp của mỗi người, ai cũng sẽ gặp phải những lời từ chối, điều này không chỉ đến một lần mà rất nhiều lần. "Khi bạn gõ cửa, nhiều người sẽ không mở cửa đâu. Sẽ có những người không thích sản phẩm của bạn, công ty của bạn - hoặc chính bản thân bạn ", DeJoria nói.
Tỷ phú này cho rằng điều quan trọng là bạn phải nhận ra điều này ngay từ ngày bạn thành lập doanh nghiệp của mình: "Để thành công, bạn duy trì sự tự tin và nhiệt tình ở cửa số 59 như lúc bạn thể hiện ở cửa đầu tiên". Bởi, khi bạn ý thức được điều này và luôn chuẩn bị sẵn tâm lý cho nó thì sự chối từ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến bạn mà còn giúp bạn kiên cường hơn.
Quy tắc số 2: Đảm bảo chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ
Tỷ phú John Paul Dejoria
DeJoria kiên quyết: "Hãy luôn nhớ rằng bạn kinh doanh là một hành trình lâu dài, bạn không chỉ bán sản phẩm một cách đơn thuần và chỉ có thế. Vì vậy, hãy làm việc chăm chỉ để tạo ra những sản phẩm đẳng cấp thế giới mà ai cũng mong muốn sở hữu. Lối suy nghĩ này sẽ giúp bạn thành công hơn."
Quy tắc số 3: Đừng tập trung quá nhiều vào lợi nhuận
DeJoria nói: "Nếu một doanh nghiệp muốn tiếp tục phát triển bền vững thì doanh nghiệp đó không thể chỉ nghĩ đến lợi nhuận của ngày hôm nay mà hãy theo đuổi các giá trị dài hạn". Tỷ phú này giải thích: "Bằng cách giúp đỡ người khác, bạn đang tạo ra những khách hàng tiềm năng trong tương lai và củng cố thêm niềm tin đối với nhân viên của mình. Khách hàng thường có xu hướng lựa chọn những doanh nghiệp đề cao giá trị cộng đồng, bảo vệ Trái Đất và tạo ra sự khác biệt."
Để chứng minh cho quan điểm đó, DeJoria cho biết rằng kể từ khi công ty thành lập vào năm 1980, tổng số nhân viên nghỉ việc chưa đến 100 và 2 trong số đó nghỉ việc vì đã đến tuổi về hưu
(Theo CNBC)