Từ 3 vụ cháy thương tâm, lãnh đạo Cục PCCC đưa ra các kỹ năng ai cũng cần biết: Phải kéo dài sự sống trước khi được cứu sống!

06/04/2021 10:41 AM | Xã hội

3 vụ cháy thương tâm xảy ra gần đây tại Hà Nội và TP.HCM có điểm chung lối thoát hiểm duy nhất đều là cửa trước nhưng bị bịt kín hoặc lửa bao trùm, khiến người bị nạn không thể chạy ra bên ngoài.

Rạng sáng 4/4, căn nhà kinh doanh đồ sơ sinh cho trẻ em tại địa chỉ 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội bất ngờ bốc cháy dữ dội . 4 người trong gia đình gồm ông, bố, mẹ (đang mang thai 3 tháng) và con gái 10 tuổi tử vong thương tâm, đã được tổ chức đám tang vào 14h chiều cùng ngày .

Trước đó, những ngày cuối tháng 3, trong vòng 5 ngày, tại TP.HCM cũng đã xảy ra 2 vụ cháy nhà liên tiếp khiến 9 người tử vong.

Trao đổi với chúng tôi ngày 5/4, lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ (PCCC và CNCH) nhận định, 3 vụ cháy gần đây tại Hà Nội và TP.HCM có điểm chung lối thoát hiểm duy nhất đều là cửa trước nhưng bị bịt kín, khiến người bị nạn không thể chạy ra bên ngoài.

Riêng tại căn nhà 311 Tôn Đức Thắng, cả 4 nạn nhân đều tìm cách thoát nạn bằng cách chạy lên tầng tum. Tuy nhiên, "chuồng cọp" này bị quây kín bằng sắt, không thể phá dỡ, nên không có lối sang nhà bên cạnh.

"Các vụ hỏa hoạn đặc biệt xảy ra về đêm và rạng sáng, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Đây chính là nỗi mất mát vô cùng lớn của người thân các nạn nhân", vị lãnh đạo cho biết.

Video hướng dẫn kỹ năng thoát nạn khi có cháy tại nhà ống (Nguồn: Cục CSPCCC và CNCH)

Từ 3 vụ cháy thương tâm, lãnh đạo Cục PCCC đưa ra các kỹ năng ai cũng cần biết: Phải kéo dài sự sống trước khi được cứu sống! - Ảnh 2.

Hiện trường vụ cháy căn nhà 311 Tôn Đức Thắng khiến 4 người trong gia đình tử vong

Cần kéo dài sự sống trước khi được cứu sống

Ngôi nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng là loại hình ống, có mái lợp tôn hàn sắt, diện tích mặt sàn mỗi tầng khoảng 60m2, mặt tiền rộng khoảng 3,2m, nhà có lối ra vào duy nhất là cửa chính.

Ngôi nhà được gia đình sử dụng để kinh doanh đồ sơ sinh (bỉm, sữa...). Các mặt hàng xếp trên các kệ tủ hàng đặt ở tầng 1. Các tầng 2, tầng 3 và tầng tum cũng chứa hàng và là nơi sinh hoạt của gia đình.

Lực lượng chức năng mất hơn 3 tiếng để hoàn tất công tác dập cháy, nhưng cần thêm 7 tiếng để đưa được thi thể 4 nạn nhân từ tầng tum ra bên ngoài.

Lãnh đạo Cục CSPCCC và CNCH cho biết, khó khăn lớn nhất của các chiến sĩ là việc tiếp cận đám cháy, do hộ gia đình có nhiều lớp cửa, đồng thời bên trong căn nhà từ tầng 1 lên tầng 4 chất đầy bỉm và các thiết bị dễ cháy.

"Khi cháy, nhiệt độ trong nhà rất cao, khói độc bốc từ tầng 1 lên tầng tum, đơn vị phải sử dụng các phương tiện để tháo dỡ cửa chính, đồng thời huy động xe thang phun nước từ trên tầng tum, nỗ lực nhanh nhất", vị lãnh đạo nói.

Tuy nhiên, cả 4 nạn nhân được nhận định có thể bị chết ngạt do khói và khí độc. Bởi trong điều kiện tiếp xúc cháy, người bị nạn chỉ cần hít khói độc trong 1 phút đã có thể bị mê sảng và mất dần cảm giác, nguy hiểm đến tính mạng.

Cơ hội sống sót rất cao khi người bị nạn được giải cứu trong giai đoạn mới phát sinh cháy. Tuy nhiên, với những vụ cháy khó tiếp cận, người dân nếu có kỹ năng và kiến thức PCCC, biết cách di chuyển tránh bị lửa, khói và những yếu tố nguy hiểm khác tác động; từ đó duy trì và kéo dài trạng thái sống sót, để lực lượng chức năng kịp đến nơi, cứu sống và đưa ra ngoài an toàn.

"Kỹ năng PCCC và thoát nạn là điều quan trọng và cần thiết nhất mà người dân cần biết", vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Từ 3 vụ cháy thương tâm, lãnh đạo Cục PCCC đưa ra các kỹ năng ai cũng cần biết: Phải kéo dài sự sống trước khi được cứu sống! - Ảnh 3.
Từ 3 vụ cháy thương tâm, lãnh đạo Cục PCCC đưa ra các kỹ năng ai cũng cần biết: Phải kéo dài sự sống trước khi được cứu sống! - Ảnh 4.
Từ 3 vụ cháy thương tâm, lãnh đạo Cục PCCC đưa ra các kỹ năng ai cũng cần biết: Phải kéo dài sự sống trước khi được cứu sống! - Ảnh 5.

Người thân các nạn nhân trong 3 vụ cháy tại Hà Nội và TP.HCM ngã gục khi con, cháu mình tử vong

Đại tá Lê Văn Hiến, Phó trưởng Công an quận Đống Đa, cho biết Đống Đa là một quận đặc thù nội thành Hà Nội, có rất nhiều ngõ nhỏ, nhà trọ và nhà ở kết hợp kinh doanh dạng nhà ống, rất nhiều nhà không có lối thoát nạn.

Trước khi xảy ra vụ cháy cửa hàng bỉm sữa, Công an quận Đống Đa đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền từng tổ dân phố về vấn đề an toàn PCCC. Đặc biệt các hộ nhà ống, tập thể lắp chuồng cọp để tránh trộm cắp, đơn vị khuyến cáo tháo dỡ bởi khung sắt khiến việc chữa cháy, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, thoát nạn cũng khó.

"Đối với những nhà ống 1 lối không thể mở lối thoát nạn, nếu có thể, cần phối hợp với hàng xóm mở lối thông để thoát nạn khi cần. Tuy nhiên vấn đề này rất khó, bởi nhà nào biết nhà ấy, sợ trộm cắp nên những dạng nhà này khi cháy rất dễ có người tử vong", Đại tá Hiến cho hay.

Theo Đại tá Hiến, sắp tới, Công an quận Đống Đa sẽ quyết liệt triển khai các hình thức mạnh hơn để nâng cao công tác an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Đặc biệt, Nghị định 136/2020/NĐ-CP về hướng dẫn luật PCCC mới có hiệu lực, những nhà dân kết hợp kinh doanh không đảm bảo, có nguy cơ cháy nổ sẽ giao các phường xử lý quyết liệt.

Những khuyến cáo cần thiết: Hãy để các kiến thức, kỹ năng thoát nạn luôn có sẵn trong tiềm thức

Qua những vụ cháy thương tâm thời gian gần đây, lãnh đạo Cục CSPCCC và CNCH khuyến cáo người dân, các hộ gia đình nói chung, các hộ khu nhà liền kề, mặt phố hay những hộ nhà ở kết hợp kinh doanh về các biện pháp PCCC và CNCH cần thiết.

Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, chính là kiến thức về PCCC và thoát nạn trong những tình huống khẩn cấp. Những kỹ năng, kiến thức này được đăng tải rất chi tiết và cụ thể trên website của Cục CSPCCC và CNCH để người dân có thể tham khảo và rèn luyện. Từ đó, khi xảy ra cháy hay sự cố, người dân có thể chủ động xử lý.

Trong thiết kế, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, các hộ gia đình phải bổ sung tối thiểu 2 lối thoát hiểm. Nếu khói lửa bao trùm lối thứ nhất, thì người dân có thể thoát nạn bằng lối thứ 2 để đến nơi an toàn.

Lối thoát nạn thứ 2 có thể là lối đi nối ban công hoặc mái nhà để sang nóc nhà hàng xóm hoặc công trình khác để tránh bị khói lửa tác động. Hoặc từ lồng sắt có sẵn, chủ nhà thiết kế thêm cửa, chìa khóa được để ở vị trí quy định. Nếu có sự cố, các thành viên có thể dễ dàng mở cửa, chui ra ngoài.

Đối với hệ thống điện, Cục CSPCCC và CNCH hướng dẫn các gia đình cần tránh sử dụng hệ thống thiết bị điện quá tải (như điều hòa, máy giặt, bàn là,...) trong khi đường dẫn điện bé, từ đó phát sinh hiện tượng chập cháy, rồi lan ra toàn bộ căn nhà.

Trong quá trình sinh hoạt như đun nấu, thắp hương hay sử dụng thiết bị điện có sinh nhiệt, cần lưu ý phải có người kiểm soát vận hành. Nấu ăn xong, cần tắt bếp, khóa bình gas. Trước khi ra khỏi nhà, ngắt các thiết bị điện không cần thiết. Tránh trường hợp quên tắt các thiết bị, dẫn đến sức nóng từ đó gây cháy lan ra các vật dụng khác. Nếu có người giám sát, hỏa hoạn sẽ được dập ngay, tránh hậu quả nghiêm trọng.

Hàng hóa, vật dụng gia đình,... không được cản trở lối đi lại, đặc biệt cầu thang, hành lang, đường dẫn ra cửa thoát nạn. Từ đó, trong tình huống khẩn cấp, kể cả ban đêm, người dân vẫn có thể hình dung lối thoát nạn và di chuyển ra nơi an toàn.

Từ 3 vụ cháy thương tâm, lãnh đạo Cục PCCC đưa ra các kỹ năng ai cũng cần biết: Phải kéo dài sự sống trước khi được cứu sống! - Ảnh 6.

Khu vực tầng tum quây sắt bịt kín lối thoát của 4 nạn nhân

Các hộ gia đình cần trang bị phương tiện chữa cháy cầm tay (dạng bột, dạng khí) để dập cháy ngay khi mới phát sinh; mặt nạ phòng độc đeo khi di chuyển thoát nạn, tránh hít phải khói độc có thể gây mất kiểm soát hành vi. Lắp đặt các thiết bị báo cháy tự động, cảm biến với khói và lửa ngay lập tức thông báo bằng chuông hoặc còi, thậm chí những thiết bị báo cháy hiện đại có gắn sim, thông qua mạng Internet sẽ kích hoạt đầu báo cháy gọi trực tiếp đến số điện thoại các thành viên trong gia đình.

Ngoài ra, cũng cần trang bị phương tiện phục vụ phá cửa sổ, hoặc phá dỡ công trình để di chuyển ra nơi an toàn trong tình huống khẩn cấp. Ví dụ như cả 2 lối thoát nạn đều bị khói bao trùm, thì các thiết bị như búa, kìm,... sẽ được dùng để cắt lồng sắt.

Trong mỗi hộ gia đình, cần xây dựng phương án thoát nạn ở những tình huống khẩn cấp. Giả định trong các tình huống, các thành viên sẽ sử dụng phương tiện, thiết bị như thế nào để dập cháy, di chuyển ra làm sao để đến nơi an toàn. Từng căn hộ, căn nhà khác nhau thì phương án thoát nạn cũng sẽ khác nhau.

Mỗi phương án thoát nạn nên được tuyên truyền rộng rãi, để luôn "có sẵn" trong tiềm thức của mỗi người. Nếu không may xảy ra hỏa hoạn, người dân có thể sử dụng các kỹ năng đó để thoát nạn.

Với những hộ gia đình sinh sống kết hợp kinh doanh, không để hàng hóa bừa bãi, cần sắp xếp đúng theo quy định không cản trở lối thoát nạn, phải có giải pháp cụ thể ngăn nguy cơ cháy lan từ khu để hàng hóa sang các khu sinh hoạt. Các giải pháp cụ thể này được quy định trong Điều 7, Nghị định 136.

Nếu các căn hộ vừa ở vừa kinh doanh mà có giấy phép kinh doanh theo dạng 1 cơ sở cụ thể thì phải chấp hành Điều 5, Nghị định 136, thì có thể giảm thiểu nguy cơ phát sinh cháy cũng như thiệt hại do cháy gây ra.

Từ 3 vụ cháy thương tâm, lãnh đạo Cục PCCC đưa ra các kỹ năng ai cũng cần biết: Phải kéo dài sự sống trước khi được cứu sống! - Ảnh 7.
Từ 3 vụ cháy thương tâm, lãnh đạo Cục PCCC đưa ra các kỹ năng ai cũng cần biết: Phải kéo dài sự sống trước khi được cứu sống! - Ảnh 8.
Từ 3 vụ cháy thương tâm, lãnh đạo Cục PCCC đưa ra các kỹ năng ai cũng cần biết: Phải kéo dài sự sống trước khi được cứu sống! - Ảnh 9.

Lực lượng PCCC và y tế túc trực tại hiện trường vụ cháy 311 Tôn Đức Thắng

Trước đó, khoảng 00h25' sáng 4/4, căn nhà số 311 Tôn Đức Thắng bất ngờ phát hoả, người dân xung quanh đã hô hoán và gọi điện đến Trung tâm báo cháy của Công an TP. Đến khoảng 3h40' cùng ngày, lực lượng Công an đã dập tắt được đám cháy. Nguyên nhân sơ bộ được nhận định do chập điện, hiện các đơn vị chức năng vẫn đang tích cực điều tra, làm rõ vụ việc.

Danh tính 4 nạn nhân gồm ông N.T.T., SN 1940; chị N.A.H., SN 1981, hiện đang mang thai khoảng 3 tháng, là con gái của ông T.; anh Đ.H.V., SN 1983, là chồng chị H. và cháu Đ.H.T.M., SN 2011, là con gái chị H. và anh V.

MINH NHÂN

Cùng chuyên mục
XEM