TTCK Mỹ sẽ sụp đổ nếu người phụ nữ này trở thành tổng thống Mỹ?
Một số nhà đầu tư nổi tiếng hiện tỏ ra lo lắng về việc bà Elizabeth Warren có khả năng trở thành tổng thống và tác động của các chính sách của bà đối với thị trường chứng khoán (TTCK).
Tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ Paul Tudor Jones gần đây dự đoán thị trường sẽ bị "bay" mất 25% giá trị nếu bà Elizabeth Warren được bầu.
Tỷ phú quỹ đầu cơ Leon Cooperman cũng đưa ra một dự báo tương tự, đồng thời nói đùa với CNBC rằng "Người ta sẽ không mở cửa TTCK nếu Elizabeth Warren là vị tổng thống tiếp theo".
Kế hoạch của bà Warren là sẽ chia nhỏ các công ty công nghệ lớn, tách biệt mảng ngân hàng đầu tư ra khỏi các ngân hàng, cấm khai thác dầu bằng kỹ thuật khoan phá thủy lực và tái tạo hệ thống chăm sóc sức khỏe. Theo tờ The Economist, gần phân nửa các công ty niêm yết và cả các công ty thuộc sở hữu tư nhân cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, bà còn muốn tăng thuế đối với những người có tài sản vượt quá 1 tỷ USD.
Thế thì chúng ta có nên chú ý đến những lời cảnh báo đó hay không? Mọi chuyện sẽ không quá nhanh đến thế. Các dự đoán "thị trường sụp đổ" xung quanh những tổng thống tiếp theo không có gì là mới. Tuy nhiên, ngay cả những nhà đầu tư giàu có nhất cũng có thể chịu thua những thiên vị chính trị trong dự báo đầu tư của họ.
Còn nhớ, khi mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng Donald Trump sẽ đánh bại Hilary Clinton trong đêm bầu cử, thị trường hợp đồng tương lai đã bị bán tháo mạnh. Chỉ số Dow Jones bị "thổi bay" 750 điểm – tương đương khoảng 4% - chỉ sau một đêm.
Ngày hôm sau, chuyên gia kinh tế từng đoạt giải Nobel Paul Krugman của tờ New York Times đưa ra dự đoán như sau: "Nếu câu hỏi là khi nào thị trường sẽ phục hồi, thì câu trả lời đầu tiên của tôi là không bao giờ".
Chủ sở hữu Dallas Mavericks, giám khảo Shark Tank nổi tiếng Mark Cuban, đã đưa ra một tuyên bố tương tự trước khi ông Trump được bầu: "Trong trường hợp Donald Trump thắng, tôi không nghi ngờ gì về chuyện thị trường sẽ sụp đổ. Nếu các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy có khả năng ông Trump giành chiến thắng, thì tôi sẽ dựng một hàng rào khổng lồ xung quanh hơn 100% vốn chủ sở hữu của tôi, đó là thứ bảo vệ tôi trong trường hợp ông ta thắng".
Thực tế thì các cổ phiếu đã không giảm lâu, khi lấy lại phần lớn những khoản lỗ ngay vào ngày hôm sau. Kể từ khi ông Trump được bầu làm tổng thống vào ngày 09/11/2016, S&P 500 đã tăng hơn 50%.
Trong khi đó, Barack Obama phải đối mặt với sự giám sát tương tự về việc các chính sách của ông sẽ tác động đến thị trường chứng khoán như thế nào. Giáo sư kinh tế học Michael Boskin từ Viện Hoover của Stanford đã viết một bài đăng trên Wall Street Journal vào ngày 6/3/2009 với tiêu đề như sau: "Chủ nghĩa cấp tiến của Obama đang giết chết chỉ số Dow Jones".
Boskin giải thích thêm: "Thật khó để không thấy sự bán tháo liên tục ở Phố Wall và nỗi sợ hãi ngày càng tăng trên Main Street như một sản phẩm - ít nhất là một phần – của việc nhận ra rằng các chính sách của tổng thống mới của chúng ta được thiết kế để tái thiết hoàn toàn nền kinh tế Mỹ dựa trên thị trường , chứ không chỉ để giảm thiểu suy thoái và khủng hoảng tài chính".
Cùng ngày hôm đó, Bloomberg tuyên bố Obama là nguyên nhân của một đợt thị trường giá giảm kể từ khi ông lên nắm quyền tổng thống: "Chỉ số Dow Jones công nghiệp đã giảm 20% kể từ ngày ông Obama nhậm chức, mức giảm nhanh nhất dưới thời một tổng thống mới đắc cử trong ít nhất 90 năm".
Ngày xuất bản của những bài báo này là trước ngày giao dịch một ngày, trước khi thị trường chạm đáy. Cổ phiếu đã tăng gấp bốn lần so với các mức đó.
Ông Obama không đáng bị đổ lỗi tất cả cho việc cổ phiếu bị giảm giá trong vài tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống và ông cũng không xứng đáng được ghi công cho việc tăng giá của chứng khoán kể từ đó. Cũng không phải một mình ông Trump khiến cho thị trường chứng khoán tăng lên bằng cách bắt đầu nhiệm kỳ của mình. Và nếu TTCK bị sụp đổ sau khi ông Trump đắc cử, thì đó cũng không phải là lỗi của ông.
Nhà đầu tư thích đưa chính trị vào khi thảo luận về các thị trường bởi vì nó là nguồn cung cấp chất liệu tốt để tạo ra các câu chuyện. Lợi nhuận TTCK thường rất ngẫu nhiên đến nỗi nó khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn khi có một lời giải thích cho những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Thị trường đã "mời" một loạt cảm xúc vào phương trình khi đưa ra dự báo và quyết định đầu tư. Đưa chính trị vào cuộc cạnh tranh chỉ làm trầm trọng thêm những cảm xúc đó bởi vì chúng ta thường nhầm lẫn giữa nguyên nhân và kết quả khi nói đến các chính trị gia và kết quả kinh tế. Các quan chức được bầu luôn nhận được quá nhiều công trạng khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp và quá nhiều sự đổ lỗi khi mọi thứ trở nên tồi tệ.
Cũng cần nhớ rằng từ những hứa hẹn trong chiến dịch đến khi các chính sách được ban hành là một chặng đường dài. Điều này có thể gây sốc cho một số người, nhưng các chính trị gia không luôn luôn thực hiện những lời hứa mà họ đưa ra để nhận được phiếu bầu của bạn. Dự đoán một sự sụp đổ trong thị trường chứng khoán không bao giờ là một điều dễ dàng, nhưng làm như vậy bằng cách sử dụng chính trị như là chất xúc tác chính của bạn là gần như không thể.
Chính trị và đầu tư có khuynh hướng tạo nên một sự kết hợp khủng khiếp.