img
TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 1.

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 2.

Gắn bó với TP. Hồ Chí Minh từ những năm 1970, nay tròn 47 năm, TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội khoá XIII, XIV thuộc đoàn đại biểu thành phố, đã rất tường tận về mảnh đất này.

Trong mắt ông, thành phố từ những năm 70 của thế kỷ trước, đã có bước tiến rất dài, thay đổi và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, có diện mạo của một siêu đô thị. Dù vậy, ông vẫn buông một tiếng thở dài khi bắt đầu bằng chữ "nhưng".

"Mỗi lần trở về thành phố sau chuyến công tác, khi máy bay lòng vòng chuẩn bị hạ cánh, tôi lại nghĩ về việc làm thế nào và bao lâu để rời khỏi sân bay với tình trạng ùn ứ như hiện tại", ông Ngân tâm sự.

"Quá tải" là cụm từ thường xuyên được bắt gặp khi nói đến TP. Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua. Diện tích chỉ 2.095 km2 nhưng thành phố này có hơn 8,4 triệu người, mật độ khoảng 3.888 người/km2, cao nhất cả nước. Mật độ dân số đang có tốc độ tăng chóng mặt, gấp 15 lần trung bình cả nước và đến năm 2020, dự kiến dân số thành phố có thể đạt đến 10 triệu người.  

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 3.

Mật độ dân số tăng quá nhanh dẫn theo nhiều hệ luỵ nhất định, đơn cử như vấn đề giao thông mà như ông Ngân nhận xét là "cả trên không lẫn mặt đất". Ùn ứ kẹt xe ở bến cảng, sân bay khiến đến chi phí vận chuyển hàng hoá bị đội lên, hoạt động du lịch và đầu tư cũng bị tác động tương đối. "Khách đến TP. Hồ Chí Minh ngán ngẩm chuyện này lắm", ông Ngân bình luận.

Bên cạnh đó, dù là một siêu đô thị của Việt Nam, nhưng TP. Hồ Chí Minh luôn phải đối diện với tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm cộng với mật độ dân số cao khiến cho tần suất phát sinh các dịch tễ trở nên thường xuyên và nghiêm trọng. Trong khi đó, bệnh viện cũng luôn tình trạng quá tải do là đầu mối của khu vực phía Nam.

"Không chỉ bệnh viện, trường học hay các cơ sở dịch vụ công cũng thế", ông Ngân nói và nhấn mạnh rằng thành phố rất cần cơ chế để xử lý triệt để các vấn đề.  

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 4.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV vừa qua, ông Ngân ra Thủ đô tiếp tục mang theo rất nhiều tâm tư, gửi gắm của cử tri thành phố về vấn đề này. Ông kể điện thoại của mình đang đầy ắp những tin nhắn của người dân.

"Người dân nghe nói Quốc hội bàn về cơ chế đặc thù cho thành phố. Họ bảo luôn rằng không cần biết nội dung, chỉ quan tâm là khi có cơ chế này tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm,… có giải quyết được không", ông Ngân chia sẻ.

Ngoài những hi vọng về thay đổi cơ chế giúp thành phố giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng, ông Ngân cũng mong chờ việc sẽ có những thiết chế mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của của thành phố nói chung và các doanh nghiệp Việt nói riêng. Bởi trong ký ức của ông, thành phố là nơi thử nghiệm, ươm mầm những thay đổi.

Đơn cử như thành phố đã từng thí điểm thành lập công ty tư nhân, công ty cổ phần từ những năm 1988 – 1989 làm tiền đề xây dựng Luật doanh nghiệp, Luật Công ty của những năm 90. Tại đây cũng đã thành lập các ngân hàng cổ phần đầu tiên như Sài Gòn Công thương (SaigonBank) từ năm 1987, trước khi có Luật công ty và Pháp lệnh Ngân hàng. Và cũng chính thành phố đã chứng kiến thương vụ cổ phần hoá đầu tiên tại Công ty cơ điện lạnh REE trước khi nhân rộng khắp cả nước…

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 5.

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 6.

Cuối cùng, sau nhiều phiên thảo luận, chiều 24/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về bốn nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh với tỷ lệ rất cao. Trong đó, tỷ lệ phiếu tán thành Nghị quyết là 93,69% trên tổng số đại biểu Quốc hội (460/491) và 98,9% trên tổng số đại biểu có mặt (460/465)  

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 7.

Cụ thể, về công tác quản lý đất đai, HĐND TP. Hồ Chí Minh được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên nhưng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc này vốn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng nên với việc phân cấp cho HĐND thành phố sẽ tạo điều kiện giảm thủ tục hành chính, giúp thành phố chủ động trong việc sử dụng đất nhằm thu hút đầu tư.  

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 8.

Về quản lý đầu tư, HĐND thành phố được quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố theo quy định của Luật đầu tư công (hiện thuộc thẩm quyền Thủ tướng), trừ một số loại dự án di tích quốc gia đặc biệt, quốc phòng an ninh...

Thành phố cũng được thí điểm phân cấp quyết định hình thức và phương án chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đối tác công tư (PPP) trong trường hợp xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định của Luật đấu thầu.  

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 9.

Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, HĐND thành phố được đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

Mức tăng trên theo dự toán 2018 sẽ giúp cho dư nợ vay tối đa của thành phố tăng thêm 15.700 tỷ đồng, tức khoảng 0,3% GDP so với quy định hiện hành.

HĐND thành phố cũng được quyết định áp dụng trên địa bàn các khoản phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí theo quy định hiện hành; quyết định điều chỉnh tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí so với mức thu của danh mục Luật phí, lệ phí.

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 10.

Ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất do các cơ quan Trung ương quản lý trên địa bàn; khoản này dùng để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.

Ngân sách thành phố cũng được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý; phần thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do thành phố làm đại diện chủ sở hữu.

Thành phố sử dụng nguồn thu này và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập; ngân sách trung ương không bổ sung cho thành phố 10.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. 

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 11.

Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh được ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện và thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong phạm vi quyền hạn của Chủ tịch thành phố.

HĐND thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn theo hiệu quả công việc; mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do HĐND quy định.

Tuy nhiên, Nghị quyết thông qua lần này chưa cho phép thành phố thí điểm thuế tài sản vì lo ngại ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận người dân.

"Tôi rất vui vì cơ chế đã được thông qua với tỷ lệ cao. Điều này thể hiện sự đồng thuận và chia sẻ của cả nước đối với những khó khăn, thách thức của TP. Hồ Chí Minh", ông Ngân tâm sự với Trí Thức Trẻ và cho biết dù rằng chính sách đặc thù này vẫn chưa bao quát hết mong ước của thành phố nhưng cũng đã đủ để nơi đây phát triển bền vững cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.  

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 12.

TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển theo cơ chế, chính sách đặc thù kể từ ngày 15/1/2018. Rất hào hứng, ông Trần Hoàng Ngân cho biết thành phố đã sẵn sàng với những công việc có thể thực hiện được ngay tại thời điểm Nghị quyết có hiệu lực.

Đơn cử như cơ chế uỷ quyền của Chủ tịch UBND thành phố cho Chủ tịch UBND quận, huyện và thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong phạm vi quyền hạn của Chủ tịch thành phố. Hay thành phố cũng đã lên danh mục đề án cổ phần hoá các DNNN, tạo nguồn tài chính để triển khai các đề án chống ngập nước, xây dựng thêm cở sở hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học…

Với những thay đổi đó, ông Ngân cho rằng hiệu quả của Nghị quyết sẽ thể hiện ngay trong năm 2018.  

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 13.

"Điều dễ nhận thấy nhất là sự phấn khởi, tinh thần tích cực từ người dân đến cán bộ công chức", ông Trần Hoàng Ngân trả lời.

Bởi theo cơ chế mới, thu nhập của cán bộ, công chức sẽ ngày càng cải thiện, xứng đáng với chất lượng, hiệu quả công việc. Từ đó, nâng cao tinh thần làm việc của công chức, kéo theo cải cách được chất lượng, thủ tục hành chính, dịch vụ công, tác động tích cực đến cuộc sống của người dân.

"Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cũng sẽ được cải thiện, cao hơn so với năm 2017. Đấy là điểm có thể nhìn nhận được", ông Ngân nói.

Bên cạnh đó, ông Ngân cũng cho biết không chỉ có người dân của TP. Hồ Chí Minh mà nhiều địa phương khác cũng mong đợi cơ chế chính sách đặc thù này được triển khai thành công, từ đó, nhân rộng ra cho cả nước, tạo điều kiện cho kinh tế bứt phá…  

TS. Trần Hoàng Ngân: Người dân chỉ quan tâm là cơ chế mới có làm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện… được giải quyết hay không! - Ảnh 14.

Phương Ánh
7pm
15/01/2018


Trí thức trẻ