Truy tìm mắt xích vụ 'chạy' chứng chỉ hành nghề y giá hàng trăm triệu đồng
Một trong những mắc xích đường dây "hợp thức hóa hồ sơ" thực hành tại bệnh viện để được cấp chứng chỉ hành nghề y ở Đắk Lắk, vừa được Thanh tra Sơ Y tế phát hiện, liên quan đến một người phụ nữ có hộ khẩu thường trú ở địa phương này.
Theo đó, bà Lê Thị Ánh Hồng người tự xưng là bác sĩ da liễu (trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có liên quan đến việc “môi giới” và “hợp thức hóa” chứng từ thực tập ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (BVĐK Tây Nguyên) để một số người được cấp chứng chỉ hành nghề Y. Bà này từng được biết đến là vợ của lãnh đạo Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Đắk Lắk.
Tuy nhiên, khi PV liên hệ với lãnh đạo Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Đắk Lắk, vị này cho biết, mình và bà Hồng đã ly hôn từ lâu. Theo đó, ông cũng không biết, bà Hồng làm chứng chỉ khi nào. PV Tiền Phong đã liên hệ với bà Hồng qua điện thoại, nhưng người này không bốc máy.
Như Tiền Phong đã đưa tin, Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk vừa phát hiện 4 trường hợp đang công tác ngành y ở các tỉnh khác đến BVĐK Tây Nguyên “thực tập chui” để được cấp chứng chỉ hành nghề. Giá mỗi bộ hồ sơ lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bốn trường hợp được cơ quan thanh tra nêu tên, gồm: ông Huỳnh Văn Bình (SN 1985); ông Hứa Chí Cường (SN 1982); ông Lê Anh Tài (SN 1978) và ông Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976) đang công tác ở các tỉnh phía Nam.
Hồ sơ thể hiện, thông qua mạng xã hội, ông Bình liên hệ với một người phụ nữ tên Ý (ở TP Hồ Chí Minh) để được người này giúp có được chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ viện - PV). Người phụ nữ này hướng dẫn ông Bình gặp bà Lê Thị Ánh Hồng (người tự xưng là bác sĩ chuyên khoa Da liễu, trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Qua trao đổi, bà Hồng cho ông Bình xem một số trường hợp đã làm được chứng chỉ hành nghề này, đồng thời cam kết tất cả đều có hồ sơ gốc đầy đủ và hợp lệ.
Bà Hồng là người làm hết hồ sơ thực tập từ đầu đến cuối cho ông Bình tại khoa Chấn thương chỉnh hình thuộc BVĐK Tây Nguyên. Thực tế, ông Bình chỉ có mặt ở bệnh viện khoảng 1 tháng (tháng 7/2018). Sau khi kết thúc thực tập, ông Bình được Sở Y tế Đắk Lắk (giai đoạn giám đốc cũ-PV) cấp chứng chỉ hành nghề liên quan. Giá trọn gói của chứng chỉ này hết 220 triệu đồng.
Tương tự, trường hợp của ông Cường và ông Giàu cũng được BVĐK Tây Nguyên xác nhận hoàn thành thực tập, đã được Sở Y tế Đắk Lắk cấp chứng chỉ hành nghề. Giá mỗi chứng chỉ lên đến 300 triệu đồng.
Hiện, dù có giấy mời lên làm việc, nhưng ông Lê Anh Tài không hợp tác với cơ quan chức năng; 3 trường hợp còn lại đã giao nộp lại chứng chỉ hành nghề.
Theo Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk, qua làm việc, ông Huỳnh Văn Bình, ông Hứa Chí Cường và ông Huỳnh Thanh Giàu không hề hay biết, không ký tên vào các loại văn bản, giấy tờ liên quan về việc thực hành, xác nhận thực hành và không làm hồ sơ, không nộp hồ sơ để đề nghị Sở Y tế Đắk Lắk cấp chứng chỉ hành nghề.
“Tất cả hồ sơ thực hành tại BVĐK Tây Nguyên đều không hợp pháp. Hiện nay, Sở đã thu hồi các chứng chỉ hành nghề trái quy định và thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử; thông báo cho Sở Y tế các tỉnh để có các biện pháp ngăn ngừa” – ông Cao Văn Thành, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk cho biết.