Trưởng khoa hồi sức cấp cứu 9x kể về áp lực khi đứng giữa lằn ranh sinh tử: Bác sỹ đôi khi trở thành người nắm tay cuối cùng của bệnh nhân…

03/07/2022 16:14 PM | Sống

Nắng mùa hè Hà Nội cháy da cháy thịt, dự báo thời tiết nói nhiệt độ lên tới 38 độ C nhưng có lẽ ngoài đường đã vượt mức 40 độ từ lâu. Bước vào trong sảnh tầng 1 Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh, điều hòa mát lạnh phả vào người nhưng có lẽ chẳng ai muốn đến đây để tận hưởng. Bệnh viện vốn trước nay luôn là nơi khiến người nghe cũng phải sợ hãi.

Gần đây bệnh dịch liên tiếp, Covid-19 chưa hết thì lại dịch nôn, sốt xuất huyết hoành hành. Người lớn, trẻ em cứ lũ lượt kéo nhau vào viện. Tiếng người bệnh rên rỉ, người nhà thất thần kêu khóc, y bác sĩ chạy qua lại như con thoi, khung cảnh cũng vì vậy mà trở nên náo loạn. 

Điều đặc biệt ngay cạnh khu vực lễ tân là một dãy giường bệnh khoảng 5-6 chiếc, bên ngoài được phủ một lớp rèm trắng mỏng. Người nằm trên đó cũng không phải là bệnh bình thường, họ là các trường hợp cấp cứu vừa được chuyển từ các nơi đến tức thì. Có ca nặng do bệnh lý, nhưng cũng nhiều ca bất ngờ như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ngộ độc... Tất nhiên, cảnh tượng cũng hề dễ chịu.

Dù đã có hẹn trước với bác sỹ Đinh Quốc Anh (SN 1991), Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhưng chúng tôi vẫn phải chờ khá lâu vì lượng công việc quá nhiều. Buổi trò chuyện không chỉ là phác họa về “hậu trường’’ khoa cấp cứu mà còn là những giãi bày, tâm sự về cái nghề chưa bao giờ trở nên "nhạy cảm" như bây giờ.

Trưởng khoa hồi sức cấp cứu 9x kể về áp lực khi đứng giữa lằn ranh sinh tử: Bác sỹ đôi khi trở thành người nắm tay cuối cùng của bệnh nhân… - Ảnh 1.

    Phải thú nhận rằng, đây là lần đầu tiên tôi gặp một bác sỹ trưởng khoa trẻ như anh, nhất là ở khoa căng thẳng như hồi sức cấp cứu. Đâu là lý do để anh chọn khoa hồi sức cấp cứu là điểm dừng chân?


Ban đầu, tôi làm ở khoa Nhi với vai trò hồi sức sơ sinh. Sau đó, tôi cũng thích thử thách một chút, khó khăn hơn một chút và khi có cơ hội thì chuyển sang làm công việc hiện tại như bạn đang thấy.

Ngay từ hồi sinh viên, tôi vẫn thường trêu mọi người rằng mình là thân con lừa, thân lừa thì ưa nặng, càng vất vả tôi càng thích. Tôi cho rằng khi công việc bận rộn thì mình càng va chạm nhiều, khi mình chăm chỉ thì các anh chị tiền bối cũng hỗ trợ mình nhiều hơn, cho mình những cơ hội để thực hành.

Chưa kể thời sinh viên mình còn trẻ, sức khỏe dồi dào nên không hề cảm thấy mệt mỏi, thức đêm cũng không phải là vấn đề lớn. Đối với ngành y nói chung, bạn càng nỗ lực bao nhiêu thì càng tốt cho sau này bấy nhiêu.

Vì vậy, nếu các bạn trẻ có ý định thi vào các trường y để sau này công tác trong ngành y tế nên xác định rõ đây là một nghề vô cùng vất vả và không phải nghề để kiếm tiền hay làm giàu. Nếu làm ngành y mà đặt vấn đề kiếm tiền lên trên trước y đức, chuyên môn thì quả thực không chỉ là điều tồi tệ với bệnh nhân mà còn cả với các đồng nghiệp.

Các bạn sẽ phải đi một con đường rất xa, rất khó khăn trước khi có thể hành nghề và tạo dựng được sự nghiệp.

Trưởng khoa hồi sức cấp cứu 9x kể về áp lực khi đứng giữa lằn ranh sinh tử: Bác sỹ đôi khi trở thành người nắm tay cuối cùng của bệnh nhân… - Ảnh 2.

    Với vai trò là trưởng khoa 9x có khiến người khác lo ngại về chuyên môn không thưa bác sỹ và công việc có sự khác nhau ra sao khi chuyển từ khoa Nhi sang hồi sức cấp cứu?


Tính đến nay tôi đã chuyển được khoảng 6 năm, trong suốt thời gian này đã phải có sự đầu tư về chuyên môn và nỗ lực rất nhiều.

Đặc thù của mỗi ngành mỗi khác, người ta thường nói trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ. Tức là trẻ con và người lớn hoàn toàn khác nhau. Với người trưởng thành, bác sỹ tiếp xúc dễ hơn, có thể nói chuyện được với người ta, hiểu được vấn đề họ đang gặp phải. Còn trẻ sơ sinh thì chỉ biết khóc thôi, bác sỹ cần phải phán đoán nhiều hơn.

Từ trước đến nay mọi người thường có suy nghĩ bác sỹ phải càng lớn tuổi thì mới càng giỏi nên việc tôi bị nghi ngờ về năng lực xảy ra rất nhiều. Tất nhiên, chỉ ở phía bệnh nhân chứ đồng nghiệp thì không.

Về nguyên tắc làm việc trong hồi sức cấp cứu đó là phải có 1 teamwork, công việc rất vất vả, mỗi người một khâu chứ không ai làm riêng biệt được cả. Chẳng hạn bác sỹ là người chỉ huy trưởng nhưng chăm sóc bệnh nhân thì thuộc về điều dưỡng. Vì vậy, chúng tôi luôn có thống nhất cao và thấu hiểu lẫn nhau.

Bệnh nhân thì khác, họ chưa biết gì về mình cả nên lúc này bác sỹ cần phải giải thích để họ tin tưởng hơn, quan tâm bệnh nhân nhiều hơn, dành thời gian cho bệnh nhân nhiều hơn. Với người nhà bệnh nhân cũng vậy, chúng tôi luôn hi vọng mọi người biết lắng nghe và đồng cảm cùng bác sỹ.

Trưởng khoa hồi sức cấp cứu 9x kể về áp lực khi đứng giữa lằn ranh sinh tử: Bác sỹ đôi khi trở thành người nắm tay cuối cùng của bệnh nhân… - Ảnh 3.

    Nhắc đến khoa hồi sức cấp cứu là người ta nghĩ ngay đến những cuộc chiến giữa sự sống và cái chết. Trong đó, bác sỹ là người đứng giữa lằn ranh sinh tử. Đứng trước bệnh nhân, trước những hi vọng của người nhà,... tình huống bất đắc dĩ phải đối mặt là điều khó tránh? 

Có thể nói thời gian trôi qua trong khoa cấp cứu rất nhanh, ai cũng vội chạy đôn chạy đáo khắp nơi để chữa trị cho bệnh nhân nên ít có cơ hội để tâm sự với bệnh nhân hay người nhà. Lúc này, chúng tôi với vai trò của bác sỹ là luôn phải giải thích về tiên lượng bệnh, ngay cả trong trường hợp xấu nhất cũng cố gắng để mọi người không bị sốc tinh thần.

Ngược lại, ở khoa hồi sức thì thời gian chậm lại hơn một chút và khoảng cách giữa bác sỹ với bệnh nhân cũng rút ngắn hơn. Vì đôi khi họ nằm lại rất lâu, từ lúc hôn mê không biết gì cả cho đến khi khỏe hơn và ra viện. Thời gian có thể kéo dài vài tuần, vài tháng nhưng cũng có trường hợp không thể ra khỏi viện, nhất là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Mỗi ngày họ đều ở trong viện đến mức quá thân thuộc.

Cách đây khoảng 3-4 năm gì đó, có một cụ ông 99 tuổi bị ung thư thực quản, con gái cụ cũng 70-80 tuổi. Cụ là người Hà Nội gốc nên nét văn hóa khác biệt từ cách ăn, nói, cử chỉ. Lúc đầu tôi thấy cụ khó tính quá, yêu cầu từng ly từng tý trong vấn đề chăm sóc, thuốc thang…Nhưng về sau, khi được tiếp xúc nhiều hơn thì tôi lại vô cùng kính trọng. Tôi thấy ở cụ là người trí tuệ sâu sắc, hiểu biết rất rộng và tôi học được nhiều thứ từ cụ.

Tôi nhớ vào một ngày thứ 5, cụ gặp tôi bảo là:

Quốc Anh ơi, chủ nhật này cho cụ về nhà.

Thế ông về làm gì?

Bây giờ tôi thấy đợt này tôi phải về!

Lúc này sức khỏe của cụ rất tốt chứ không hề yếu hay mệt mỏi. Cụ mới đi chào tất cả mọi người trong khoa. Về đến nhà tổ chức ăn uống liên hoan, gặp mặt tất cả con cháu.

Thứ 2 tuần kế tiếp cụ vẫn khỏe, thứ 3 thì cụ đi, mà cụ mất rất nhanh chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ thôi. Quả thực đối với một người mình chăm sóc trong khoảng thời gian dài và mình đã gắn bó nhiều kỷ niệm thì khó có thể kìm nén cảm xúc. Hơn nữa, hồi đó tôi cũng vẫn còn là một bác sỹ quá trẻ, mới 26 tuổi, tôi đã kiếm chỗ vắng vẻ và khóc.

Có thể nói, ở khoa hồi sức cấp cứu thì việc chứng kiến các ca tử vong là rất nhiều, mỗi người một câu chuyện khác nhau. Chúng tôi không chỉ đứng giữa lằn ranh sinh tử mà đôi khi còn trở thành người giúp cho bệnh nhân được toại nguyện, thanh thản ra đi.

Chẳng hạn như mới 2 tháng trước thôi, người nhà của chị trưởng khoa bên gây mê bị ưng thư và cũng nằm ở phòng hồi sức lâu lắm rồi. Bình thường với các ca ung thư khi đã có dấu hiệu yếu đi rồi thì chúng tôi rất hạn chế làm các biện pháp cấp cứu bởi người nhà không muốn gây đau đớn cho bệnh nhân và cũng gần như không cứu vãn được gì nhiều.

Tầm buổi trưa thì bác ấy rơi vào tình trạng suy hô hấp, trớ trêu là ông chồng thì lại đang ở nhà nên các con nhờ bác sỹ cố gắng hỗ trợ để chờ cho đến khi bố vào đến nơi.

Có điều đặc biệt là bình thường khi hôn mê bệnh nhân không có ý thức gì cả nhưng hôm ấy bác ý đã có sự nỗ lực rất lớn, giống như cố gắng chờ đợi chồng. Tim cứ suýt ngừng đập rồi, chúng tôi cấp cứu thì lại đập trở lại. Cho đến khi chồng tới bên cạnh và nắm tay thì mới khóc rồi qua đời.

Trưởng khoa hồi sức cấp cứu 9x kể về áp lực khi đứng giữa lằn ranh sinh tử: Bác sỹ đôi khi trở thành người nắm tay cuối cùng của bệnh nhân… - Ảnh 4.

Trưởng khoa hồi sức cấp cứu 9x kể về áp lực khi đứng giữa lằn ranh sinh tử: Bác sỹ đôi khi trở thành người nắm tay cuối cùng của bệnh nhân… - Ảnh 5.

    Bác sĩ luôn phải đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm, tiên phong vào vùng dịch. Có bao giờ anh thấy sợ hãi không?

Thật ra lúc tôi làm thì không sợ đâu, giống như mọi người thường nói bác sỹ hồi sức cấp cứu rất lỳ.

Chẳng hạn như đợt tôi cùng một số bác sĩ đi vào TP.HCM hay Bắc Giang- tâm điểm vùng dịch, lúc này bác sỹ như chiến binh chỉ biết nỗ lực cứu chữa cho người dân chứ chẳng lo lắng gì cho bản thân. Chỉ đến khi tôi cũng mắc covid, nằm trong phòng cách ly nghĩ lại mọi thứ thì bắt đầu thấy sợ. Sợ rằng mình lại lây bệnh cho đồng nghiệp, người thân.

Hay đôi khi cảm thấy có lỗi với gia đình nữa. Vợ tôi thì làm bên bệnh viện Bạch Mai, khi bùng dịch cả hai vợ chồng đều không thể về nhà, cô con gái 2 tuổi phải gửi về quê cho ông bà chăm sóc. Suốt nhiều tháng liền không được gặp con, cứ hết dịch chỗ này thì lại bùng chỗ khác, muốn về nhà cũng không được.

Trưởng khoa hồi sức cấp cứu 9x kể về áp lực khi đứng giữa lằn ranh sinh tử: Bác sỹ đôi khi trở thành người nắm tay cuối cùng của bệnh nhân… - Ảnh 6.

    Tính tới thời điểm hiện tại đã có hơn 5000 nhân viên y tế nghỉ việc tại bệnh viện công do áp lực công việc quá lớn mà tiền lương lại không đủ duy trì cuộc sống. Là một bác sỹ đang làm việc tại viện tư, anh có đánh giá như thế nào về vấn đề này và liệu sự dịch chuyển này có tạo ra sức cạnh tranh lớn tại các bệnh viện tư?

Nếu nói về cạnh tranh nhân lực thì sẽ không có vì khối bệnh viện tư hiện nay vẫn còn thiếu lực lượng bác sỹ rất nhiều.

Còn về vấn đề bác sỹ nghỉ việc ở viện công thì liên quan nhiều đến cơ chế, chủ trương là xã hội hóa nhưng bệnh viện lại là tự chi. Hầu hết các bệnh viện công hiện đều khá khó khăn, như vợ của tôi hiện đang công tác tại bệnh viện Bạch Mai thu nhập cũng bị giảm nhiều.

Phải khẳng định rằng, mục tiêu ban đầu khi vào ngành y của các nhân viên y tế không phải để làm giàu mà chúng tôi luôn đề cao tinh thần y đức, chữa bệnh cứu người. Song, bất cứ ai cũng phải đạt được mức sống tối thiểu, chưa kể còn chăm lo cho con cái việc học hành, cha mẹ già... Đến khi họ không thể duy trì được chất lượng cuộc sống thường ngày thì không ai còn tâm trí đâu để cống hiến và buộc phải ra đi thôi.

Suy cho cùng, khi các nhân viên y tế giỏi không còn ở viện công nữa mà chuyển sang khối bệnh viện tư nhân thì người thiệt thòi nhất là bệnh nhân. Nhất là những người nghèo, những bệnh nhân phụ thuộc vào bảo hiểm y tế…

Buổi trò chuyện bị cắt ngang bởi tiếng chuông điện thoại, khoa cấp cứu cần bác sỹ Đinh Quốc Anh có mặt khẩn cấp. Chúng tôi cũng chưa kịp gửi lời chào thì bác sỹ đã vội chạy đi... 


Bài viết: Nguyễn Phượng | Thiết kế: Hà Mĩ

Cùng chuyên mục
XEM