Trưởng đại diện UNICEF: "Đợt tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam là khởi điểm mang tính chất lịch sử"
Ngày 8/3 đánh dấu ngày đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam. Đại diện WHO và UNICEF đánh giá đây là một khởi điểm mang tính lịch sử.
Sáng 8/3, Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cùng tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19.
Trong buổi họp báo tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong đợt này Việt Nam thực hiện tiêm 117.600 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho các đối tượng ưu tiên là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh.
Để nhanh chóng triển khai được công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), và các đơn vị trong nước như hệ thống tiêm chủng VNVC đã thực hiện những nỗ lực to lớn trong việc đàm phán, mua, tiếp nhận, bảo quản, cung ứng vaccine; hướng dẫn sử dụng vaccine và thực hiện các quy trình tiêm chủng an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì buổi họp báo tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trưa 8/3
Song song với việc đàm phán mua các loại vaccine Covid-19, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước tích cực nghiên cứu, thử nghiệm để sớm có vaccine, nhằm chủ động nguồn vaccine phục vụ tiêm chủng.
"Đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc, với nguồn lực đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước", Thứ trưởng phát biểu.
Bộ Y tế kêu gọi người dân khi đến lượt mình, hãy đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân và vì một cộng đồng khỏe mạnh và đất nước chúng ta sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường.
Theo Thứ trưởng, không có vaccine nào an toàn 100% và không có vaccine nào có tác dụng phòng bệnh 100%. Do vậy muốn bảo vệ xã hội khỏi nguy cơ mắc Covid-19, đồng thời với tiêm chủng, ông khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế).
"Tôi tin tưởng rằng, thực hiện tốt những điều này chúng ta nhất định sẽ chặn đứng Covid-19", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đối với chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Thuấn cho biết Chính phủ sẽ cùng bàn bạc với đại sứ các nước để đưa ra kế hoạch. Hiện nay, nhóm cán bộ ngoại giao, cán bộ tiếp xúc với nhiều người cũng nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên trong Nghị quyết 21.
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao công tác chuẩn bị tiêm vaccine đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. "Hôm nay đánh dấu ngày đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam. Các nhân viên, cán bộ y tế đã làm việc xuất sắc để không có vấn đề gì xảy ra. Các quý vị chính là những chiến binh và người chiến thắng thực sự", ông Kidong Park chia sẻ.
Đại diện WHO lưu ý 2 vấn đề khi thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với Việt Nam cụ thể:
Thứ nhất, hiện nay, nguồn cung ứng vaccine Covid-19 trên thế giới chưa đủ đáp ứng. Vì vậy, việc tiêm vaccine nên thực hiện cho các đối tượng ưu tiên (cán bộ tuyến đầu chống dịch).
Thứ hai, dù vaccine AstraZeneca đã được thử nghiệm và an toàn. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử một loại vaccine được tiêm chỉ sau 1 năm. Vì vậy cần phải có sự theo dõi phản ứng sau tiêm vaccine trong 48 giờ, đảm bảo theo dõi để đánh giá vaccine có an toàn hay không.
Ông Park đánh giá cao trong buổi tiêm đầu tiên, Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, người tiêm được cung cấp thông tin đầy đủ và quy trình tiêm an toàn. Đây là tín hiệu tốt để Việt Nam tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng an toàn trong thời gian tới.
WHO mong muốn đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Y tế trong quá trình tiêm vaccine để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra khuyến nghị cho người dân.
Người đầu tiên được tiêm vaccine tại Hà Nội là nữ điều dưỡng Vũ Thị Thanh Thư, 28 tuổi, công tác tại khoa Nội Tổng Hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, đợt tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam là một khởi điểm mang tính chất lịch sử. Để có thể cung cấp vaccine, UNICEF đã liên hệ 10 hãng hàng không quốc tế để có thể vận chuyển miễn phí vaccine đến 92 quốc gia nghèo và thu nhập thấp tham gia cơ chế vaccine Covax mà Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên.
Khi Việt Nam đáp ứng đủ các quy định, Covax sẽ chuyển 1,2 triệu liều AstraZeneca trong tháng 3 và 2,8 triệu liều trong tháng 4. Theo kế hoạch, trong năm 2021, Covax sẽ chuyển cho Việt Nam 30 triệu liều vắc xin.
"Mục tiêu của chúng tôi là đưa vaccine đến Việt Nam một cách nhanh chóng và an toàn, giúp phát triển y tế sức khoẻ và khôi phục kinh tế", bà Rana Flowers nói.
Vaccine của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai
Vaccine phòng Covid-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là của AstraZeneca, một trong 3 vaccine đã được WHO thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng 117.600 liều vaccine được Bộ Y tế phối hợp với VNVC (đơn vị cung ứng, tiếp nhận) khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vaccine được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn.
Vaccine được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng. Mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi, cách nhau 28 ngày, với liều lượng 0,5ml, tiêm bắp.
Sau tiêm, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Trước đó, ngày 6/3/2021, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên cả nước và nhân viên hệ thống tiêm chủng VNVC.
Ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho bất cứ tình huống có thể xảy ra. Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm. Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-COV-2.
Theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vaccine của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do Covid-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng.