Trước lùm xùm yêu cầu khách hàng trả nhà vì mâu thuẫn, Gamuda Land đang lãi lớn với 2 dự án tại Việt Nam
Không cần tới những ồn ào gần đây để tổ hợp dự án Gamuda Việt Nam được chú ý. Trước đó, tổ hợp dự án tại Việt Nam luôn xuất hiện trên báo cáo của Tập đoàn Gamuda Berhad với những lời nhận định "có cánh". Điều này cũng tương đồng với kết quả kinh doanh trong hai năm gần nhất, khi Việt Nam chính là thị trường đóng góp tới 2/3 doanh thu nước ngoài cho tập đoàn của Malaysia.
Công ty Gamuda Land Việt Nam (Gamuda Land) vừa khiến nhiều khách hàng bất ngờ khi ra văn bản chấm dứt hợp đồng, thu lại nhà liền kề đã bán cho khách tại Dự án Khu đô thị mới C2 Gamuda Garden (Dahlia Homes - ST5), Quận Hoàng Mai - Hà Nội. Sự việc phát sinh từ mâu thuẫn giữa khách hàng và Gamuda Land - chủ đầu tư dự án Gamuda City - từ đầu năm nay liên quan đến các vấn đề về diện tích, hạ tầng, phí đặt cọc khi hoàn thiện căn hộ.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu các dự án của Gamuda dính tai tiếng và cũng không phải tới nay, tập đoàn này mới thu hút sự chú ý.
Báo cáo thường niên những năm gần đây của Gamuda Berhad nhắc đến Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm của tập đoàn này, đóng góp tới 2/3 doanh thu từ thị trường nước ngoài.
Kết quả này cũng phần nào tương đồng với số liệu tài chính của Gamuda Land Việt Nam - pháp nhân thực hiện dự án Gamuda City tại Hà Nội và Gamuda Land HCMC - pháp nhân thực hiện dự án Celadon City tại TP HCM.
Niên độ tài chính 2017-2018, tổng doanh thu của hai công ty này đạt 2.672 tỷ, nhưng đến năm tài chính 2018-2019, con số này tăng mạnh lên 4.273 tỷ đồng khi dự án tại TP HCM bước vào giai đoạn ghi nhận doanh thu. Tổng lợi nhuận cũng tăng vọt từ mức 200 tỷ lên hơn 1.000 tỷ đồng trong năm tài chính gần nhất.
Con số doanh thu và lợi nhuận của hai pháp nhân tại Việt Nam thậm chí còn vượt trội hơn nếu nhìn từ báo cáo của công ty mẹ Gamuda Berhad.
Theo đó, trong năm tài chính 2019 của tập đoàn Malaysia (kết thúc ngày 31/7, so với ngày kết thúc năm tài chính 30/6 của hai doanh nghiệp Việt Nam), doanh thu tại thị trường Việt Nam đạt tới 1,3 tỷ ringit, tương đương hơn 7.500 tỷ đồng. Việt Nam luôn được xếp trong nhóm những thị trường có vai trò quan trọng nhất của tập đoàn này.
Theo báo cáo thường niên của Gamuda Berhad, cả hai pháp nhân này đều do tập đoàn Malaysia sở hữu 100%, là chủ đầu tư của hai dự án phát triển đô thị quy mô lớn tại Việt Nam là Gamuda City tọa lạc gần công viên Yên Sở, Hà Nội với vốn đầu tư 3,5 tỷ USD từ năm 2007 và dự án Celadon City tại TP.HCM trị giá 1,16 tỷ USD được tập đoàn phát triển từ năm 2010.
Dự án đang chịu tai tiếng gần đây - Gamuda City - có diện tích 474 ha, cách khu vực trung tâm Hà Nội 6 km với các hạng mục công trình gồm Gamuda Central, Gamuda Plaza, Gamuda Gardens, trung tâm thương mại Gamuda City và Gamuda Lakes. Giai đoạn đầu, dự án này phát triển phân khu Gamuda Gardens có quy mô 73 ha, cung cấp hơn 2.100 căn hộ, 2.000 nhà phố, 100 shophouse, 200 căn nhà liền kề và 100 căn biệt thự. Tổng vốn đầu tư của Gamuda Gardens là 850 triệu USD.
Trong một bài viết năm 2017, tờ New Straits Times từng cho biết, sau khi đối mặt với nhiều thách thức tại Việt Nam trong các năm 2013 và 2014, Gamuda Land đã có sự phục hồi mạnh mẽ về doanh số bất động sản khi đạt 125 triệu USD vào năm 2015 và 220 triệu USD trong 2016 tại Việt Nam. Lãnh đạo Gamuda nhận định, thị trường bất động sản của Việt Nam trong giai đoạn đi lên nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia đã tạo ra hàng ngàn việc làm và giúp thu nhập người dân tăng lên.
Thời điểm đó, tập đoàn từ Malaysia cũng đặt rất nhiều kỳ vọng về các dự án bất động sản tại TP HCM và Hà Nội khi đặt mục tiêu doanh thu hàng năm hơn 400 triệu USD kể từ năm tài chính 2019 trở đi.