Trước khi ô tô điện mini bắt đầu phủ sóng thị trường, phân khúc xe rẻ nhất tại Việt Nam hiện kinh doanh ra sao?
Các mẫu xe hachback hạng A hiện có doanh số khá khiêm tốn khi mà nhu cầu, thẩm mĩ mua xe của khách hàng Việt bắt đầu thay đổi.
Vào những ngày cuối tháng 9, TMT Motors thông báo bắt đầu bàn giao những chiếc xe điện Wuling HongGuang Mini EV đầu tiên cho người dùng tại Việt Nam, đánh dấu việc các mẫu ô tô điện kích cỡ siêu nhỏ, giá dễ tiếp cận đã bắt đầu tham gia cạnh tranh trên thị trường.
Sau Wuling HongGuang Mini, VinFast cũng sẽ sớm nhận đặt hàng tại Việt Nam và chính thức bàn giao xe vào năm sau, hứa hẹn mở ra một phân khúc kinh doanh hoàn toàn mới trên thị trường.
Tuy nhiên, thách thức dành cho các mẫu xe này không phải nhỏ nếu nhìn vào doanh số các mẫu xe kích thước nhỏ, giá rẻ đang bán trên thị trường hiện nay.
Phân khúc xe rẻ nhất thị trường hiện kinh doanh ra sao?
Hatchback hạng A, phân khúc giúp người dùng Việt dễ dàng tiếp cận nhất với một mẫu xe 4 bánh, hiện có 3 đại diện tham gia kinh doanh – gần như ít nhất trên thị trường. Những cái tên đó là Hyundai Grand i10, Toyota Wigo và Kia Morning.
Trong đó, Hyundai Grand i10 có 6 phiên bản, giá bán 360-455 triệu đồng, có bản nâng cấp gần nhất vào tháng 8/2021. Toyota Wigo, trong khi đó, mới quay trở lại thị trường vào cuối tháng 4 vừa qua, có giá bán 360-405 triệu đồng còn Kia Morning được chào giá thấp nhất, 296-383 triệu đồng.
Theo báo cáo từ các nhà sản xuất, tháng 9 vừa qua lượng xe hatchback hạng A bán ra đạt 897 chiếc, trong đó có 628 chiếc Hyundai Grand i10, 187 Toyota Wigo và 82 chiếc Kia Morning. Nếu tính doanh số toàn thị trường (gồm doanh số các hãng thuộc VAMA và Hyundai Thành Công) đạt 31.352 xe, phân khúc này hiện chỉ chiếm 2,8% thị phần .
Cộng dồn 9 tháng đầu năm, Hyundai Grand i10 cũng là mẫu xe nổi bật nhất, phần nào cạnh tranh được về doanh số với một số mẫu xe phổ biến khác với 5.386 xe bán ra. Mức doanh số sau 9 tháng của Kia Morning chỉ đạt 1.125 xe còn Toyota Wigo sau khi lên kệ từ cuối tháng 4 đạt 1.009 xe. Doanh số cộng dồn của phân khúc này sau 9 tháng đạt 7.520 xe, chiếm khoảng 2,9% thị phần toàn thị trường .
Mức thị phần khiêm tốn cộng số lượng model ít ỏi phần nào phản ánh tình trạng ảm đạm của phân khúc hatchback hạng A tại Việt Nam. Thực tế từ sau khi VinFast Fadil dừng bán từ tháng 7/2022 và Honda Brio rời bỏ thị trường Việt Nam, hatchback hạng A đã trở thành phân khúc ít được quan tâm bậc nhất trên thị trường.
Giai đoạn này, sự quan tâm lớn nhất được dồn cho phân khúc SUV đô thị cũng như các mẫu MPV đa dụng. Bên cạnh đó, sedan hạng B dù có phần sụt giảm nhưng vẫn duy trì mức doanh số mạnh mẽ nhờ nhóm khách hàng chạy xe dịch vụ và nhóm gia đình trẻ, những người lần đầu mua xe.
Trong khi đó, hachback hạng A phần nào thể hiện sự “outdate” khi những lợi thế như kích thước nhỏ, dễ luồn lách trong phố, giá bán rẻ không còn được người tiêu dùng ưa thích. Người dùng giờ đây yêu thích những chiếc xe rộng rãi hơn để có thể chở nhiều thành viên trong gia đình hơn, thiết kế đẹp mắt hơn, trang bị nhiều tính năng hiện đại hơn – thứ mà xe hạng A không thể đáp ứng do giá bán thấp, đặc biệt là các tính năng an toàn.
Bên cạnh đó, việc các mẫu xe phân khúc trên liên tục ra mẫu mới cùng các chương trình giảm giá kích cầu khiến cả những người có hầu bao không rộng rãi cũng phải “động lòng”.
Trong thời gian tới, ô tô điện mini khi mở rộng kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ phải giải “bài toán” lôi kéo người dùng trở lại với xe cỡ nhỏ. So với hachback hạng A, ô tô điện mini có một ưu điểm rõ ràng là trang bị bởi thông thường, những mẫu xe này sở hữu khá nhiều công nghệ trợ lái hiện đại so với tầm giá. Ngoài ra, chi phí của xe điện mini còn thấp hơn một bậc so với hatchback hạng A cũng là thứ khiến nhiều người cân nhắc lựa chọn.
Đối tượng mua xe điện mini cũng có sự khác biệt khi phần nhiều đây sẽ là những người dùng trẻ, yêu thích cái mới, đồng thời tập trung nhiều ở nhóm người dùng đô thị - phù hợp di chuyển quãng ngắn.