Trước khi nổ ra scandal ở Nhật, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã vẽ viễn cảnh 5 năm tới của Masan thế nào?
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan - đưa ra câu hỏi “5 năm tới, tương lai của Masan ra sao?” trong báo cáo thường niên 2018. Và cũng chính ông trả lời câu hỏi này bằng một viễn cảnh tích cực ngay trước khi doanh nghiệp vướng vào sự cố sản phẩm tương ớt bị thu hồi tại Nhật Bản.
Trong thư gửi cổ đông đính kèm với báo cáo thường niên 2018, HĐQT Masan Group đã đưa ra thông điệp “Keep Going” và cho rằng đây không phải là một chiến dịch marketing nhằm gây dựng niềm tin vào Masan hay là khẩu hiệu để tạo động lực khi gặp khó khăn. Chính xác hơn, đó chính là Phương cách Masan hay “Masan Way”.
Từ thông điệp này, 5 năm sắp tới của “ông lớn” hàng tiêu dùng này được HĐQT mô tả một cách chi tiết cho từng lĩnh vực.
Masan bắt đầu chu kỳ 5 năm từ đâu?
Theo ông Quang, 2018 là năm khởi đầu hành trình và Masan đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, kết quả tài chính đơn thuần không thể phản ánh hết được những gì Masan đang xây dựng.
Theo đó doanh thu thuần 2018 của Masan đạt 38.188 tỷ đồng, tăng 1,5% so năm 2017. Trong đó, Masan Consumer đạt mức tăng trưởng doanh thu 28%, còn Masan Resources (MSR) tăng 27%. Ngược lại, doanh thu thuần của Masan Nutri-Science giảm 25% vì nông dân tái đàn chậm hơn dự báo.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 đã tăng 11,6% từ mức 9.396 tỷ đồng năm 2017 lên 10.482 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của Công ty đạt 3.478 tỷ đồng, tăng 57% so với mức 2.213 tỷ đồng năm 2017.
Trong cơ cấu doanh thu, ngành hàng gia vị của Masan tăng 35%, còn thực phẩm tiện lợi tăng 29%, ngành hàng đồ uống tăng 36% chủ yếu nhờ vào tăng trưởng của nước tăng lực. Doanh thu thuần của cà phê hòa tan có mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2018 nhưng cũng đặt ra yêu cầu phải có phát kiến đột phá để duy trì mức tăng trưởng này.
Trái với kỳ vọng của Ban điều hành, doanh thu thuần của bia chỉ tăng 23%; còn thịt chế biến giảm 5% trong năm 2018, chủ yếu do việc trì hoãn thành lập liên doanh với Jinju Ham của Hàn Quốc.
Với kết quả đạt được trong năm 2018, Masan đưa ra tầm nhìn chiến lược chi tiết 5 năm tới cho mỗi lĩnh vực.
Một số sản phẩm của Masan
Ông Quang phân tích, đầu tiên, người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm và đòi hỏi có những mặt hàng cao cấp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, người tiêu dùng sẽ chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm và dịch vụ có thương hiệu, hình ảnh hiện đại và tạo ra nhiều cảm hứng.
Thứ hai, trong bối cảnh tầng lớp trung lưu được dự báo sẽ đạt đến con số 50 triệu người vào năm 2022, các sản phẩm an toàn và tốt cho sức khỏe như thực phẩm và đồ uống sẽ được đón nhận mạnh mẽ.
Cuối cùng, Việt Nam đang trong giai đoạn kỹ thuật số hóa mạnh mẽ, sự thâm nhập ngày càng tăng của internet, điện thoại thông minh và chào đón Thế hệ Z. Kết quả là mặt bằng chung của ngành bán lẻ Việt Nam sẽ chuyển đổi từ các doanh nghiệp có cửa hàng hiện hữu sang mô hình phân phối đa kênh.
Hệ sinh thái Masan xoay chuyển ra sao?
Theo HĐQT Masan Việt Nam đang lần nữa tiến vào giai đoạn “khởi nghiệp” ngành hàng tiêu dùng và sẽ có những đổi thay nhất định về cấu trúc tiêu dùng của người tiêu dùng. Dựa vào đó, Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 5 tỷ USD và biên lợi nhuận thuần từ 12-15% vào năm 2022.
Trong đó, Masan Consumer ghi nhận sự vực dậy đầy khởi sắc trong năm 2018 khi doanh thu thuần tăng khoảng 30% và lợi nhuận tăng hơn 200%. Tuy cũng có những bài học khi tung ra các sản phẩm mới chậm hơn kế hoạch nhưng Masan Consumer cũng đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế đạt 400 triệu USD vào năm 2022.
50% doanh thu thuần dự kiến đến từ các thương hiệu và sản phẩm mới. Tham vọng của MCH được lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện bằng cách trở thành sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng trong tất cả các không gian sống, chứ không chỉ riêng phòng bếp.
Đối với Masan Nutri-Science, năm 2018 ghi nhận mức giảm khoảng 25% đi cùng với sự suy giảm chung của thị trường. Tuy vậy, Masan Nutri-Science vẫn sở hữu đủ nguồn lực để đầu tư cho tương lai ngành thịt để kế hoạch 5 năm tới, ngành thịt sẽ có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người tiêu dùng.
Áp dụng kinh nghiệm từ ngành hàng nước mắm, tỷ lệ người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm thịt an toàn được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh. Giống như trường hợp sau khi Masan thâm nhập thị trường nước mắm nội địa, chỉ trong vòng 3 năm, có 90% người tiêu dùng đã đổi sang các loại nước mắm có thương hiệu.
Mục tiêu năm 2022 của Masan Nutri-Science là chiếm 10% thị phần thị trường thịt heo toàn quốc có trị giá 10,2 tỷ USD. Doanh thu đạt 2 tỷ USD với đóng góp 50% từ các sản phẩm thịt có thương hiệu; và đạt lợi nhuận 200 - 250 triệu USD. Hơn thế nữa, ngành hàng cám cũng có thể mang lại tăng trưởng lợi nhuận từ 10% đến 15% trong trung hạn.
MSR sẽ tăng chế biến tinh quặng vonfram và đẩy mạnh tái chế hóa chất vonfram nhằm đảm bảo nguồn cung bền vững. Đồng thời, Công ty sẽ tham gia vào ngành sản xuất vật liệu công nghệ cao toàn cầu vào năm 2020.
Còn Techcombank hiện giữ vị trí số 1 trong nhóm khách hàng trung lưu với 35% thị phần, nhưng nhóm này chỉ chiếm 0,26% dân số. Ở nước ta có 70% dân số là nhóm khách hàng phổ thông, trong đó 90% trong số này chưa tiếp cận đến dịch vụ ngân hàng.
Vì vậy nhà băng này cần đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu nhờ vào thu nhập từ phí (hiện chiếm 21% tổng thu nhập hoạt động và sẽ nâng lên khoảng 40-50%), tỷ lệ ROAE dẫn đầu ngành với 20%+ và đạt lượng khách hàng bán lẻ ít nhất 15 triệu người.
Chiến lược tiếp theo của Masan là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng: Triển khai cửa hàng một điểm đến “A one-stop shop” - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khỏe.
Vì vậy, Masan sẽ triển khai hệ thống bán hàng trực tuyến và xây dựng cửa hàng. Công ty sẽ hợp tác với 300.000 cửa hàng truyền thống để thử nghiệm ý tưởng hệ sinh thái này.
“Đây chính là nền tảng cho tương lai. Sản xuất là giai đoạn đầu tiên của chi tiêu tiêu dùng, giai đoạn tiếp theo là dịch vụ khách hàng mà chúng ta đang muốn dẫn đầu cho sự chuyển đổi.
Kế hoạch này đã được Apple và Amazon triển khai khá thành công, chúng ta sẽ cố gắng học hỏi họ và có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế bối cảnh Việt Nam” – ông Quang tin tưởng.
Dẫu vậy kế hoạch đầy tham vọng và viễn cảnh tích cực của tập đoàn Masan sau 5 năm nữa có khả năng bị ảnh hưởng bởi những sự cố gần đây.
Đồng thời công thức tăng trưởng dựa trên các chiến lược “marketing sợ hãi” trong một thập kỷ qua đã bước vào giai đoạn thoái trào. Masan có tái hiện chu kỳ tăng tưởng thần tốc như vậy một lần nữa hay không vẫn là một câu hỏi lớn.