Trước giờ bóng lăn, VTV và Next Media vẫn “đấu khẩu” tranh chấp bản quyền AFF Cup 2018 trên nền tảng PayTV

08/11/2018 11:21 AM | Kinh doanh

Chỉ còn ít giờ nữa là trái bóng AFF Suzuki Cup 2018 bắt đầu lăn, nhưng chuyện tranh chấp bản quyền phát sóng giải đấu trên hệ thống truyền hình trả tiền giữa VTV và Next Media vẫn chưa dừng lại.

Như ICTnews đã đưa tin, ngày 6/11/2018, Công ty Luật Đăng Bình, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Next Media đã đưa ra chứng cứ mới là văn bản xác nhận của  Lagardere Sports Asia (LSA) khẳng định Next Media được độc quyền bản quyền phát sóng giải đấu AFF Cup 2018 trong lãnh thổ Việt Nam trên nền tảng truyền hình trả tiền.

Cùng với việc tung ra văn bản xác nhận của đơn vị bán bản quyền, Next Media tuyên bố các đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền ở Việt Nam tiếp sóng giải đấu AFF Cup 2018 trên hệ thống truyền hình trả tiền mà không được sự đồng ý của Next Media có thể sẽ bị đơn vị này khởi kiện vì xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nhưng ngay sau khi Next Media ra thông báo nói trên thì vào ngày 7/11/2018, Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình thuộc VTV (TVAd) tiếp tục ra văn bản gửi các đối tác quảng cáo và các đơn vị truyền hình trả tiền (PayTV) một lần nữa khẳng định: Các hệ thống truyền hình: VTVCab, SCTV, K+, FPT (dịch vụ FPTTV, FPT Play), VNPT (dịch vụ MyTV, MyTVNet, MobileTV), Viettel (dịch vụ ViettelTV, MobiTV), VEGA (dịch vụ ClipTV), AVG và VTC có quyền tiếp phát sóng giải AFF Cup 2018 trên kênh VTV (phát sóng trên kênh VTV5 và VTV6).

Vào sáng nay, 8/11/2018, Công ty Luật Đăng Bình tiếp tục đáp trả lại văn bản của TVAd bằng một thông báo mới khẳng định, các hệ thống truyền hình nói trên cung cấp chương trình cho người xem trên cơ sở thuê bao hoặc chi trả cho mỗi lần xem chính là truyền hình trả tiền (PayTV), do đó những đơn vị này truyền dẫn, phát sóng giải đấu AFF Suzuki Cup 2018 đều phải chịu sự điều tiết của Next Media.

Theo một số chuyên gia về truyền hình, trong vụ tranh chấp này, lợi thế đang nghiêng về phía Next Media. Vì ngày 2/10/2018, LSA - chủ sở hữu bản quyền truyền thông của giải đấu - đã xác nhận cấp quyền cho Next Media độc quyền và quyền phát sóng các trận đấu từ giải đấu AFF Suzuki Cup 2018, với ngôn ngữ cấp quyền là toàn bộ các ngôn ngữ địa phương Việt Nam, trên các hạ tầng truyền dẫn vệ tinh; Cáp, IPTV, phát thanh, Internet và mạng di động, với hình thức trả tiền.

Và mới đây, ngày 1/11/2018, LSA đã có thư xác nhận nêu rõ: "Về giải đấu AFF Cup 2018, bất kỳ sự truyền dẫn, phát sóng nào của chương trình phát sóng, trong lãnh thổ Việt Nam, trên nền tảng trả tiền phải được cấp phép bởi Next Media". Hai văn bản xác nhận của LSA đủ chứng tỏ Next Media hoàn toàn có lý khi khẳng định quyền phát sóng giải đấu trên hệ thống truyền hình trả tiền ở Việt Nam.

Theo luật sư Nguyễn Đăng Bình, sắp đến giờ bóng lăn, VTV vẫn cố tình phát ngôn gây mập mờ giữa "nền tảng truyền dẫn" và "phương tiện truyền dẫn, hệ thống truyền dẫn". VTV chỉ được LSA cấp phép quyền sản xuất, khai thác, sử dụng độc quyền trên kênh truyền hình mặt đất miễn phí của VTV về giải AFF Cup 2018. VTV không độc quyền khai thác tư liệu để sản xuất chương trình bên lề và tin tức cũng như không được quyền cấp lại quyền cho đơn vị thứ ba. Như vậy chiếu theo bản quyền thì nền tảng truyền dẫn của VTV là nền tảng "miễn phí". Cho nên nếu các hệ thống truyền hình VTVCab, SCTV, K+, FPT (dịch vụ FPTTV, FPT Play), VNPT (dịch vụ MyTV, MyTVNet, MobileTV), VIETTEL (dịch vụ ViettelTV, MobiTV), VEGA (dịch vụ ClipTV), AVG, VTC cung cấp chương trình cho người xem trên cơ sở miễn phí thuê bao hoặc miễn phí chi trả cho mỗi lần xem mới được xem là "miễn phí" và chịu sự điều tiết của VTV về bản quyền AFF Cup 2018.

Cũng theo đại diện của Công ty Luật Đăng Bình, nếu một đơn vị nào đó vi phạm gói bản quyền AFF SUZUKI CUP 2018 mà Next Media đang sở hữu sẽ bị xử lý như sau: Theo hợp đồng cấp phép LSA cấp cho Next Media các quyền liên quan đến việc khai thác sử dụng "tín hiệu" mang nội dung các trận đấu trong khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup 2018. Do đó, các hành vi vi phạm gói bản quyền mà Next Media đang sở hữu chính là các hành vi xâm phạm đến quyền liên quan đến quyền tác giả đối với tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Theo Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM