Trước Gia Cát Lượng, Lưu Bị từng có trong tay 2 mưu sĩ xuất chúng ít ai biết đến

07/03/2021 16:12 PM | Sống

Hai nhân vật sở hữu tài năng thương thuyết xuất chúng ấy chính là những công thần giúp Lưu Bị gây dựng sự nghiệp trong buổi đầu đầy gian khó.

Nhìn lại cuộc đời của Lưu Bị, sẽ không hề quá lời nếu nói ông là vị quân chủ có số phận lận đận nhất thời Tam Quốc.

Sinh thời, mặc dù mang xuất thân là hậu duệ Hán thất, thế nhưng ông khởi binh tới 20 năm vẫn không ngừng phiêu bạt khắp nơi, càng đánh càng bại, thậm chí ngay tới cả mảnh đất đặt chân cũng không có.

Thế nhưng sự nhân đức cũng như lý tưởng của ông lại được rất nhiều người tôn kính. Bởi vậy nên dù là trong tiểu thuyết hay trong chính sử, bất luận là gặp phải bao nhiêu thất bại, Lưu Bị vẫn luôn có những người tình nguyện đi theo phò trợ ngay cả khi ông ở vào hoàn cảnh bi đát nhất.

Và kể từ sau khi có được sự phò tá của kỳ tài Gia Cát Khổng Minh, sự nghiệp của Lưu Bị có thể ví như "đông sơn tái khởi".

Thế nhưng ít ai biết rằng, trước khi chiêu mộ được Gia Cát Lượng, Lưu Bị cũng từng có trong tay hai vị mưu sĩ sở hữu những cống hiến vô cùng to lớn.

Hai nhân vật có phần kín tiếng và được xem như đại công thần trong thời kỳ đầu gây dựng sự nghiệp của vị quân chủ nhà Thục Hán ấy chính là Tôn Càn và Giản Ung.

Tôn Càn - thuyết khác có tài giúp Lưu Bị tìm chỗ dựa

 Trước Gia Cát Lượng, Lưu Bị từng có trong tay 2 mưu sĩ xuất chúng ít ai biết đến - Ảnh 1.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.


Tôn Càn (? – 214), tự Công Hựu, là một chính trị gia dưới quyền Lưu Bị vào thời kỳ Tam Quốc của lịch sử Trung Hoa.

Trước khi đi theo Lưu Bị, ông từng phục vụ cho Đào Khiêm – chủ thành Từ Châu. Sau khi Đào Khiêm qua đời, Tôn Càn theo về với Lưu Bị và trở thành quân sư được ông tin cẩn.

Bấy giờ, Tôn Càn thường được giao nhiệm vụ làm sứ giả truyền các thông điệp của Lưu Bị tới những thế lực chư hầu khác.

Kể từ khi Lã Bố chiếm thành Từ Châu, Tôn Càn cũng theo Lưu Bị tới nương nhờ thế lực của Tào Tháo. Sau này, ông được quân chủ phái đi tìm Viên Thiệu với hy vọng có thể kết thành liên minh.

Kết quả là vị mưu sĩ này quả thực đã không phụ lòng tin của Lưu Bị. Nhờ có tài thương thuyết của Tôn Càn, Lưu Bị đã có cơ hội tới nương nhờ Viên Thiệu. Chỉ tiếc rằng sau đó không lâu, Tào Tháo đã đánh bại họ Viên trong cuộc chiến ở Quan Độ.

Sau khi Viên Thiệu bị diệt, Lưu Bị chỉ có thể tìm tìm kiếm thế lực khác để cậy nhờ. Lúc này, ông lại điều Tôn Càn tới Kinh Châu. Và với tài làm thuyết khách của Tôn Càn, Lưu Biểu đã nhanh chóng nghênh đón Lưu Bị tới thành trì của mình.

Tới khi Lưu Bị thành công chiếm được đất Ích Châu, Tôn Càn đã được phong làm Bỉnh Trung tướng quân.

Mặc dù không quá nổi tiếng, thế nhưng sự thực là trong thời kỳ đầu gây dựng sự nghiệp của Lưu Bị, mưu sĩ họ Tôn này đã đem tới cho ông rất nhiều sự trợ giúp đáng quý.

Để có thể khiến cho quân chủ được nương nhờ vào những thế lực lớn, Tôn Càn sẵn sàng khom lưng quỳ gối, dốc hết tâm sức vì nghiệp lớn của Thục Hán.

Cũng bởi vậy nên chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi (Trung Quốc) cho rằng, Khổng Minh năm xưa dù được xem là kỳ tài nổi bật hàng đầu dưới trướng Thục Hán, thế nhưng Tôn Càn cũng có thể xem như một mưu sĩ trung lương có đóng góp không nhỏ đối với sự hình thành của tập đoàn chính trị này.

Giản Ung - mưu sĩ dốc lòng gây dựng danh tiếng cho Lưu Bị

 Trước Gia Cát Lượng, Lưu Bị từng có trong tay 2 mưu sĩ xuất chúng ít ai biết đến - Ảnh 2.

Tranh minh họa: Nguồn Internet.


Giản Ung (? - ?) tự Hiếu Hòa, người Trác Quận, U Châu, là quan viên nhà Thục Hán vào thời Tam Quốc.

Về vị mưu sĩ họ Giản ấy, sử cũ ghi rằng ông từ thuở nhỏ đã giao hảo với Lưu Bị. Năm xưa khi Lưu Bị mới khởi binh, Giản Ung đã bắt đầu đi theo và nhất mực trung thành với vị quân chủ này.

Cũng giống như Tôn Càn, Giản Ung đã không bỏ mặc Lưu Bị ngay cả khi ông rơi vào thời kỳ tăm tối nhất của sự nghiệp.

Và vị mưu sĩ họ này cũng đã đi khắp nơi bày mưu tính kế để giúp Lưu Bị gây dựng được danh tiếng, từ đó có thêm nhiều mối quan hệ để gây dựng đại nghiệp.

Năm xưa khi Lưu Bị mới tới Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu, gia tộc nổi danh ở vùng đất này khi ấy là Thái thị đã nhiều lần tìm cách gây khó dễ.

Để giải quyết được điều đó, Giản Ung đã bôn tẩu khắp nơi, tìm đủ mọi cách để giao hảo với giới sĩ tộc tại Kinh Châu, nỗ lực gây dựng danh tiếng cho Lưu Bị để ông có được chỗ đứng nhất định tại vùng đất này.

Sau khi Lưu Bị có được Tây Xuyên, vị mưu sĩ họ Giản ấy lại tiếp tục tìm đến Lưu Chương làm thuyết khách. Và cũng chính nhờ tài thương thuyết của mình, Giản Ung đã giúp cho Thục Hán thành công có được đất Ích Châu với con số thương vong thấp nhất.

Từ đó có thể thấy, Tôn Càn và Giản Ung mặc dù không nổi danh như Phượng Sồ Bàng Thống hay Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng, thế nhưng nếu thiếu đi sự trợ giúp của họ trong những năm tháng khó khăn, đế nghiệp của Lưu Bị cũng như Thục Hán có lẽ cũng sẽ khó mà có được.

*Dịch từ tư liệu nước ngoài


Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM