Trung Quốc xả đập, nhưng người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long vẫn sẽ có “rất ít nước “ để dùng trong 4 tháng tới

06/04/2016 11:03 AM | Xã hội

Từ nay cho đến hết ngày 29/4, dự kiến 1,44 tỷ m3 nước sẽ được xả từ Trung Quốc về vùng ĐBSCL. Để tận dụng nguồn ngọt này, Viện đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện để lấy nước, dùng cho cả thời kỳ sau đó đến tháng 6,7.

Theo đánh giá của Phó Chánh văn phòng Ủy ban sông Me Kong Việt Nam - Trần Đức Cường, đây là lượng nước đáng kể góp phần giải quyết bài toán hạn hán, hỗ trợ cơ bản việc đẩy lùi xâm nhập mặn cho vùng ĐBSCL.

"Việc xả nước của Trung Quốc ở thượng nguồn sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi tình trạng này trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề xâm nhập mặn vẫn khó có thể giải quyết triệt để", ông Cường nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL chiều 5/4, đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (Bộ NN&PTTN) cho biết, để tận dụng nguồn ngọt này, Viện đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện để lấy ngọt, dùng cho cả thời kỳ sau đó đến tháng 6,7. Đặc biệt chú ý mở các cống, bơm khi nước ngọt xuất hiện.

Việc vận hành gia tăng thủy điện ở Trung Quốc đã có ảnh hưởng đến Việt Nam từ ngày 4/4 và có hiệu quả đẩy mặn từ ngày 7/4 trở đi.

Dự báo trong giai đoạn từ ngày 4-9 và từ 10-12, mặn tiếp tục biến động nhẹ nhưng không sâu tại vùng cửa sông Cửu Long. Phạm vi cách biển từ 35-45km có thể lấy nước ngọt khi triều thấp, chân triều, đặc biệt là trên sông Cổ Chiên và sông Hậu.

Giai đoạn từ ngày 10-12 và đến cuối tháng 4, mặn giảm nhanh. Phạm vi cách biển từ 25-40km có xuất hiện nước ngọt khá dồi dào, nhất là khi triều thấp, chân triều.

Cũng theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ trưởng Năng lượng và mỏ của Cộng hòa DCND Lào, Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) sẽ vận hành tăng lượng xả từ ngày 15/3 đến ngày 10/4. Thủy điện của Lào tăng lưu lượng xả nước từ ngày 23/3 đến hết tháng 5 để chống hạn cho hạ du. Việc này sẽ giải quyết một phần cho tình trạng xâm nhập mặn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) lo ngại, khi nghe thấy có nước về, người dân sẽ xuống giống. Trong khi đó, việc giải quyết trước mắt đầu tiên khi có nước ngọt chính là nước sinh hoạt, nước cho gia súc, vườn cây ăn trái lâu năm…

Ông Tỉnh cũng thừa nhận, việc Trung Quốc xả nước chỉ là giải pháp tình thế. Bởi việc giải quyết bài toán phòng, chống hạn mặn không chỉ riêng cho vùng ĐBSCL mà cả các vùng khác như Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo Bộ NN&PTNT, tính từ cuối năm 2015 đến nay, hầu hết các cửa sông khu vực ĐBSCL bị xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền. 11/13 tỉnh/thành phố đang bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn.

Tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng khiến sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề. Tổng diện tích cây trồng thiệt hại khoảng 210.000 ha.

Số liệu từ Tổng cục Thủy lợi cho biết, ước thiệt hại do xâm nhập mặn lên đến gần 245 tỷ đồng. Dự báo trong tháng 3, 4/2016, diện tích bị xâm nhập mặn có thể tăng thêm 46.000 ha.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM