Trung Quốc và Nepal thống nhất cách đo, xác nhận đỉnh Everest cao thêm 0,6 mét so với trước đây.

14/12/2020 11:03 AM | Xã hội

Trung Quốc và Nepal đã cùng công bố độ cao chính thức mới cho đỉnh Everest, chấm dứt các tuyên bố có phần chênh lệch giữa hai quốc gia.

Nepal và Trung Quốc mới đây đã thông báo về việc điều chỉnh độ cao chính thức của ngọn núi cao nhất thế giới Everest. Trước đó, chính phủ Trung Quốc đánh dấu độ cao của ngọn núi là 8.844,43 mét. Con số này thấp hơn gần 4 mét so với chiều cao khảo sát của phía Nepal.

Nhưng trong thông báo mới nhất xác nhận, cả hai bên đã tiến tới thống nhất sau chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Kathmandu vào năm 2019. Vào thời điểm đó, một thỏa thuận chung giữa hai bên đã được ký kết.

Đã từng có cuộc tranh luận về độ cao thực tế của đỉnh núi khi người ta lo ngại rằng nó có thể đã bị thụt xuống sau trận động đất lớn vào năm 2015. Trận động đất đã giết chết 9.000 người, làm hư hại khoảng 1 triệu công trình kiến ​​trúc ở Nepal và gây ra một trận lở tuyết trên Everest khiến 19 người thiệt mạng. Nhưng chắc chắn Everest sẽ vẫn là đỉnh cao nhất vì đỉnh cao thứ hai K2 chỉ cao 8.611 mét.

Chiều cao của Everest lần đầu tiên được xác định bởi một nhóm nghiên cứu người Anh vào khoảng năm 1856, đó là 8.842 mét. Nhưng độ cao được chấp nhận nhiều nhất vẫn là 8.848 mét do tổ chức Survey of India thực hiện vào năm 1954.

Năm 1999, một nhóm của Hiệp hội Địa lý quốc gia sử dụng công nghệ GPS đã đưa ra con số 8.850 mét.

Sau đó vào năm 2005, một nhóm nghiên cứu Trung Quốc khác đo được ngọn núi ở độ cao 8.844,43m khi chưa tính lớp tuyết phủ trên đỉnh.

Trong khi đó độ cao theo khảo sát của phía Nepal là 8.848 mét, bao gồm cả tuyết và cũng dựa trên số liệu của tổ chức Survey of India công bố vào năm 1954. Đây là tổ chức chuyên lập bản đồ và khảo sát quốc gia của Ấn Độ và thuộc Bộ khoa học. và công nghệ Ấn Độ.

Theo các quan chức khảo sát Nepal, bốn nhân viên khảo sát đất đai của nước này đã ghi lại đầy đủ các phát hiện của họ. Trong khi phía Trung Quốc đã cử một nhóm khảo sát vào tháng 5/2020 và cả hai nước đã đồng ý về một độ cao duy nhất.

Sử dụng các điểm tham chiếu đã được thống nhất, Nepal lấy Vịnh Bengal làm mực nước biển chung để đo chiều cao của ngọn núi. Phía Nepal trước đó đã tạo ra một mạng lưới các trạm ngắm để xác định độ cao chính xác.

Chiều cao cuối cùng được thỏa thuận là 8.848,86m. Con số này cao hơn so với phép đo từng được các nhà khảo sát Trung Quốc xác nhận lần cuối vào năm 2005. Nó cũng cao hơn phép đo gần đây nhất của Nepal gần 1 mét.

Santa Bir Lama, chủ tịch Hiệp hội leo núi Nepal cho biết: "Đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử leo núi và sẽ kết thúc cuộc tranh luận về độ cao. Giờ đây thế giới sẽ chỉ có một con số".

Không phải Everest đột nhiên tăng vọt chiều cao. Ngọn núi có cao thêm mặc dù rất chậm. Con số mới nhất này thể hiện những tính toán chính xác nhất về độ cao của Everest nhưng chưa từng được ghi nhận trước đây.

Thiên Long

Cùng chuyên mục
XEM