Trung Quốc tính rót hàng chục tỷ USD giúp Ai Cập xây thủ đô mới
Nhiều ý kiến quan ngại rằng dự án này sẽ đi vào vết xe đổ của các "thành phố ma" quan thủ đô Cairo hiện tại...
Các công ty Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư hàng chục tỷ USD cho "siêu dự án" thủ đô mới nằm ở phía đông thủ đô Cairo của Ai Cập, hãng tin CNN cho biết.
Chính phủ Ai Cập cho biết Tập đoàn bất động sản China Fortune Land Development (CFLD) cam kết đầu tư 20 tỷ USD cho dự án xây thủ đô mới của Ai Cập. Trước đó, một công ty bất động sản quốc doanh khác của Trung Quốc cũng cam kết rót 15 tỷ USD cho dự án này.
Giới chức Ai Cập dự tính thoả thuận cuối cùng sẽ được chốt vào cuối năm 2017.
Ngoài ra, công ty xây dựng quốc doanh China State Construction của Trung Quốc cũng cam kết đầu tư 2,7 tỷ USD để xây dựng văn phòng chính phủ tại thủ đô mới của Ai Cập trong giai đoạn đầu tiên của dự án, tờ Nikkei cho biết.
Ai Cập được đánh giá là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, Nikkei nhận định.
Kế hoạch xây dựng thủ đô mới của Ai Cập được công bố lần đầu vào tháng 3/2015. Theo hãng tin Reuters, thủ đô mới của Ai Cập có tổng chi phí đầu tư dự kiến lên tới 300 tỷ USD, trong đó giai đoạn một chiếm 45 tỷ USD.
“Siêu dự án” này có diện tích 700 km, được xây dựng trên sa mạc nằm ở phía đông Cairo. Chính phủ Ai Cập dự định dịch chuyển cơ quan hành chính sang thủ đô mới để giải quyết tình trạng quá tải, tắc đường và ô nhiễm ở Cairo hiện tại.
Dự kiến, thành phố này sẽ là nơi ở cho 5 triệu người, loạt nhà cao tầng giống của Dubai, hơn 1.000 nhà thờ hồi giáo, làng thông minh, khu công nghiệp, trung tâm hội nghị sức chứa 5.000 người và một công viên lớn nhất thế giới. Ngoài ra, tại đây cũng sẽ có sân bay lớn hơn sân bay Heathrow của London và một toà nhà cao hơn tháp Eiffel của Paris.
Dự án này nhận được quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Một công ty Ấn Độ đang muốn đầu tư xây một trung tâm y tế và đại học quy mô lớn tại đây. Trong khi đó, một công ty khác của Arabia Saudi cũng dự định xây một nhà thờ Hồi giáo và bảo tàng Hồi giáo có diện tích 12,6 hecta.
Hiện tại, dự án này đang trong quá trình xây dựng. Theo hãng thông tấn Al-Ahram của Ai Cập, đội ngũ kỹ sư đã bắt đầu các hạng mục cơ sở hạ tầng gồm nhiều cây cầu và 210km đường bộ. Giai đoạn đầu tiên dự kiến hoàn tất trong 5 năm.
Dù giới chức tỏ ra lạc quan, vẫn có nhiều quan ngại về khả năng “phủ kín” cư dân cho thành phố khổng lồ này. Hiện tại, xung quanh thủ đô Cairo đã có 8 thành phố vệ tinh với kinh phí đầu tư lớn nhưng cư dân thưa sinh sống thưa thớt.
“8 thành phố vệ tinh này lẽ ra phải giải quyết tình trạng quá tải tại thủ đô Cairo hiện tại” David Sims, một chuyên gia quy hoạch đô thị cho biết. “Tuy nhiên những nơi này thường được gọi là thành phố ma”.
Những thành phố vệ tinh đang “đi vào vết xe đổ” của nhau và điều này có thể cũng sẽ xảy ra với thủ đô mới, Sims nhận định.
“Nhà ở tại các thành phố mới này nằm ngoài tầm với và khó tiếp cận đối với phần lớn cư dân Cairo”, Sims co biết. “Ngoài ra, những thành phố mới này quá hiện đại nên không phù hợp với các công ty nhỏ và các hoạt động thông thường vốn là nguồn sống của người dân Ai Cập”.
Theo kiến trúc sư Kareem Ibrahim thuộc tổ chức phi chính phủ Tadamun, Ai Cập đang đi lạc hướng trong chính sách quy hoạch phát triển đô thị.
“Vấn đề muôn thủa của chúng ta là việc quản lý các đô thị hiện tại và việc xây dựng nhiều thành phố mới không phải cách giải quyết vấn đề đó”, ông nói.
Nghiên cứu của Ibrahim chỉ ra rằng khoảng 50% khu vực lân cận thủ đô Cairo không có dịch vụ xử lý rác thải, các dịch vụ công cộng không đáp ứng nhu cầu.
“Mức độ thiếu thốn ở đây thực sự gây sốc”, Ibrahim nói. “Nên chú trọng đầu tư giúp người dân có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ và tiện ích công cộng và tìm cách cải thiện bộ máy quản lý thành phố đang có rồi sau đó mới xây thành phố mới”.
Theo Reuters, người dân Cairo cũng đặt nghi vấn về tính logic của việc thay thế thủ đô 1.000 năm tuổi và chuyển hàng nghìn nhân viên của các cơ quan nhà nước ra một nơi mà hiện tại vẫn là sa mạc.