Trung Quốc thường dùng chiêu nào để ứng phó khi có căng thẳng thương mại?
Những động thái ngăn khách du lịch và du khách Trung Quốc tránh đến Mỹ nhằm tạo ra nhiều tác động lên Washington. Trung Quốc bắt đầu khuyến khích người Trung Quốc không đến Mỹ từ tháng 6/2018.
Ngày 4/6/2019, chính phủ Trung Quốc đưa ra cảnh báo du lịch đối với các công dân Trung Quốc đến Mỹ . Lý do chính phủ Trung Quốc đưa ra cảnh báo trên, theo lý giải của chính Bộ Văn hóa và Du lịch nước này, là do xét đến nhiều rủi ro liên quan đến an ninh, nhiều vụ việc cướp đồ, ăn trộm và tội phạm súng đạn.
Trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cảnh báo nhiều sinh viên Trung Quốc tại Mỹ về khả năng có thể sẽ bị giới chức nhập cảnh Mỹ phân biệt đối xử, đồng thời họ được khuyên nên ngay lập tức liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp.
Số lượng khách Trung Quốc đến Mỹ thực sự giảm trong năm ngoái, mức giảm ghi nhận 5,7% xuống 2,9 triệu người, đây cũng là năm đầu tiên tính từ năm 2003, khách Trung Quốc đến Mỹ giảm. Khi mà căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, Trung Quốc chắc chắn sẽ duy trì áp lực này.
Rõ ràng Bắc Kinh luôn có xu thế hành động như vậy. Dù Trung Quốc chưa bao giờ công khai thừa nhận việc khuyên người dân không đến Mỹ nhằm giành được lợi thế chính trị, thế nhưng Trung Quốc từng dùng khách du lịch để gửi đi thông điệp trong quá khứ.
Quan hệ của Trung Quốc với Hàn Quốc xấu đi vào năm 2017 khi mà Hàn Quốc chấp nhận cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong cùng năm, số lượng khách Trung Quốc đến Hàn Quốc giảm 48,3% xuống 4,16 triệu người. Thêm một số các biện pháp trả đũa có thể kể đến bao gồm việc cấm chiếu phim truyền hình Hàn Quốc và phổ biến nhiều loại sản phẩm giải trí khác.
Doanh nghiệp Hàn Quốc lập tức gặp khó khăn. Doanh số bán ô tô Hyundai tại Trung Quốc, chịu tác động bởi việc người Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc, giảm 31,3% trong khoảng thời gian 1 năm tính đến năm 2017. Thị phần của Samsung Electronics tại thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới giảm từ mức khoảng 8% vào năm 2015 xuống chưa đầy 1% trong năm 2018.
Một số nhà phân tích tin rằng Mỹ có thể đối diện với nhiều hậu quả của cách ứng xử tương tự. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý khởi động lại các vòng đàm phán thương mại trong một cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, thế nhưng thực tế việc có được một thỏa thuận vẫn còn rất xa vời. Nếu các cuộc đối thoại chững lại thêm lần nữa, Tổng thống Trump có thể quay trở lại việc dùng biện pháp mà ông ưa thích: Tăng thuế. Kết quả, Bắc Kinh sẽ phản kháng lại.
Thế nhưng bởi phía Mỹ bán rất ít sản phẩm tiêu dùng tại Trung Quốc, cú sốc thực sự có thể đến từ việc số lượng các khách du lịch Trung Quốc chi tiêu mạnh tay giảm đến Mỹ.
Nghiên cứu gần đây của Wall Street Journal cho thấy rằng tác động từ việc Trung Quốc tẩy chay Mỹ sẽ không thể tác động quá lớn đến ngành du lịch nước này bởi người Trung Quốc chiếm chưa đầy 4% trong tổng số khách du lịch nước ngoài trong năm 2018. Thế nhưng WSJ nhấn mạnh rằng nhiều thương hiệu hàng xa xỉ vốn được khách Trung Quốc ưa chuộng sẽ phải đối diện với tình trạng sụt giảm về doanh số bán hàng, ngoài ra phải kể đến nhiều trường đại học phụ thuộc vào tiền học phí từ sinh viên Trung Quốc.
Bất chấp tác động như thế nào, việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ một nước nào đó cụ thể sẽ vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Với trường hợp Hàn Quốc, chính phủ Trung Quốc luôn cố gắng che giấu bất kỳ dấu hiệu nào phía sau việc tẩy chay. Khách hàng Trung Quốc khi đến cửa hàng hỏi mua điện thoại Samsung đơn giản sẽ được thông báo rằng điện thoại đó đã hết hàng và rằng họ nên mua điện thoại Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc khăng khăng rằng họ không hề tạo ra làn sóng tẩy chay hàng Hàn Quốc, họ tuyên bố rằng nó chỉ là kết quả của hành động cá nhân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chưa từng biết về lệnh cấm nào.