Trung Quốc sử dụng gấu trúc như một chính sách ngoại giao như thế nào?
Gấu trúc đã được Trung Quốc dùng làm quà tặng cho các quốc gia khác từ thế kỷ thứ 7. Tuy nhiên từ thập niên 1980, thay vì tặng đất nước này bắt đầu cho thuê chúng với giá 50.000 USD/tháng/con.
Gấu trúc rất dễ thương, nổi tiếng và rất…đắt đỏ. Chúng đắt đến mức chính phủ Malaysia đã cân nhắc trả 2 chú gấu trúc trưởng thành cho Trung Quốc. Trong thỏa thuận được ký vào năm 2014 bởi thủ tướng Malaysia lúc bấy giờ là Najib Razak, quốc gia Đông Nam Á phải trả cho Trung Quốc 1 triệu USD/năm để thuê 2 chú gấu trúc cho đến năm 2024.
Chính phủ mới của Malaysia, nắm quyền vào tháng 5/2018, đã xem xét lại thỏa thuận này và trong tháng 1/2019, nhà lãnh đạo Mahathir Mohamad đã phải bác bỏ thông tin rằng những chú gấu trúc sẽ bị trả lại cho Trung Quốc sớm hơn dự kiến. Tại sao Malaysia phải trả nhiều tiền như vậy để thuê 2 chú gấu trúc?
Gấu trúc đã được Trung Quốc dùng làm quà tặng cho các quốc gia khác từ thế kỷ thứ 7, khi Võ hậu gửi 2 chú gấu cho Nhật Bản. Truyền thống này xuất hiện trở lại dưới thời Mao Trạch Đông. Nga và Triều Tiên đã được tặng gấu trúc trong chiến tranh lạnh, và Mỹ cũng nhận được một cặp sau chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Nixon vào năm 1972.
Bằng cách trao động vật biểu tượng quốc gia, Trung Quốc muốn thể hiện mối quan hệ chính trị gần gũi với các cường quốc khác, ít nhất là trong quá khứ. Khi Trung Quốc ngày càng phát triển theo hướng tư bản, gấu trúc cũng trở thành một công cụ kinh tế. Thay vì tặng, từ những năm 1980s, đất nước này bắt đầu cho thuê chúng với giá 50.000 USD/tháng/con, với điều kiện những chú gấu trúc và bất cứ đứa con nào của chúng đều thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng được mượn gấu trúc. Kathleen Buckingham và Paul Jepson của Đại học Oxford nhận ra rằng các nước được mượn gấu trúc trùng với các thỏa thuận thương mại mà Trung Quốc đã ký kết ở Scotland, Canada và Pháp. Họ cho rằng gấu trúc là một phần quan trọng để tạo dựng các mối quan hệ ngoại giao sâu sắc và đáng tin cậy giữa các quốc gia.
Tuy nhiên một số người phản đối ý tưởng cho thuê gấu trúc. Khi hai chú gấu trúc được đưa đến sở thú Edinburgh vài năm trước, Ross Minett – giám đốc chiến dịch của một tổ chức từ thiện bảo vệ động vật địa phương – đã cho rằng những chú gấu “đã bị lợi dụng, trở thành quân cờ ngoại giao trong một thỏa thuận thương mại.” Tuy nhiên, bản thân sở thú ở Edinburgh có lẽ sẽ không phản đối ý tưởng này, vì số lượng khách tham quan đã tăng thêm 4 triệu lượt người trong vòng 2 năm kể từ khi những chú gấu trúc đến.
Nhờ một phần áp lực từ Quỹ Động vật hoang dã thế giới, Trung Quốc đã có ý định sử dụng một phần tiền cho thuê gấu trúc để bảo tồn loại vật này. Chưa rõ là quốc gia này đã làm điều đó hay chưa, nhưng số lượng các cơ sở nghiên cứu và bảo tồn gấu trúc đã tăng 4 lần trong 40 năm qua. Tăng kích thước quần thể gấu trúc hoang dã là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Vào năm 1976, toàn thế giới có 1.100 gấu trúc hoang dã, hiện tại con số này mới chỉ tăng thêm hơn 700 cá thể.