Trung Quốc 'phù phép' cho các hàng chục nghìn bốt xét nghiệm Covid: Địa điểm 'muốn quên' của người dân nay thành cửa hàng thực phẩm và trạm nghỉ cho công nhân vệ sinh

05/02/2023 11:14 AM | Xã hội

Chính quyền và cộng đồng ở một số địa phương Trung Quốc đang cùng nhau sắp xếp lại để những cơ sở vật chất này đóng một vai trò mới.

Trung Quốc 'phù phép' cho các hàng chục nghìn bốt xét nghiệm Covid: Địa điểm 'muốn quên' của người dân nay thành cửa hàng thực phẩm và trạm nghỉ cho công nhân vệ sinh - Ảnh 1.

Trung Quốc có hàng chục nghìn bốt xét nghiệm PCR nằm rải rác ở khắp cả nước, từng giúp người dân có thể lấy mẫu chỉ trong 15 phút đi bộ. Giờ đây, khi chiến lược Zero Covid được dỡ bỏ, các thành phố đang phải trả lời câu hỏi rằng nên làm gì với những bốt xét nghiệm này.

Một số đã được các nhà khai thác dỡ bỏ, đưa đến các cơ sở thu mua phế liệu hoặc bán lại trên các trang đồ cũ. Những bốt khác thì lại bị “bỏ quên” trên đường phố. Tuy nhiên, chính quyền và cộng đồng ở một số địa phương đang cùng nhau sắp xếp lại để những cơ sở vật chất này đóng một vai trò mới.

Khi số ca mắc Covid-19 tăng mạnh vào tháng 12, các thành phố từ Thâm Quyến đến Trường Sa đã nỗ lực thay đổi các điểm xét nghiệm và địa điểm phân phối thuốc nhằm giảm áp lực cho bệnh viện. Tại những bốt này, người mắc Covid có thể đến các bốt này để được chẩn đoán và mua thuốc ngay gần nhà.

Trung Quốc 'phù phép' cho các hàng chục nghìn bốt xét nghiệm Covid: Địa điểm 'muốn quên' của người dân nay thành cửa hàng thực phẩm và trạm nghỉ cho công nhân vệ sinh - Ảnh 2.

Bốt xét nghiệm nay đã trở thành quầy hàng thực phẩm.

Theo tính toán từ Goldman Sachs, việc xây dựng các bốt xét nghiệm tốn khoảng 200 tỷ NDT (30,1 tỷ USD), tương đương với GDP của Estonia. Khoản tiền cực kỳ lớn để thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, cùng với đó là nền kinh tế chậm lại, đang tạo ra gánh nặng nợ nần cho các thành phố. Bởi vậy, việc tái sử dụng các cơ sở hạ tầng này có thể giúp họ lại bù đắp một số chi phí.

Tô Châu, thành phố cách Thượng Hải 100 km về phía tây, là địa phương đi đầu trong việc “hồi sinh” những bốt xét nghiệm này. Chính quyền thành phố đã cung cấp khoảng 30 ki-ốt trống miễn phí cho các doanh nhân để chuyển đổi thành quầy đồ thực phẩm và lưu niệm trong khu chợ Tết. Các gian hàng sẽ tiếp tục được sử dụng nhằm thúc đẩy hoạt động tiêu dùng và du lịch.

Ở những nơi khác, các ki-ốt này được chuyển thành thư viện để người dân đến đọc và quyên góp sách. Một số khác thì thành trạm nghỉ ngơi cho công nhân vệ sinh, có cả lò vi sóng và nước nóng để sử dụng. Vài bốt xét nghiệm thậm chí còn thành trạm cứu hoả mini với các thiết bị an toàn. Bên ngoài nhà ga tàu của thành phố, các quan chức Cục Nhân sự và An ninh Xã hội Trung Quốc đã chuyển một dãy ki-ốt thành trung tâm trợ giúp việc làm cho lao động nhập cư.

Trung Quốc 'phù phép' cho các hàng chục nghìn bốt xét nghiệm Covid: Địa điểm 'muốn quên' của người dân nay thành cửa hàng thực phẩm và trạm nghỉ cho công nhân vệ sinh - Ảnh 3.

Bốt xét nghiệm được tân trang lại thành nơi nghỉ ngơi cho các công nhân vệ sinh.

Các thành phố đã rất tích cực thực hiện sự thay đổi này. Trước đây, người dân thường phải xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm. Họ cần phải có mã QR màu xanh lá cây để thể hiện kết quả âm tích với virus trong 48 giờ sau đó mới có thể di chuyển đến những địa điểm khác. Theo chia sẻ của Janice Qu, một bà nội trợ ngoài 40 tuổi, những ki-ốt này gợi lại ký ức buồn về dịch bệnh nên chị rất thích ý tưởng “tân trang lại” và tạo cơ hội kinh doanh cho nhiều người ở đó.

Trung Quốc 'phù phép' cho các hàng chục nghìn bốt xét nghiệm Covid: Địa điểm 'muốn quên' của người dân nay thành cửa hàng thực phẩm và trạm nghỉ cho công nhân vệ sinh - Ảnh 4.

Hàng lưu niệm được bán trong bốt xét nghiệm cũ.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến các thành phố và cảnh quan đường phố bị Covid-19 thay đổi, nhưng quy mô ở đây lại rất lớn. Trong những năm theo đuổi mục tiêu Zero Covid, sự gián đoạn kinh tế và xã hội do những đợt phong toả đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Việc tái sử dụng các bốt xét nghiệm có thể đóng vai trò đáng kể trong kế hoạch hồi phục nhịp sống đô thị và giúp các cộng đồng trở nên lạc quan hơn sau dịch bệnh.

Michele Acuto - giáo sư về chính trị đô thị toàn cầu, cho hay: “Các ki-ốt này được tân trang lại có thể là biện pháp can thiệp rất nhiệt tình và có ý nghĩa lớn, nhất là khi vai trò của chúng không còn là giám sát người dân như trước đây.”

Tham khảo Bloomberg 

Theo Vu Lam

Cùng chuyên mục
XEM