Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP, muốn định hình luật chơi mới: Việc Việt Nam cần làm?

17/09/2021 14:10 PM | Kinh tế vĩ mô

"Hành động đệ đơn gia nhập giúp khẳng định đường lối kinh tế đối ngoại ông Tập Cận Bình vẫn theo đuổi cũng như xoa dịu dư luận trong nước về việc Trung Quốc bị Mỹ bao vây do các chính sách cứng rắn của mình" - TS Phạm Sỹ Thành nói.

"Khả năng thứ nhất, nếu Trung Quốc gia nhập và Mỹ không quay lại thì Trung Quốc sẽ tìm cách đưa CPTPP trở thành một "RCEP bản nâng cấp" - TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong- Trung Quốc, VNUA đã chia sẻ với phóng viên những nhận định về sự kiện Trung Quốc thông báo nước này vừa nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

 TRUNG QUỐC MUỐN ĐỊNH HÌNH LUẬT CHƠI MỚI TRONG THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU

PV: Nếu tham gia vào CPTPP, Trung Quốc sẽ đạt được những lợi ích gì, thưa ông?

TS. Phạm Sỹ Thành: Cuối năm 2020, sau khi hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) với các nước châu Á - Thái Bình dương và Hiệp định Đầu tư toàn diện (CAI) với liên minh châu Âu, chủ tịch Trung Quốc đã nhanh chóng tuyên bố đây là "thời điểm chiến lược đúng đắn" để nước này tích cực cân nhắc gia nhập CPTPP. Nó cho thấy CPTPP mang lại nhiều lợi ích đối nội và đối ngoại cho Trung Quốc.

Về mặt đối nội, trước hết các lợi ích kinh tế và thương mại sẽ được củng cố. Trở thành thành viên của CPTPP có thể mang lại cho Trung Quốc 298 tỷ USD thu nhập quốc dân vào năm 2030, xuất khẩu cũng đồng thời tăng 638 tỷ USD và lượng nhập khẩu tăng tương tự - theo một báo cáo năm 2019 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE). Đặc biệt, nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ có thể mở rộng ảnh hưởng xuất khẩu sang Canada - một cửa ngõ quan trọng để xuất vòng sang Mỹ.

Hành động đệ đơn gia nhập giúp khẳng định đường lối kinh tế đối ngoại ông Tập Cận Bình vẫn theo đuổi cũng như xoa dịu dư luận trong nước về việc Trung Quốc bị Mỹ bao vây do các chính sách cứng rắn của mình. Một số chuyên gia nhận định áp lực đẩy nhanh các chương trình cải cách trong nước cũng là động lực để Trung Quốc tham gia một hiệp định "vượt lên trên thuế quan" như CPTPP.

Về đối ngoại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các thay đổi chính sách đối ngoại quyết liệt và đối nội ngày càng gắt gao đang tạo ra làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Đây là mối đe dọa đối với vị thế của nước này trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Vì thế, vào tháng 7/2021, Bộ Thương mại Trung quốc đã công bố bản quy hoạch phát triển mới, nhấn mạnh việc thắt chặt quan hệ chuỗi cung ứng với các nước láng giềng và tái định hình chuỗi cung ứng khu vực có lợi.

Chúng ta đều hiểu bản chất của FTA là một dạng định hình chuỗi cung ứng mang tính khích lệ cao - doanh nghiệp có xuất xứ hàng hóa từ nước thành viên mới được thuế quan ưu đãi. Vì vậy, nếu càng có nhiều FTA không có sự tham gia của Trung Quốc thì càng có nhiều chuỗi cung ứng mà Trung Quốc dần bị đào thải một cách lý trí. Việc gia nhập CPTPP sẽ giúp Trung Quốc thay đổi điều này, ít nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình dương.

Hơn nữa, trong bối cảnh các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc đang dần chấp nhận những luật chơi có yêu cầu cao hơn so với những gì Trung Quốc đang thông thạo, nếu tham gia CPTPP phần nào đó giúp Trung Quốc định hình luật chơi mới trong thương mại toàn cầu theo cách họ mong muốn.

Sự gắn kết thương mại, đầu tư rõ ràng là một ưu thế ngoại giao cốt lõi - giúp định dạng sức mạnh mềm của Trung Quốc ở khu vực một cách chắc chắn bất chấp những xung đột về lợi ích chính trị và ngoại giao. Trở thành thành viên của CPTPP đương nhiên giúp Trung Quốc giữ được hình ảnh quốc gia thúc đẩy chủ nghĩa thương mại tự do, củng cố ưu thế ngoại giao dẫn đầu tại khu vực đồng thời ngăn Mỹ tập hợp lực lượng để loại bỏ hoặc kiềm chế Trung Quốc trong các luật chơi mới.

"RẤT KHÓ BUỘC TRUNG QUỐC THỰC HIỆN CAM KẾT LIÊN QUAN ĐẾN THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ"

PV:  Các thành viên chính thức của CPTPP bày tỏ thái độ với việc Trung Quốc đệ đơn gia nhập như thế nào thưa ông?

TS. Phạm Sỹ Thành: Trung Quốc là nền kinh tế có quy mô GDP và thương mại lớn thứ hai sau Mỹ, nên sự gia nhập của Trung Quốc về lý thuyết sẽ được hoan nghênh vì nó tạo ra tác động lan tỏa tích cực, bù đắp vào phần bị rút đi của Mỹ trong CPTPP.

Hơn nữa gia nhập CPTPP về nguyên tắc, đã được mở rộng với việc xóa bỏ hạn chế phạm vi địa lý nên nó thuận lợi hơn cho nhiều quốc gia thậm chí bên ngoài khu vực châu Á - Thái Bình dương. Tuy nhiên, trở thành thành viên chính thức sẽ phụ thuộc vào cách thức và thời gian Trung Quốc chấp nhận những điều khoản của CPTPP và phản ứng của các nước thành viên hiện thời.

Những trở ngại khi đàm phán với Trung Quốc không chỉ nằm ở nội dung mà còn cả cách thức Trung Quốc thực hiện các cam kết sau khi đạt được thỏa thuận. WTO là một minh chứng cho thấy rất khó buộc Trung Quốc thực hiện cam kết liên quan đến thương mại và đầu tư. Gần đây nhất, trong Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc vừa được ký kết cuối năm 2020, một số điểm về minh bạch và cởi mở đầu tư đã được Trung Quốc chấp nhận. Nhưng các cam kết này còn xa mới phù hợp với các tiêu chuẩn cao trong CPTTP.

Từ phía các thành viên chính thức, Australia, Canada và Mexico đều có thể là rào cản ở những mức độ khác nhau để Trung Quốc đạt được đủ số phiếu đồng thuận gia nhập CPTPP. Quy chế xem xét các quốc gia bên ngoài gia nhập CPTPP yêu cầu quốc gia đó sẽ phải tham vấn song phương với ít nhất 7 nước thành viên "toàn phần". Trong số bảy nước này có Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada có quan hệ mật thiết với Mỹ. Trong đó, Australia có thể là một ẩn số đối với Trung Quốc do quan hệ căng thẳng giữa hai bên. Australia lại vừa cùng Mỹ và Anh nâng cấp quan hệ hợp tác quốc phòng và công nghiệp thông qua sáng kiến AUKUS.

Hai quốc gia châu Mỹ Canada và Mexico rất có thể sẽ bị Mỹ gây sức ép từ chối sự tham gia của Trung Quốc dựa trên những điều khoản mà Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới (USMCA) vừa được ký lại năm 2018 quy định. Theo đó, không một nước thành viên nào của USMCA được ký kết thương mại với các nền kinh tế "phi thị trường" - Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự thừa nhận tư cách này từ cả Mỹ và châu Âu.

NẾU TRUNG QUỐC GIA NHẬP VÀ MỸ KHÔNG QUAY LẠI?

PV: Nếu Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của CPTPP, Hiệp định này sẽ có những thay đổi như thế nào? 

TS. Phạm Sỹ Thành: Khả năng đáng quan tâm nhất là nếu Trung Quốc gia nhập và Mỹ không quay lại thì Trung Quốc sẽ tìm cách đưa CPTPP trở thành một "RCEP bản nâng cấp".

Đối với Trung Quốc, các FTA 2.0 - quan tâm nhiều hơn đến thể chế, chất lượng – có nhiều bất lợi cho chính sách thương mại của quốc gia này khi các vấn đề trợ giá, các chính sách mua sắm chính phủ ưu ái doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp nhà nước một cách công khai, các vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ v.v. vẫn còn nổi cộm.

Trên thực tế sau khi đã đưa được nhiều thành viên của CPTPP vào một cuộc chơi kiểu cũ là RCEP - hầu như không có bất kỳ ưu điểm gì của FTA 2.0. Việc tranh thủ gia nhập CPTPP tại thời điểm này, khi CPTPP vẫn hoãn thực thi 20 nhóm nghĩa vụ là cách thức được đánh giá hết sức "chiến lược" để Trung Quốc có thể ngăn cản thực thi hoặc thay đổi cách thực thi các nội dung này. Nếu làm được điều đó, chẳng có gì chắc chắn rằng quốc gia này không cố gắng đưa CPTPP về dạng một FTA thông thường.

Nhìn lại các quy định của CPTPP, có thể nhận thấy các thành viên chính thức của Hiệp định này đều có thể điều chỉnh hiệp định nếu nhận được sự đồng ý của tất cả thành viên còn lại. Trên cơ sở đó, quốc gia thành viên có thể tận dụng cơ hội để điều chỉnh các cam kết của mình, mang lại một số tự do hóa thuế quan hoặc loại bỏ/điều chỉnh các dịch vụ và hạn chế đầu tư của riêng mình. Điều này, với những nước như Việt Nam sẽ làm giảm đáng kể động lực cải cách đối ở khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như không khuyến khích việc tăng tính minh bạch và bảo vệ môi trường một cách mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh đó, nếu Mỹ "tái hòa nhập" và Trung Quốc là thành viên mới thì khu vực châu Á - Thái Bình dương có thể chứng kiến sự ra đời của một FTAAP lớn chưa từng thấy. Đó có thể coi là một WTO phiên bản hai. Tuy nhiên, khả năng này được cho là khó xảy ra. Bởi khi được hỏi về việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Joe Biden "đã tỏ rõ rằng ông ấy sẽ không quay trở lại TPP nếu hiệp định này vẫn có nội dung như lúc ban đầu được đưa ra".

VIỆT NAM NÊN LÀM GÌ?

PV: Là một thành viên chính thức của CPTPP, Việt Nam nên có động thái gì trong vấn đề này thưa ông?

TS. Phạm Sỹ Thành: Việt Nam trước hết nên tập trung vào vấn đề cải thiện tỷ lệ tận dụng FTA của mình.

Tính toán của Bộ Công thương cho thấy tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam trung bình chỉ đạt 30%. Con số này là thấp mặc dù có quan điểm cho rằng tỷ lệ này của nhiều nước cũng không cao hơn. Tuy nhiên nếu bóc tách tỷ lệ tận dụng FTA giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thì lợi ích đang không nằm nhiều ở doanh nghiệp nội địa.

Báo cáo đánh giá kết quả hai năm tham gia CPTPP của Việt Nam do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành đang cho thấy bức tranh không sáng sủa cả về thương mại và đầu tư.

 Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP, muốn định hình luật chơi mới: Việc Việt Nam cần làm? - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang tất cả các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2%, thấp hơn mức chung xuất khẩu ra thế giới (8,4%). Cá biệt, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%. Mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác.

Từ góc độ thu hút FDI, năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018. Kết quả này rất đáng thất vọng khi (i) tổng thu hút vốn FDI của Việt Nam từ tất cả các nguồn vẫn tăng 7,2% và (ii) tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác CPTPP vẫn tăng 51,3% trong năm 2019.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tích cực thúc đẩy thực thi các chương đang bị trì hoãn nhằm tạo động lực cho cải cách ở trong nước. Đặc biệt những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng nền kinh tế mà còn cải thiện chất lượng thể chế và thay đổi tư duy tiếp cận với thương mại tự do của những người hoạch định chính sách ở các tầng nấc.

Khi và chỉ khi giải quyết được vấn đề của chính mình ở CPTPP thì những tác động từ việc tham gia hay rời đi của các thành viên trong khối mới ít mang lại tác động xáo trộn với Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!


Thanh An

Cùng chuyên mục
XEM