Trung Quốc "khốn đốn" vì vấn đề dân số, giáo sư Thượng Hải đề xuất chính sách "một vợ nhiều chồng"
Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực đảo ngược sự thiếu cân bằng giới tính nghiêm trọng gây ra bởi chính sách một con và đang khuyến khích các cặp đôi sinh nhiều con hơn.
Đề xuất lạ
Chính quyền Trung Quốc nói sinh 2 con là "nghĩa vụ yêu nước" của các đôi vợ chồng. Nếu sinh thêm con, người dân sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, chi phí nhà ở, con cái được hưởng học phí rẻ hơn và cha mẹ được nghỉ sinh lâu hơn. Ngoài ra, việc ly hôn và phá thai cũng trở nên phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, những biện pháp này không đem lại hiệu quả như ý. Tỉ lệ sinh ở Trung Quốc vẫn ở mức rất thấp, tiềm ẩn một sự khủng hoảng nhân khẩu học có thể làm trì trệ sự phát triển kinh tế trong nhiều thập kỉ tới.
Mới đây, ông Yew-Kwang Ng, một giáo sư kinh tế tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đã đưa ra một giải pháp "hiệu quả" nhưng đặc biệt gây tranh cãi là cho phép phụ nữ cưới nhiều chồng, và theo đó sẽ sinh thêm nhiều con hơn.
"Tôi sẽ không đề xuất chính sách đa phu nếu tỉ lệ giới tính không bị mất cân bằng nghiêm trọng như vậy. Tôi không khuyến khích đa phu, tôi chỉ gợi ý rằng chúng ta có thể cân nhắc tới lựa chọn đó trong bối cảnh tỉ lệ giới tính ở Trung Quốc đang trở thành vấn đề lớn đối với quốc gia này," ông nói.
Trong 36 năm qua, Trung Quốc đã áp dụng chính sách một con và chỉ có một số ngoại lệ đặc biệt, ví dụ như nếu cặp vợ chồng sống ở khu nông thôn, con đầu lòng là gái hoặc là con trai nhưng bị khuyết tật bẩm sinh. Đây là một phần trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mức sống của người dân.
Chính sách này đã có hiệu quả. Trung Quốc ngày hôm nay có 1,4 tỉ dân, trong đó có khoảng 100 triệu người là con một, dưới 40 tuổi. Tuy nhiên, do xu hướng thích con trai - và việc phá thai nếu biết là giới tính nữ - đã khiến số lượng nam giới tăng vọt và số nam nhiều hơn nữ tới 34 triệu người.
Đây là vấn đề lớn. Nhưng không chỉ có vậy, phụ nữ thời hiện đại còn có xu hướng trì hoãn hôn nhân, chỉ sinh một con - hoặc không sinh con - và điều đó trở thành "quả bom về nhân khẩu học".
Dân số Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt đỉnh 1,45 tỉ dân vào năm 2027, và sau đó sẽ liên tục giảm trong một thời gian dài. Khoảng 1/3 dân số sẽ già hơn 65 tuổi vào năm 2050.
Đảo ngược chính sách "một con"
Năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu đảo ngược chính sách một con, nhưng gần như không đạt được bất kì hiệu quả nào. Nữ giới ngày càng muốn tự gây dựng sự nghiệp, và nhiều người thà đầu tư hết các nguồn lực để cho một con còn hơn chia sự quan tâm và đầu tư cho hai con trở lên.
Do đó, giáo sư Ng cho rằng số lượng nam giới "dư thừa" có thể lựa chọn một giải pháp cho riêng họ.
"Nếu hai người đàn ông cùng tự nguyện cưới 1 người vợ và người phụ nữ này cũng đồng ý, vậy thì xã hội đâu có lí do gì để cấm họ?" - ông Ng nói. Ngoài ra, giáo sư này còn nhắc tới việc đa thê là một phong tục phổ biến từ thời xưa và hiện nay một số dòng Hồi giáo vẫn duy trì văn hóa này.
"Tôi không phủ nhận lợi thế của cuộc hôn nhân hai người, ví dụ như nó sẽ mang lại mối quan hệ lâu dài và đem lại lợi ích cho sự phát triển và giáo dục của trẻ nhỏ. Nhưng xét trên sự mất cân đối trong tỉ lệ giới tính ở Trung Quốc, có lẽ cho phép hợp pháp hóa đa phu là chuyện cần thiết".
"Làm cơm cho ba chồng cũng không tốn thời gian hơn làm cơm cho hai chồng là mấy," ông nói.
Bài viết của ông Ng đã gây chấn động mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều phụ nữ trên Weibo đã phản ứng gay gắt với đề xuất này.
"Nó khiến tôi buồn nôn," một người nói và tự hỏi tại sao ông Ng không đặt bản thân vào vị trí của người phụ nữ.
"Tôi cảm thấy sốc vì những gì ông ấy nói. Đây là năm 2020 sao?" - một người khác viết.
"Tôi nghĩ rằng ông ta đang muốn hợp pháp hóa nô lệ tình dục" - một người dùng bức xúc lên tiếng.
Tuy nhiên, giáo sư Ng vẫn tiếp tục đưa ra các quan điểm mới. Ông cho biết trong bài viết tiếp theo, ông sẽ đề xuất hợp pháp hóa ngành mại dâm để "giải quyết nhu cầu của nam giới" ở Trung Quốc giữa bối cảnh việc tìm kiếm người kết hôn ngày càng trở nên khó khăn ở nước này.