Trung Quốc đã giành lại "chất xám" từ Mỹ như thế nào?
Khi giấc mơ Mỹ bị mài mòn bởi cuộc sống xứ người, khát khao trở về cùng tương lai xán lạn ở quê nhà khiến du học sinh Trung Quốc chọn về nước.
Nhiều năm trước, Wang Yi mang theo giấc mơ Mỹ rời Trung Quốc. Tốt nghiệp ĐH Princeton danh tiếng, anh đầu quân cho Google, sống trong căn hộ rộng rãi ở thung lũng Silicon.
Nhưng vào một ngày năm 2011, anh bỗng ngồi xuống nói chuyện với vợ về mong muốn trở về Trung Quốc. Wang đã chán công việc làm giám đốc sản phẩm cho gã khổng lồ tìm kiếm và khát khao tự mở công ty ngay tại quê nhà.
Tuy nhiên, việc thuyết phục rời bỏ California xinh đẹp để chuyển đến Thượng Hải sương mù không hề dễ.
"Chúng tôi vừa phát hiện tin cô ấy mang thai. Hai vợ chồng trải qua nhiều tuần khó khăn trước khi đưa ra quyết định. Cuối cùng, tôi cũng thuyết phục được vợ", Wang Yi, một doanh nhân thành đạt ở tuổi 37, nhớ lại.
Wang Yi quyết định từ bỏ công ty lớn ở Mỹ, về nước khởi nghiệp. Ảnh: Bloomberg |
Sự trở về của 'rùa biển'
May mắn, canh bạc này không khiến vợ chồng Wang thất vọng. Tháng 7 năm ngoái, ứng dụng dạy học tiếng Anh Liulishou của anh đạt doanh thu 100 triệu USD. Wang trở thành một trong những cựu thành viên thung lũng Silicon thành công nhất tại Trung Quốc.
Wang Yi không phải là người duy nhất đưa ra quyết định khiến những ông lớn công nghệ như Facebook, Google hay Alphabet lo lắng.
Những nhân tài Trung Quốc học tập tại Mỹ trở về quê hương trở thành lực lượng quan trọng giúp các công ty nội địa vươn mình ra thế giới. Họ đồng thời đóng vai trò chủ chốt trong tham vọng thống trị kỷ nguyên công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học của nước này.
Trước đây, phần lớn du học sinh Trung Quốc tại những trường danh tiếng cố bám lấy xứ cờ hoa sau khi tốt nghiệp. Ngày nay, thế hệ trẻ lại hướng tới cơ hội phát triển ở quê nhà khi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm dồi dào hơn và chính phủ sẵn sàng chi tiền cho các nghiên cứu tiên tiến.
Số lượng du học sinh Trung Quốc về nước sau khi tốt nghiệp tăng nhanh chóng trong vòng 4 năm trở lại đây. Ảnh: Bloomberg. |
"Ngày càng nhiều nhân tài muốn về nước vì Trung Quốc thực sự đang đà phát triển trong lĩnh vực đổi mới. Tất cả mới chỉ bắt đầu", Ken Qui, chuyên gia săn chất xám đồng thời là người phụ trách mảng công nghệ của công ty tư vấn Spencer Stuart (Mỹ), nhận định.
Trở về nước sau thời gian học tập, làm việc ở nước ngoài, lực lượng tinh nhuệ này được gắn mác "rùa biển". Các công ty danh tiếng trong nước như Tencent, Toutiao dần chiếm ưu thế trong cuộc chiến giành người tài với các ông lớn công nghệ ở Mỹ.
Ngoài Wang Yi, Qi Lu, cựu nhân viên Microsoft cũng lựa chọn về nước làm việc cho Baidu, phụ trách mảng AI, trở thành một trong những người trở về trứ danh nhất.
Qi Lu về nước đầu quân cho Baidu - "Google của Trung Quốc". Ảnh: Bloomberg. |
Sự ra đời của tập đoàn Alibaba là chất xúc tác cho lựa chọn của rất nhiều "rùa biển". Năm 2014, gã khổng lồ thương mại điện tử này thành công, trở thành tập đoàn hàng đầu trong nước và là một trong số 10 công ty có giá trị nhất thế giới, sánh ngang Amazon.
Cùng với đó, chính sách hạn chế người nhập cư của Tổng thống Donald Trump cũng thúc đẩy quá trình người tài Trung Quốc về quê lập nghiệp.
Theo cuộc khảo sát 1.821 người do Trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa phối hợp trang tuyển dụng Zhaopin tiến hành năm 2017, công nghệ là lĩnh vực hút "rùa biển" nhất khi chiếm tới 15,5% tổng người trở về, tăng 10% so với năm 2015.
Số du học sinh, chủ yếu từ Mỹ, về nước năm 2016 là 432.500 người, tăng 22% so với năm 2013.
Cuộc chiến giành chất xám
Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn rời bỏ thung lũng Silicon. Báo cáo của LinkedIn cho thấy trong số hơn 850.000 kỹ sư AI ở Mỹ, người Trung Quốc chiếm 7,9%, một con số khá cao khi người Trung chỉ chiếm chưa đến 1,6% dân số nước Mỹ. Số kỹ sư AI người Trung trong nước vẫn ít hơn ở Mỹ.
Ở khía cạnh khác, việc tìm kiếm người hồi hương thúc đẩy sự phát triển của ngành nhân sự.
Trong 3 năm qua, chuyên gia tuyển dụng Jay Wu đã tìm kiếm được hơn 100 kỹ sư cho các công ty Trung Quốc. Ông điều hành nhiều cộng đồng người Trung trên mạng trước khi đồng sáng lập công ty Global Career Path. Ông tận dụng WeChat để tạo nên mạng lưới du học sinh người Trung Quốc, mở đường cho sự trở về của họ.
Số người Trung Quốc làm việc tại Silicon khá lớn. Ảnh: Bloomberg. |
Mặc dù chính sách quản lý Internet của chính quyền Bắc Kinh khiến không ít du học sinh băn khoăn, các ông lớn công nghệ nước này vẫn có 3 lợi thế để thu hút nhân tài: Tiền lương tăng nhanh chóng, cơ hội phát triển và cảm giác ở nhà.
Thị trường Internet Trung Quốc đang trong giai đoạn bong bóng, nhiều lần vượt mặt Mỹ. Một nhà khởi nghiệp nhận định việc thuê được kỹ sư AI mang lại lợi nhuận khoảng 30 triệu USD trong vòng 4 năm.
Công ty Trung Quốc cũng chủ động tìm đến những kỹ sư không muốn từ bỏ cuộc sống tiện nghi ở Mỹ bằng cách xây dựng phòng thí nghiệm tại thung lũng Silicon.
Đương nhiên, cơ hội nghề nghiệp vẫn phong phú hơn nếu nhân tài chọn về nước. Ngoài ra, dù biểu hiện tốt, kỹ sư gốc Trung vẫn vướng rào cản, khó thăng tiến khi làm việc tại Silicon. Người ta dùng thuật ngữ "tấm trần tre" để hình dung hiện tượng này.
"Ngày càng nhiều kỹ sư người Trung làm việc lâu năm ở Silicon xem xét đến việc đầu quân cho công ty nước nhà. Họ bắt đầu băn khoăn giữa ở lại hay trở về", HansTung, quản lý tại công ty đầu tư GGV, cho biết.
Người Trung Quốc khó được giao vị trí quan trọng trong công ty lớn ở Mỹ. Ảnh: Bloomberg. |
Con số 751 triệu người dùng Internet tại Trung Quốc quả thực có sức hấp dẫn lớn đối với kỹ sư người Trung ở hải ngoại. Họ vốn có tài và khát khao thử nghiệm ý tưởng mới, do đó, khó cưỡng lại sự cuốn hút từ kho dữ liệu cùng vốn đầu tư lớn tại quê nhà.
Năm 2010, Xu Wanhong hoàn thành chương trình tiến sĩ tại ĐH Carnegie Mellon và gia nhập Facebook. 5 năm sau, anh tình cờ gặp đoàn tham quan từ nhóm startup công nghệ UCAR từ Trung Quốc và bắt đầu trao đổi qua mạng rồi dần hướng về quê hương.
Hiện tại, Xu làm việc cho Kuaishou, công ty dịch vụ video trị giá khoảng 3 tỷ USD cách Bắc Kinh khoảng 20 km. Bản thân anh không khó đưa ra quyết định vì từ đầu, Xu Wanhong đến Mỹ để tìm kiếm những thử thách trong lĩnh vực công nghệ, hoàn toàn không chú trọng đến tiện nghi cuộc sống.
Với nhiều người khác, quyết định trở về liên quan lớn yếu tố con người. Dù phát triển đến đâu, công nghệ vẫn không thể xóa bỏ sự thật rằng Thượng Hải cách San Francisco đến 11 giờ bay cùng khoảng cách văn hóa khác biệt tồn tại giữa hai nơi.
Yang Shuishi lớn lên ở Trùng Khánh. Anh sang Mỹ, học cách chấp nhận lối sống ở đây với cái tên rất Tây - Seth. Yang có công việc mơ ước ở Microsoft trước khi chuyển qua Google và Facebook.
Đáng tiếc, dù chuyển đến đây, giấc mơ Mỹ vẫn không đủ khỏa lấp nỗi cô đơn trong anh. Sau một thời gian dài chịu đựng, Yang về nước.
"Tôi từng làm việc như một bánh răng trong cỗ máy khổng lồ, không có cơ hội để chiêm ngưỡng những bức tranh lớn hơn. Trong khi đó, bạn bè tôi về nước và được phép nghĩ tới những điều lớn lao như xu hướng xã hội, sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, tôi về. Dù có thể sẽ tổn thọ 10 năm vì sự ô nhiễm ở quê nhà, tôi vẫn cảm thấy tốt hơn sống tha hương ở Mỹ", Yang Shuishi tâm sự.