Trung Quốc có thể đang bí mật sở hữu 2 siêu máy tính mạnh nhất thế giới

29/10/2021 11:00 AM | Công nghệ

Cả hai hệ thống siêu máy tính của Trung Quốc đều đã phá vỡ "rào cản exascale" trong các thử nghiệm bí mật, nhưng không hề được công bố thông tin ra cộng đồng.

Theo báo cáo mới từ Next Platform, Trung Quốc đã chế tạo được những cỗ máy có thể phá vỡ "rào cản exascale" trong các quá trình thử nghiệm kín. Nguồn tin được chia sẻ trong báo cáo cho biết một thiết bị tại Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia (còn được gọi là Sunway Oceanlite) đặt ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, đã ghi được số điểm cao nhất là 1,3 exaFLOPS (theo tiêu chuẩn Linpack) vào đầu tháng 3 năm nay.

Một hệ thống khác, Tianhe-3, được cho là đã đạt được số điểm gần như tương tự, nhưng không rõ chính xác thời điểm diễn ra thử nghiệm. Mặc dù có rất ít thông tin về kiến ​​trúc của cỗ máy ở Vô Tích, nhưng Tianhe-3 được biết đến là có thiết kế dựa trên những con chip do công ty Trung Quốc có tên Phytium phát triển, với kiến trúc được thúc đẩy bởi một máy gia tốc ma trận.

"Exascale" là khái niệm để nói về khả năng xử lý ít nhất 1 exaFLOPS của hệ thống máy tính, tức là 1 tỷ tỷ phép tính mỗi giây. Như vậy, nếu thông tin trên là chính xác, cả hai siêu máy tính của Trung Quốc đều đã phá vỡ rào cản này.

Tuy nhiên, cả hai đều không có tên trong danh sách Top 500 siêu máy tính toàn cầu. Lý do được cho là vì các nhà phát triển của chúng không muốn các nhà thầu phụ của đối tác gặp rắc rối với chính phủ Mỹ.

Trung Quốc có thể đang bí mật sở hữu 2 siêu máy tính mạnh nhất thế giới - Ảnh 1.

Tianhe-2A, siêu máy tính được công bố gần nhất của Trung Quốc.

Kỉ lục về siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện do một cỗ máy của Nhật Bản, Fugaku, nắm giữ. Nó đã giành được vị trí đứng đầu này vào tháng 6/2020 với số điểm 416 petaFLOP (hoặc 0,416 exaFLOP), gần gấp ba lần hiệu suất cao nhất của thiết bị dẫn đầu trước đó, IBM Summit.

Kể từ đó tới nay, vị trí dẫn đầu của Fugaku đã được củng cố với việc bổ sung thêm 330.000 lõi, nâng hiệu suất lên 442 petaFLOPS. Tuy nhiên, nếu các báo cáo là chính xác, cả Tianhe-3 và cố máy ở Sunway Oceanlite đều vượt xa người dẫn đầu hiện tại gần như gấp ba lần.

Sự xuất hiện của các siêu máy tính exascale dự kiến ​​sẽ mở ra một loạt cơ hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, mức hiệu suất này sẽ đẩy nhanh thời gian khám phá và nghiên cứu trong các lĩnh vực như y học lâm sàng và gen, vốn đòi hỏi lượng lớn sức mạnh tính toán để tiến hành mô hình phân tử và giải trình tự bộ gen.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực đa ngành khác cũng sẽ nhận được những bước chuyển đổi với sự xuất hiện của điện toán exascale. Khả năng phân tích bộ dữ liệu ngày càng lớn sẽ cải thiện khả năng của các mô hình AI, cho phép đưa ra các dự báo chính xác để có thể được áp dụng trong hầu hết mọi bối cảnh, từ an ninh mạng đến thương mại điện tử, sản xuất, hậu cần, ngân hàng và hơn thế nữa.

Trung Quốc có thể đang bí mật sở hữu 2 siêu máy tính mạnh nhất thế giới - Ảnh 2.

Siêu máy tính Frontier chưa ra mắt, nhưng nó được nhiều công ty lớn của Mỹ hậu thuẫn.

Trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành vị trí tối cao về lĩnh vực AI, sự xuất hiện của hai hệ thống có khả năng vượt rào exascale ở Trung Quốc trước khi Mỹ có thể ra mắt cỗ máy exascale sắp tới của riêng mình (mang tên Frontier), sẽ là một cú hích đối với chính quyền Biden. Càng đặc biệt hơn khi chúng được xây dựng trên nền tảng công nghệ riêng của Trung Quốc.

NextPlatform cho biết họ lấy thông tin từ một nguồn từ Mỹ, người biết những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một số yếu tố cần xem xét. Hiệu suất mục tiêu của siêu máy tính Frontier khi ra mắt là khoảng 1,5 TFLOPS, cao hơn gần 50% khi so sánh với hiệu suất bền vững của các siêu máy tính exascale của Trung Quốc. Hơn nữa, Frontier dự kiến ​​tiêu thụ khoảng 30 MW điện, trong khi một trong những đối thủ của nó ở Trung Quốc có mức tiêu thụ điện khoảng 35 MW. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các nhà phát triển Trung Quốc sử dụng các kiến ​​trúc hiện có được phát triển cho các hệ thống và khối lượng công việc quy mô PetaFLOPS, và đây là tiêu chuẩn có thể không tối ưu trong tương lai.

Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM