Trump University - cú lừa thế kỷ: Bỏ 35.000 USD để xem Trump… qua màn hình, sớm phải đóng cửa trường vì bị kiện khắp nơi

11/11/2020 08:28 AM | Kinh doanh

Bỏ hàng nghìn USD để trở thành “Trump thứ hai”, nhưng học viên nhận lại hàng loạt “cú lừa”: Trump chỉ có trên màn ảnh, học thì ít nhưng bán khóa học khác thì nhiều…

Từ "mượn danh" thành "chính chủ"

Michael Sexton là một chuyên gia tư vấn kinh tế, sau khi nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Tuck, ông có mong muốn "mượn danh" Donald Trump để mở các khóa học bất động sản trực tuyến vào năm 2004.

Có thể dễ dàng lý giải cho việc này vì Sexton chỉ là một doanh nhân không có kinh nghiệm bất động sản gì ngoài việc đã một lần tự kiếm và mua nhà cho chính mình.

Sau khi nghe Sexton trình bày, Trump lập tức có ý định khác: Ông sẽ trực tiếp đầu tư cho "Đại học Trump", và Sexton sẽ trở thành cổ đông chiến lược. Theo lời kể của Sexton, Trump "nghĩ rằng đây là một mô hình hay, sẵn sàng bỏ tiền đầu tư vào nó."

Đại học Trump - cú lừa thế kỷ: Bỏ 35.000 USD để xem Trump… qua màn hình, chờ đến chết cũng chưa được bồi thường - Ảnh 1.

Đến cuối năm 2004, Trump, Sexton và Jonathan Spitalny (một doanh nhân có công kết nối hai người) là ba cái tên đứng ra thành lập "Đại học Trump" - một doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn có trụ sở tại New York với 93% cổ phần thuộc về Donald Trump.

Đến tháng 5 năm 2005, khóa học đầu tiên của Đại học Trump được lên sóng.

Theo một báo cáo, Trump mạnh tay chi đến 2 triệu USD cho trường Đại học này từ những ngày đầu và Sexton được trả 250.000 USD mỗi năm để vận hành, thêm vào đó là 4,5% cổ phần của trường.

Mong ước cao cả của Đại học Trump

Trong buối khai mạc, Trump tự hào tuyên bố: "Nếu phải chọn giữa việc kiếm thật nhiều tiền và truyền tải kiến thức, tôi vẫn sẽ hạnh phúc khi được chia sẻ kiến thức, hệt như lúc kiếm được thật nhiều tiền."

Theo tờ Washington Post, một phần trong đoạn quảng cáo về Đại học Trump có đề cập: "Ngài tỷ phú đã kiếm đủ tiền, và giờ đây, ông sẽ sử dụng bộ não thiên tài của mình cho những người yếu thế."

Khi vấn đề "học phí cắt cổ" được đưa ra bàn tán, diễn giả của Đại học Trump đã trấn an học viên rằng số tiền này sẽ không đi vào túi riêng của Trump, mà nó sẽ "giúp bạn có thêm động lực học tập."

Đại học Trump - cú lừa thế kỷ: Bỏ 35.000 USD để xem Trump… qua màn hình, chờ đến chết cũng chưa được bồi thường - Ảnh 2.

Khởi đầu với chỉ vài khóa học trực tuyến, Đại học Trump nhanh chóng mở nhiều buổi hội thảo trực tiếp với những giảng viên được quảng cáo là "đích thân Trump lựa chọn".

Phần lớn buổi hội thảo sẽ xoay quanh chủ đề đầu tư bất động sản, nhất là về những căn nhà bị ngân hàng thu hồi, với lời hứa của Trump: "Tôi có thể biến bất cứ ai trở thành nhà đầu tư thành công, ngay cả bạn!"

Sự thật đằng sau…

Nhưng song song với những kiến thức đầu tư đó là hàng loạt lời mời chào tham gia "Lớp nâng cao" với mức giá 1.500 USD cho một buổi hội thảo, và đặc biệt là chương trình "Gold Elite" với học phí 35.000 USD.

Đã có hơn 7.600 khóa học trên được bán ra, trong đó hơn 6.000 vé hội thảo 1.500 USD và 1.000 vé tham gia các khóa học Elite, Vàng, Bạc… với giá từ 10.000 USD đến 35.000 USD.

Đại học Trump - cú lừa thế kỷ: Bỏ 35.000 USD để xem Trump… qua màn hình, chờ đến chết cũng chưa được bồi thường - Ảnh 3.

Không những thế, một hợp đồng cộng tác giữa Đại học Trump và diễn giả Steven Goff đã tiết lộ mức hoa hồng lên đến 10% cho mỗi "khóa học thêm" được bán trong lúc Steven giảng dạy, một yếu tố biến mọi "diễn giả" thành "người bán hàng".

Một nhân viên tên Schnackenberg đã tiết lộ với tòa án: "Đại học Trump chỉ muốn bán được khóa học càng đắt càng tốt cho người tham dự. Dựa trên kinh nghiệm làm việc tại đây, tôi tin rằng Đại học Trump là một tổ chức lừa đảo, nhắm vào túi tiền của người già và người thất học."

Bộ trưởng tư pháp New York còn đặt nghi vấn Trump đã "bỏ túi" ít nhất 5 triệu USD từ những khóa học trên.

Thêm vào đó, trong khi Trump luôn tuyên bố rằng 98% học viên đánh giá tích cực về chương trình, hàng loạt cựu học viên đã trả lời phỏng vấn rằng họ phải nộp bảng đánh giá trước khi nhận được chứng chỉ hoàn thành khóa học, khiến gần như không ai dám "nói xấu" Đại học Trump.

Vấp phải sự phản ứng dữ dội, vào tháng 6 năm 2010, cái tên "Đại học Trump" đã bị khai tử và chương trình đào tạo cũng nhanh chóng lụi tàn sau đó.

Kết quả phũ phàng

Đại học Trump - cú lừa thế kỷ: Bỏ 35.000 USD để xem Trump… qua màn hình, chờ đến chết cũng chưa được bồi thường - Ảnh 4.

Như đề cập ở trên, Trump tuyên bố rằng đã "đích thân lựa chọn" giảng viên trong quảng cáo. Nhưng khi trình bày với tòa án vào năm 2012, Trump khẳng định rằng mình chưa bao giờ lựa chọn ai.

Trên thực tế, Trump còn không nhúng tay vào hoạt động của "Đại học Trump" mà chỉ thu hình đúng vài đoạn quảng cáo và một video hướng dẫn, được trình chiếu trước mỗi buổi hội thảo.

Không những thế, nhiều cựu học viên còn cho rằng: "Không một chiến thuật hay kỹ năng đầu tư nào của Trump được trình bày trong hội thảo, nội dung được trình bày chủ yếu được soạn thảo bởi một đối tác thứ 3, chuyên thực hiện những buổi hội thảo tạo động lực."

Và điều đáng buồn nhất là những học viên đã bỏ cả gia sản của mình chỉ vì tin thương hiệu Trump, nhưng khoảng cách gần nhất mà họ đến được Donald Trump chính là… tấm ảnh khổ lớn được đặt trong hội trường.

Đại học Trump - cú lừa thế kỷ: Bỏ 35.000 USD để xem Trump… qua màn hình, chờ đến chết cũng chưa được bồi thường - Ảnh 5.

Tính đến lúc nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, "Đại học Trump" đứng trước ít nhất 3 vụ kiện lớn, buộc Trump phải nhanh chóng thương thảo và chi trả 21 triệu USD cho các học viên đã nộp đơn kiện lên tòa án San Diego, 3 triệu USD khác cho các học viên tại New York, và 1 triệu USD cho chính quyền New York vì đã sử dụng danh nghĩa "Đại học" khi không có chứng chỉ thành lập.

Đến năm 2018, một số học viên lớn tuổi của "Đại học Trump" đã qua đời trước khi nhận lại được khoản tiền đền bù.

Ngoài ra, Trump còn liên quan tới hơn 3.500 vụ kiện khác vào thời điểm nhậm chức, trở thành vị tổng thống "vướng vòng lao lý" nhiều nhất nước Mỹ.

Thanh Sang

Từ khóa:  trump , donald trump
Cùng chuyên mục
XEM