Trong thời gian Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán, thế giới có những sự kiện tài chính nào đáng chú ý?
Hàng loạt dữ liệu về hoạt động kinh doanh, số liệu lạm phát trên toàn cầu và trần nợ công tại Mỹ sẽ được công bố trong tuần từ ngày 23-27/1 tức mùng 2 đến mùng 6 Tết đang được nhà đầu tư mong chờ.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ - một lần nữa lại chạm giới hạn nợ công, làm giảm niềm tin vào khả năng giữ vững tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh. Cũng trong tuần tới, nhiều công ty tên tuổi nhất thế giới sẽ công bố kết quả kinh doanh; Nhật Bản, New Zealand và Úc công bố dữ liệu về lạm phát… là những dữ liệu mà thị trường chứng khoán toàn cầu đang ngóng chờ.
Dưới đây là những sự kiện kinh tế - tài chính quốc tế đáng chú ý nhất trong tuần tới:
1/ Mỹ nguy cơ vỡ nợ
Chính phủ Mỹ đã chạm giới hạn vay nợ 31,4 nghìn tỷ USD trong bối cảnh Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát và Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden tranh cãi về việc nâng trần nợ quốc gia - một bế tắc có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính hoặc tệ nhất là vỡ nợ trong vòng vài tháng.
Hậu quả ngay lập tức có thể được hạn chế, nhưng rủi ro sẽ xuất hiện vào tháng 6, khi chính phủ tiến gần đến ngày mà Bộ Tài chính có thể sẽ sử dụng hết các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.
Các cuộc đấu tranh lập pháp về giới hạn nợ trong thập kỷ qua phần lớn đã được giải quyết trước khi chúng làm tổn thương thị trường. Nhưng một bế tắc kéo dài trong năm 2011 đã khiến S&P lần đầu tiên hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ.
Chỉ số hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (credit default swaps - CDS) của Mỹ - một công cụ được sử dụng để bảo đảm chống lại tình trạng vỡ nợ - đã đạt mức cao nhất một thập kỷ trong những ngày gần đây.
2/ Các công ty lớn báo cáo kết quả kinh doanh
Kết quả kinh doanh của các công ty siêu vốn hóa sẽ kiểm tra khả năng phục hồi vững chắc của các cổ phiếu công nghệ trong năm mới.
Microsoft, công ty lớn thứ hai của Mỹ tính theo giá trị thị trường, sẽ báo cáo kết quả kinh doanh vào thứ Ba (24/1), tiếp theo là Tesla của Elon Musk vào thứ Tư (25/1) - và đó chỉ là màn khởi động cho hàng loạt những báo cáo tiếp theo. Apple, công ty hàng đầu của Mỹ và là công ty mẹ của Google, sẽ báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần sau đó. Tóm lại, các công ty trị giá hơn một nửa giá trị thị trường của S&P 500 sẽ báo cáo kết quả kinh doanh trong hai tuần tới.
Mùa báo cáo kết quả thu nhập năm 2022 đã có một khởi đầu ảm đạm. Theo dữ liệu của Refinitiv IBES, các công ty thuộc S&P 500 dự kiến sẽ giảm tổng thể 2,6% thu nhập trong quý 4/2022 so với cùng kỳ năm trước.
Các chất xúc tác khác thúc đẩy thị trường có thể đến từ dữ liệu kinh tế, bao gồm doanh số bán nhà mới của Mỹ (sẽ công bố vào thứ Năm, 26/1) và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (vào thứ Sáu, 27/1).
3/ Chứng khoán toàn cầu đã thực sự qua cơn bĩ cực?
Giai đoạn cổ phiếu toàn cầu sụt giảm đã kết thúc hay chưa? Có nhiều lý do để lạc quan về thị trường này. Hiện tại, chứng khoán toàn cầu vẫn thấp hơn gần 20% so với mức cao kỷ lục vào tháng 1 năm 2022. Nhưng chỉ số chứng lao xuống mức đáy vào tháng 10 năm ngoái, khi các nhà giao dịch đặt cược vào các điều kiện kinh tế đang được cải thiện.
Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào các chỉ số quản lý mua hàng để xác định quan điểm của các giám đốc điều hành về môi trường kinh doanh, để xem liệu nền kinh tế toàn cầu có thực sự hướng đến một nơi nào đó ít ảm đạm hơn hay không.
Chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu của JPMorgan trong tháng 12 nằm dưới ngưỡng 50 điểm – ngưỡng phân định giữa tăng và giảm. Chỉ số này hiện ở mức 48,2, chỉ cao hơn chút xíu so với mức thấp nhất, chạm tới vào ngày 29/11.
Thị trường chứng khoán có cơ sở để kỳ vọng về chỉ số PMI của các nền kinh tế trên toàn cầu – hiện đang có xu hướng tăng một cách khá bền vững. Những cải thiện trong chỉ số PMI của các nền kinh tế phát triển có thể sẽ làm tăng nhu cầu đối với các tài sản rủi ro cao. Một đợt suy thoái khác có thể khiến thị trường quay trở lại xu hướng giảm điểm.
4/ Hàng loạt các dữ liệu về lạm phát
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vừa gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới thị trường trái phiếu: hãy ngừng đánh cược rằng việc kích thích kinh tế sắp kết thúc.
Nhưng dữ liệu lạm phát của Nhật Bản có thể thúc đẩy hiện tượng đầu cơ trên thị trường. Lạm phát tháng 12 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ trên toàn quốc, cao gấp đôi mục tiêu 2% của BOJ. Dữ liệu lạm phát tháng 1 của Tokyo – được công bố vào ngày 27/1 – có thể sẽ còn cao hơn nữa.
Trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản vẫn giảm sau quyết định của BOJ về việc giữ chính sách tiền tệ nguyên hiện trạng, thị trường tiền tệ lại cho thấy một câu chuyện khác. Đồng yên đã giảm sâu vào đúng ngày người mua đưa ra quyết định, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hiện ở mức cao nhất trong bảy tháng.
Vào thứ Tư tới (15/1), hãy chú ý đến dữ liệu lạm phát của Úc và New Zealand, với việc Ngân hàng trung ương New Zeland (RBNZ) đang cân nhắc sẽ thắt chặt tiền tệ thêm bao nhiêu nữa. Và RBA tự hỏi liệu đã đến lúc tạm dừng hay chưa.
5/ Chứng khoán London khởi sắc
Chỉ số bluechip FTSE 100 của London đã sẵn sàng khởi động nỗ lực mới để mở rộng mức cao nhất mọi thời đại trong những ngày tới.
Những áp lực lên tài sản Anh sau cuộc hỗn loạn chính trị vào mùa thu năm 2022 đang giảm bớt.
Đó không phải là điều duy nhất giúp chỉ số này vượt trội so với các công ty cùng ngành - tỷ trọng lớn của các công ty khai thác và các cổ phiếu tập trung vào hàng hóa khác đã nhận được sự thúc đẩy từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Thực tế, chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh sắp chạm mức kỷ lục hồi tháng 5/2018, phản ánh sự yếu kém của FTSE trong những năm gần đây. Chỉ số S&P 500 chạm đỉnh kỷ lục vào tháng 1/2022 và hiện cao hơn 40% so với mức của tháng 5/2018.
Dữ liệu về khoản vay trong lĩnh vực công của Anh, lạm phát giá sản xuất và dữ liệu PMI đều sẽ được công bố trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh vào tuần tới.
Tham khảo: Reuters