Trong tay chỉ 400 triệu vợ chồng trẻ làm văn phòng vẫn quyết mua nhà 1,4 tỷ: Vay ngân hàng 65% mà trả gọn trong vòng 1 năm
Câu chuyện mua nhà của chị Tuyền Nguyễn cũng là một tấm gương và động lực không nhỏ tới các cặp vợ chồng trẻ kinh tế còn hạn hẹp nhưng vẫn đang ấp ủ ước mơ sở hữu một tổ ấm cho riêng mình.
Động lực mua nhà tiền tỷ khi trong tay chỉ có 200 triệu
Ngay từ khi còn là sinh viên, chị Tuyền Nguyễn (quê ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đã có một ước mơ nho nhỏ đó là mua được một căn chung cư ở Hà Nội. Ước mơ đó theo chị Tuyền mãi tới khi ra trường, rồi lấy chồng.
Tốt nghiệp khoa trang trí nội ngoại thất trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội, vì không thể xin việc ở quê nên chị Tuyền phải lên Hà Nội, di chuyển quãng đường 40km. Quá trình di chuyển rất mệt mỏi và vất vả.
Đi làm hơn 6 năm ở thủ đô chính là hành trình ngày ngày chị ngồi xe bus hơn 1 tiếng đồng hồ để chạy từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội đi làm và ngược lại. Bạn bè ai cũng nói “Sao nghị lực thế? Ngày đi 40km về 40km mà cũng đi được”. Nhưng mấy ai biết được rằng việc di chuyển quãng đường xa như vậy cũng vắt kiệt sức và khiến chị Tuyền vô cùng mệt mỏi. Điều khiến chị có động lực thôi thúc đó chính là muốn tiết kiệm để sớm mua được nhà.
Bởi năm 2018, chị có nghe được câu chuyện của người đồng nghiệp có thể mua nhà 1 tỷ đồng khi chỉ có trong tay 200 triệu. Nung nấu ước mơ và quyết tâm đó, chị Tuyền đã liều lĩnh tiết kiệm để đưa ra quyết định mua nhà.
Không gian thô căn hộ khi mới nhận về của chị Tuyền.
Mua nhà 1,4 tỷ với số vốn 400 triệu
Sau 6 năm đi làm, mức thu nhập của hai vợ chồng chị Tuyền trung bình khoảng 30 triệu đồng/tháng (cả làm thêm). ''Cách đây gần 10 năm, tổng thu nhập của vợ chồng tôi chỉ khoảng gần chục triệu mỗi người, tổng khoảng 20 triệu đồng. Tôi có nhận thiết kế thêm các công trình để tăng thu nhập hàng tháng", chị nói.
Khi 2 vợ chồng đã tích góp được khoảng 400 triệu đồng thì quyết định mua nhà. Chị Tuyền chọn mua căn hộ nằm ở tầng 9 của tòa nhà 18 tầng tại Long Biên (Hà Nội). Căn hộ có diện tích 65m2 với 1 phòng khách và 2 phòng ngủ.
Chia sẻ về ngày đến đặt cọc tiền nhà, chị Tuyền vẫn nhớ 2 vợ chồng đã tính bỏ về khi chỉ có 400 triệu trong tay. Giá căn nhà lúc đó là 1,4 tỷ đồng. "Mặc dù thời điểm mua nhà, lương vợ chồng mình ổn định, thậm chí là còn cao hơn so với trước nhưng vay 1 tỷ với nhân viên văn phòng thì đúng là một số tiền lớn khiến chúng mình đắn đo rất nhiều".
2 vợ chồng cũng đã suy nghĩ rất nhiều, tính toán các trường hợp rủi ro có thể xảy ra, nếu điều kiện công việc thuận lợi thì đều có thể trả hết. ''Quyết định mua căn hộ này là một sự liều lĩnh nhất trong cuộc đời tôi đã từng đưa ra", chị tâm sự.
Không gian hầu như không có đồ đạc gì.
Đúng ra, căn hộ giá 1,4 tỷ này chị Tuyền và chồng sẽ phải vay ngân hàng 1 tỷ. Do thời điểm đặt cọc, dự án vẫn đang xây dựng nên số tiền phải trả sẽ tương đương với tiến độ, lúc đó là 70% giá trị. Có sẵn 400 triệu, vay thêm ngân hàng liên kết với dự án 600 triệu nữa, còn 30% tiền còn lại, khi bàn giao nhà sẽ phải trả nốt.
''Mình chỉ vay và trả lãi ngân hàng 600 triệu đồng, hợp đồng ký vay 20 năm với lãi suất năm đầu 8%/năm. Các năm sau lãi suất thả nổi. Trong năm đầu tiên, số tiền 2 vợ chồng phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Căn hộ giống như động lực để 2 vợ chồng cố gắng chăm chỉ làm thêm kiếm tiền trả nợ, với mục tiêu trong 5 năm hay 10 năm sẽ trả xong chứ không phải là 20 năm như đã ký vay. May mắn là sau khi mua nhà cả 2 vợ chồng mình đều được tăng lương, cộng với khoản thưởng cuối năm được ngót nghét hơn trăm triệu.
Ngoài ra, mình và chồng cũng nhận được rất nhiều hợp đồng thuê thiết kế nhà nên ban ngày đi làm công ty, về nhà lại ăn thật nhanh để quay ra vẽ kiếm thêm. Không thể tránh khỏi những lúc mệt mỏi nhưng cứ nghĩ đến số nợ ngân hàng thì lại cố gắng hơn. Nhờ "cày" nhiều mà thu nhập mỗi tháng của 2 vợ chồng được khoảng 60 đến 80 triệu, trong đó 1 nửa là tiền lương 1 nửa là công việc ngoài.
Số tiền dư sau khi đã trừ các chi phí sinh hoạt, gia đình mình tiếp tục gửi tiết kiệm để lấy lãi hàng tháng và tính khi đủ sẽ trả ngân hàng một lần", chị kể.
Căn hộ 65m2 với 1 phòng khách và 2 phòng ngủ.
Sau 1 năm đã đủ tiền trả ngân hàng, hai vợ chồng rút ra và tất toán. Vậy là chỉ sau 1 năm, hai vợ chồng chị Tuyền đã trả hết toàn bộ số tiền vay từ ngân hàng với số tiền tiết kiệm thêm được và phải chịu thêm phí phạt tất toán sớm là 3% khoản vay.
Đây cũng chính là thời điểm chủ đầu tư bàn giao nhà và may mắn 30% giá trị căn hộ còn lại vợ chồng chị Tuyền có đủ để có thể tự chi trả mà không cần vay ngân hàng nữa. "Thật sự mình không nghĩ là mình có thể làm được nhiều đến như thế. Có lẽ do vay mượn làm người ta có thêm động lực và sức mạnh để làm được gấp mấy lần so với trước kia", chị chia sẻ.
Không gian sống do hai vợ chồng tự tay thiết kế
Làm việc trong lĩnh vực thiết kế, chị Tuyền tự tay thiết kế lại không gian sống của cả gia đình. Không dư dả về điều kiện kinh tế, chị phải tiết chế sở thích cũng như ý tưởng của bản thân để có thể giảm tối đa chi phí nhưng vẫn phải phù hợp công năng.
''Tổng chi phí nội thất căn hộ gần 200 triệu đồng, gồm phòng khách và bếp là 100 triệu đồng, 50 triệu đồng cho phòng ngủ của hai vợ chồng, 30 triệu đồng cho phòng ngủ của con. Số tiền còn lại là những chi phí sửa chữa khác", chị Tuyền liệt kê.
Phòng bếp của gia đình.
Không dư dả về điều kiện kinh tế, chị phải tiết chế sở thích cũng như ý tưởng của bản thân để có thể giảm tối đa chi phí nhưng vẫn phải phù hợp công năng.
Do nhà có diện tích nhỏ chị chọn tone trắng là chủ đạo nhưng vẫn cố gắng tạo cảm giác ấm cúng, sạch sẽ. Vì chung cư không có nhà kho như nhà mặt đất nên chị Tuyền thiết kế thật nhiều tủ cùng chung màu tường để ăn gian về mặt thị giác.
Diện tích căn hộ nhỏ nên chị Tuyền khéo léo sử dụng thêm 1 chiếc gương to để giúp không gian trông rộng hơn diện tích thực. Với sofa và rèm chị Tuyền lại chọn gam màu tối hơn để đỡ lộ bẩn. Sau khi hoàn thiện nội thất, chị lấp đầy không gian sống bằng đồ decor, cây cối và tranh. Do tài chính có hạn nên chị chỉ chọn đồ tốt nhất trong tầm giá cho phép, tham khảo review của nhiều người trên các diễn đàn, group và tìm mua.
"Căn nhà tuy nhỏ với nhiều người nhưng với mình đó là thành quả của cả tuổi thanh xuân cố gắng của 2 vợ chồng. Cũng chính bởi quyết định liều lĩnh ngày ấy mà giờ 2 vợ chồng có nơi ấm cúng để về sau những ngày làm việc mệt mỏi mà không cần chạy ra bến đợi xe bus khi trời mưa to gió lớn nữa".
Do nhà có diện tích nhỏ chị chọn tone trắng là chủ đạo nhưng vẫn cố gắng tạo cảm giác ấm cúng, sạch sẽ.
Loggia dùng để giặt đồ và phơi quần áo.
Phòng ngủ.
Ảnh: NVCC