Trong lúc Công ty mẹ chuyển hướng sang sản xuất bán dẫn, Ajinomoto Việt Nam vẫn kiếm nghìn tỷ lợi nhuận từ bột ngọt, hạt nêm
Chiếm khoảng 60% thị phần bột ngọt, Ajinomoto Việt Nam lãi hơn 1.000 tỷ mỗi năm.
Gần đây, tờ Nikkei đưa tin, giá cổ phiếu của nhà sản xuất thực phẩm và hương liệu Nhật Bản Ajinomoto đã chạm mức kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ ba tuần này. Cụ thể, cổ phiếu Ajinomoto đã tăng 0,9% vào ngày hôm trước để đạt mức cao nhất trong ngày là 4.357 yên (31,46 USD)/cổ phiếu trước khi đóng cửa ở mức 4.323 yên/cổ phiếu. Mức cao này đã xô đổ kỷ lục trước đó của công ty được ghi nhận vào tháng 3/1987. Lý do là bởi các nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm lớn đối với hoạt động kinh doanh vật liệu bán dẫn của công ty.
Doanh thu hợp nhất của công ty dự kiến sẽ tăng 19% lên 1,36 nghìn tỷ Yên (9,8 tỷ USD) cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2023. Lợi nhuận ròng đang trên đà tăng 10% lên 83 tỷ yên, với mảng vật liệu bán dẫn là động lực lớn nhất của các khoản lợi nhuận.
Ajinomoto đã mở rộng sang ngành nguyên liệu sản xuất chip bằng cách tái sử dụng công nghệ axit amin chủ lực của mình. Họ cũng đang phát triển một phân khúc dược phẩm sinh học. Các phân khúc phi thực phẩm được dự báo sẽ mang lại hơn 40% tổng lợi nhuận kinh doanh trong năm tài chính này.
Vào tháng 11/2018, Takaaki Nishii, Giám đốc điều hành của công ty đã đột ngột tuyên bố chuyển sang chiến lược "quản lý ít tài sản", báo hiệu rằng công ty sẽ cơ cấu lại các hoạt động không có lãi và tập trung vào các lĩnh vực đầy hứa hẹn như ABF.
Đại dịch đã làm tăng nhu cầu với PC khi việc học và làm việc từ xa trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Nhu cầu về ABF tiếp tục được thúc đẩy bởi sự gấp rút xây dựng các trung tâm dữ liệu cho điện toán đám mây và các trạm phát cho mạng 5G. Ajinomoto dự kiến số lượng xuất xưởng của ABF sẽ tăng hơn gấp đôi trong 5 năm đến năm 2024.
Tại Việt Nam, sản phẩm bột ngọt (mì chính) Ajinomoto và hạt nêm Aji-ngon là các sản phẩm quen thuộc với khu bếp của mỗi gia đình, trong đó, theo số liệu từ Ajinomoto, sản phẩm bột ngọt Ajinomoto đang chiếm khoảng 60% thị phần bột ngọt tại Việt Nam. Từ đó, bột ngọt là động lực chính giúp Ajinimoto Việt Nam thu về khoản doanh thu và lợi nhuận lớn hàng năm.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 2 (1/7-30/9/2022), doanh số tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong một số thị trường nước ngoài của Ajinomoto như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brazil. Cụ thể, trong quý 2 (1/7-30/9/2022), doanh số ở Việt Nam tăng 16% và trong 6 tháng (1/4-30/9/2022), doanh số ở Việt Nam tăng 22%.
Trong 2 năm 2017 – 2018, doanh thu của Ajinomoto đạt trên 8.000 tỷ đồng, cao hơn Vedan và Miwon. Trong đó, doanh thu năm 2017 hơn 8.150 tỷ đồng và doanh thu năm 2018 hơn 8.700 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu của Ajinomoto giảm 12% xuống 7.600 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 100 tỷ đồng so với Vedan.
Tuy nhiên, với biên lợi nhuận gộp cao, dù doanh thu thấp hơn Vedan, lợi nhuận sau thuế của Ajinomoto vẫn bỏ xa đối thủ. Biên lợi nhuận gộp của Ajinomoto trong khoảng từ 35% đến 39.6%, trong khi của Vedan từ 20,5% đến 22,9% và Miwon từ 16,3% đến 18,5%.
Lợi nhuận sau thuế 3 năm 2017 – 2019 của Ajinomoto đều vượt 1.000 tỷ đồng, trong khi Vedan chưa đến 600 tỷ đồng và Miwon chỉ lãi vài chục tỷ đồng. Trong đó, năm Ajinomoto lãi lớn nhất là 2017 với hơn 1.130 tỷ đồng và năm thấp nhất là năm 2019 với 1.060 tỷ đồng.