Trồng loại cây "bán giá nào cũng lãi" giống bầu Đức nhưng Trung Quốc vẫn chưa thành công: sản lượng ít, không vị, giá bán lại đắt đỏ
Loại quả này của Trung Quốc vẫn chưa thể cạnh tranh về giá và số lượng với Đông Nam Á.
Sản lượng thấp, chất lượng bấp bênh
Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm trồng sầu riêng vào năm 1958. Nhưng trong nhiều năm, cây sầu riêng hầu như không kết trái. Chỉ đến năm 2018, việc trồng sầu riêng thương mại mới bắt đầu được thực hiện nghiêm túc.
Hầu hết sầu riêng được trồng trên đảo nhiệt đới Hải Nam. Một số nông dân cũng trồng sầu riêng rải rác ở Quảng Tây và Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc, cũng như ở tỉnh Vân Nam ở phía tây nam đất nước.
Feng Xuejie, Giám đốc Viện Cây ăn quả nhiệt đới thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Hải Nam cho biết, vụ thu hoạch sầu riêng lớn đầu tiên của Trung Quốc chỉ đạt tổng cộng 50 tấn vào năm 2023. Và sản lượng sầu riêng của đất nước dự kiến đạt 200 tấn trong năm 2024.
“Sản lượng vẫn rất ít vì cây sầu riêng chưa phát triển đủ lâu. Phải mất sáu hoặc bảy năm để sản lượng bắt đầu nở rộ”, ông giải thích.
Thời tiết thường xuyên mưa bão ở Hải Nam cũng là mối đe dọa lớn. “Hồi tháng 5, vườn sầu riêng của tôi ước tính có hơn 3.000 trái. Nhưng sau những cơn mưa lớn, sầu riêng rụng rất nhiều và hiện chỉ còn lại 1.000 trái”, Feng Xuejie chia sẻ.
Hiện tại, một cây sầu riêng 4 năm tuổi ở Hải Nam có thể mang lại 19 trái, mỗi trái nặng 2kg trong một mùa. Ngành sầu riêng non trẻ của Trung Quốc vẫn chật vật tìm lối đi. Nông dân không chỉ nỗ lực tăng sản lượng mà còn cải thiện chất lượng trái sầu riêng, thường “không ổn định”, theo đánh giá của Feng Xuejie.
Ông cho biết, hương vị trái sầu riêng trồng ở Hải Nam hiện nay rất khác nhau. Có những trái ngon nhưng số lượng rất ít, phần lớn còn lại đều không ngon. Thậm chí, trái sầu riêng trong vụ thu hoạch đầu tiên của ông vào năm 2022 “không có mùi vị gì cả”. Ông phải điều chỉnh công thức phân bón để giúp hương vị sầu riêng cải thiện đáng kể vào năm sau.
Theo ông, sầu riêng trồng ở Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn thăm dò và kỹ thuật trồng cần được thử nghiệm và nghiên cứu thêm.
Theo các ước tính, diện tích trồng sầu riêng ở Hải Nam sẽ tăng lên hơn 6.600 hecta trong 3-5 năm tới. Để so sánh, Việt Nam hiện có khoảng 131.000 hecta sầu riêng, theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Giá cao hơn hàng nhập khẩu
Sản lượng sầu riêng trồng ở Hải Nam trong năm 2024 dự kiến chỉ bằng 0,014% sản lượng nhập khẩu của năm 2023. Tình trạng khan hiếm này đã đẩy giá sầu riêng bản địa lên mức cao ngất ngưỡng.
Một số loại sầu riêng trồng ở Hải Nam được bán với giá từ 120-140 NDT (420.000-490.000 đồng)/kg, theo truyền thông địa phương. Một số nông dân bán với giá 200 NDT/kg (hơn 700.000 đồng).
Tại một cửa hàng bán đặc sản của Hải Nam trong chợ bán buôn Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, không có bất kỳ trái sầu riêng nào từ Hải Nam. “Giá đắt quá, không bán được. Sầu riêng Hải Nam có giá đến 120 NDT/kg, trong khi sầu riêng Thái chỉ có giá từ 20-30 NDT/kg (70-100.000 đồng)”, Ai Dong, nhân viên của cửa hàng này nói.
Li Panda, một người thích sầu riêng cho biết, anh cảm thấy tự hào vì Trung Quốc có thể tự trồng sầu riêng. Vợ chồng anh thường ghé chợ Tân Phát Địa một hoặc hai tuần một lần để mua loại trái cây này. Anh kỳ vọng giá sầu riêng Hải Nam có giá cạnh tranh hơn, thậm chỉ rẻ hơn so với sầu riêng nhập khẩu trong những năm tới.
Feng Xuejie cho biết, năng lực sản xuất sầu riêng của Trung Quốc dự kiến tăng khi có nhiều cây được trồng và trưởng thành hơn. Nhưng ông lưu ý, sầu riêng trồng trong nước không thể phát triển ở “quy mô rất lớn”. Điều này là vì sầu riêng nổi tiếng là loại trái cây khó trồng và cần điều kiện đất đai, khí hậu đặc thù để phát triển.
Do đó, sầu riêng trong nước khó có thể ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu sầu riêng của các nước Đông Nam Á sang Trung Quốc. Sầu riêng nội địa chỉ được coi là sản phẩm bổ sung cho hàng nhập khẩu.
Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 929.000 tấn sầu riêng tươi từ Thái Lan, 493.000 tấn từ Việt Nam và 3.763 tấn từ Philippines, với tổng giá trị hơn 6,7 tỷ USD.
Trung Quốc sẽ sớm nhập khẩu sầu riêng tươi của Malaysia sau khi hai bên ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi của Malaysia xuất khẩu sang Trung Quốc hồi tháng 6.
“Chúng tôi không thể cạnh tranh với sầu riêng Đông Nam Á về số lượng. Chi phí đất đai và lao động cũng cao hơn ở Trung Quốc. Vì vậy, mục tiêu mà chúng tôi hướng đến phải là sầu riêng cao cấp, chất lượng cao”, chuyên gia nông nghiệp Feng Xuejie nói.
Tham khảo: Strait Times