Trong khi thế giới giảm uống đồ có cồn, ngành bia Việt Nam vẫn tăng trưởng đều qua các năm

15/06/2017 12:24 PM | Kinh tế vĩ mô

Số liệu của Bộ Công thương cũng cho thấy quy mô toàn ngành bia năm 2016 đạt 3,788 tỷ lít bia, tương đương mỗi người Việt tiêu thụ 42 lít bia hàng năm.

Bia là thứ đồ uống được coi là lâu đời nhất trên thế giới khi gắn liền với sự phát triển của lúa mạch từ 9.500 năm trước công nguyên. Chúng được coi là loại đồ uống phổ biến đứng thứ 3 trong lịch sử sau trà và cà phê.

Tuy nhiên, có lẽ thời hoàng kim của bia đã trôi qua khi số liệu của hãng nghiên cứu IWSR cho thấy lượng tiêu thụ đồ uống có cồn đã giảm 1,4% năm 2016 xuống 250 tỷ lít. Đây là năm thứ 2 liên tiếp lượng tiêu thụ đồ uống có cồn giảm và là năm thứ 3 suy giảm kể từ năm 1994. Trong số đó, lượng tiêu thụ bia giảm mạnh nhất do số người uống bia chiếm đến 3/4 lượng tiêu thụ đồ uống có cồn.

Năm 2016, lượng tiêu thụ bia giảm 1,8% xuống 185 tỷ lít trong khi lượng tiêu thụ bia bình quân mỗi người lớn trên toàn cầu giảm 3,2%.

Báo cáo của IWSR cho thấy nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do 3/5 thị trường lớn bao gồm Trung Quốc, Nga, Brazil có lượng tiêu thụ bia giảm năm 2016.

Theo IWSR, những yếu tố về kinh tế và thay đổi khẩu vị đã tác động đến ngành bia. Năm 2011, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới và hiện tiêu thụ tới 25% lượng bia toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ bia bình quân đầu người ở Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh năm 2013.


Lượng tiêu thụ bia trên thế giới đang giảm (tỷ lít)

Lượng tiêu thụ bia trên thế giới đang giảm (tỷ lít)

Nguyên nhân của tình trạng này là do thu nhập tăng khiến người dân Trung Quốc từ bỏ những hàng bia địa phương giá rẻ để tìm đến các sản phẩm hạng sang hơn như rượu vang hay bia nhập khẩu. Trong khi đó, những người có tuổi trên 30 chuộng rượu vang còn trên 40 tuổi chuộng rượu trắng.

Tại những thị trường như Nga hay Brazil, bất ổn kinh tế khiến người dân hạn chế mua bia hơn và lượng tiêu thụ bình quân đầu người ở những thị trường này đã giảm tới 7%.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của chuyên gia Liesbeth Colen và Johan Swinnen thuộc trường đại học Leuven trong khoảng 1961-2009 cho thấy GDP bình quân đầu người tại các nước nghèo gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu thụ bia nhưng quá trình này sẽ dừng lại khi đạt mức 27.000 USD/người và quay đầu đi xuống. Nguyên nhân chính có lẽ là do mọi người nhận thức được tác hại của việc uống quá nhiều đồ có cồn với sức khỏe cũng như muốn thử những sản phẩm đồ uống đắt tiền hơn.

Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục thống kê tháng 12/2016 cho thấy GDP bình quân đầu người nước ta đạt 2.215 USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 27.000 USD và vì vậy còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Theo tờ Nikkei Asian Review, Việt Nam sản xuất 4,67 triệu lít bia, tăng 20,1% so với năm 2014. Số liệu của Bộ công thương cũng cho thấy quy mô toàn ngành bia năm 2016 đạt 3,788 tỷ lít bia, tương đương mỗi người Việt tiêu thụ 42 lít bia hàng năm.

BT

Cùng chuyên mục
XEM