Trong khi Harry – Meghan “bóc phốt” gia đình để kiếm tiền, nhiều hậu duệ hoàng tộc khác điều ngược lại: Người kinh doanh thành công, người vất vả nhưng luôn ý thức cao về “tự tôn hoàng tộc”
Meghan dự định xây dựng thương hiệu 1 tỷ USD tại Mỹ, những hậu duệ hoàng gia khác làm gì để kiếm sống?
Mọi người vẫn thường nghĩ rằng, hầu hết những người xuất thân trong gia đình hoàng gia đều mang cho mình số phận được hưởng vinh hoa phú quý, cung điện tráng lệ, tiền bạc tiêu không kể hết... Những hậu duệ tiếp theo ngay từ khi mới sinh ra sẽ đều nằm trên vạch đích với gia thế và quyền lực lớn trong tay.
Tuy nhiên, rất ít người biết rằng, có những gia tộc đã bị lãng quên, rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu của cuộc sống. Họ không còn những tước hiệu hay danh phận cao sang mà phải vất vả kiếm sống cho gia đình. Dù vậy, nhiều người cũng lấy đó là động lực vươn lên, tự tay gây dựng sự nghiệp và duy trì dòng dõi của mình.
Maharaja Padmanabh Singh - Vị “vua” 21 tuổi kinh doanh và cho thuê cung điện
Maharaja Padmanabh Singh là hậu duệ thứ 303 của một Hoàng tộc Ấn Độ sinh sống ở thành phố Jaipur, phía Tây Bắc Ấn. Mặc dù hiện tại, danh hiệu hoàng gia của Singh không được pháp luật Ấn Độ công nhận chính thức, nhưng nhiều người dân vẫn tôn sùng và coi trọng gia tộc của anh trong nhiều thế kỷ. Đó là bởi vì, gia tộc của Maharaja Padmanabh Singh đã giúp đỡ và hỗ trợ rất nhiều cho cuộc sống của người dân nơi đây.
Người dân sống quanh vùng này vẫn luôn ngưỡng mộ trước thế lực hùng mạnh của gia tộc này với khối tài sản trị giá lên tới 2,8 tỷ USD, cũng như tài năng của các hậu duệ trẻ. Trong đó, có Maharaja Padmanabh Singh.
Ngay từ khi còn nhỏ, Singh đã thể hiện tài năng học hỏi và sự cố gắng của bản thân trong việc tiếp thu các ngành liên quan đến nghệ thuật. Anh dành nhiều thời gian để học chơi Polo, tham gia các sàn trình diễn thời gian, làm người dân chương trình của Airbnb. Thậm chí, Singh đã thử sức trong lĩnh vực kinh doanh khi anh thiết kế và cho thuê một căn phòng riêng trong cung điện lộng lẫy, nguy nga của mình trên Airbnb vào tháng 11/2019. Singh trở thành người đầu tiên trong giới hoàng gia thiết kế và xây dựng những căn phòng thượng hạng trong cung điện để cho thuê và tham quan.
Không những vậy, các vị khách đến tham qua và thuê phòng còn được cung cấp rất nhiều tiện ích khác chỉ với giá 8000 USD, chưa bao gồm thuế và phí. Trong đó, có những khu vực trong cung điện đã từng đón tiếp các vị khách cấp cao như cố Công nương Diana, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton...
Singh cũng chia sẻ: “Tôi rất hân hạnh khi gia đình của mình đang có mối quan hệ hợp tác với Airbnb để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Tôi hy vọng có thể chia sẻ lòng hiếu khách của người dân Ấn Độ tới mọi người”. Vì vậy, ở tuổi 21, Padmanabh Singh đang sở hữu một khối tài sản kếch xù lên tới 697 triệu đến 855 triệu USD.
Tài năng, kinh doanh giỏi, Singh lọt vào danh sách "30 Under 30 Asia" (30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á) của Tạp chí Forbes vào năm 2018 khi trở thành người trẻ nhất giữ chức đội trưởng đội polo Ấn Độ ở Anh. Tờ Forbes cũng nhấn mạnh rằng, Singh là nhà vô địch trẻ tuổi nhất của Cúp Polo Ấn Độ Mở rộng và là thành viên trẻ tuổi nhất từng tham gia một đội polo tại World Cup.
Vị "vua" 9x còn được mời làm thành viên trong cả Liên đoàn Polo Quốc tế và Guards Polo Club of Windsor (Anh). Nhờ đó, Singh có thể chơi polo với những nhân vật nổi tiếng như Hoàng tử William và Hoàng tử Harry của Vương quốc Anh.
Thái tử Hàn Quốc Andrew Lee kinh doanh công nghệ và đầu tư
Trước khi được đề cử làm "Thái tử Hàn Quốc", ông Lee tự mô tả bản thân là "một anh chàng bình thường", sống kín đáo tại Mỹ.
Andrew Lee là một doanh nhân, nhà phát triển phần mềm và nhà văn người Mỹ nổi tiếng trên thế giới. Ông cũng là người sáng lập dịch vụ VPN Private Internet Access vào năm 2010. Chính vì vậy, sự nghiệp của ông rất phát triển trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ và đầu tư trong suốt nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, ít người biết rằng, Andrew Lee có quan hệ họ hàng với Hoàng đến Yi Seok của Triều đại Joseon - Triều đại chế độ quân chủ cuối cùng tại Bán đảo Triều Tiên (1392-1897). Tháng 10/2018, Yi Seok - con trai Thái tử Yi Kang (con trai thứ năm của Hoàng đế Gojong) - đề cử Lee làm "Thái tử Hàn Quốc". Ông Yi Seok khẳng định Andrew Lee là hậu duệ của vương tộc Yi.
Hoàng đế trên danh nghĩa Yi Seok và gia đình "Hoàng tộc"(Nguồn: SCMP)
Andrew Lee chia sẻ rằng ông cũng bất ngờ khi biết mình là một trong những hậu duệ hoàng gia của gia tộc, nhưng không phải vì thế mà ông từ bỏ sự nghiệp của mình và sống nhờ vào khối tài sản của hoàng tộc để lại. Ông vẫn tiếp tục công việc kinh doanh cũng như hỗ trợ rất nhiều cho các chương trình của Hàn Quốc như mở một trường dạy lập trình miễn phí cho người Hàn, các chương trình đầu tư cho doanh nghiệp... Thậm chí, theo tờ báo Sputnik News vào năm 2018, ông còn khởi động quỹ khởi nghiệp trị giá 100 triệu USD.
Theo tờ báo Los Angeles Times, vào cuối năm 2020, Andrew Lee đã chi ra 12,6 triệu USD để mua một mảnh đất rộng tại Thung lũng Hidden, thành phố Thousand Oaks, bang California, Mỹ với diện tích lên tới hơn 8 ha. Trong đó, ông đã cho xây dựng một biệt thự kiểu Pháp rộng tới 1.300 m2, với 7 phòng ngủ và 13 phòng tắm. Đặc biệt, với sự tráng lệ của thiết kế căn biệt thự sang trọng này, nhiều người cho rằng đây không khác gì một cung điện hoàng gia nguy nga của các hoàng tộc đang sinh sống.
Hậu duệ quốc vương Singapore Tengku Indra luôn nỗ lực tiến lên cho dù cuộc sống vất vả
Ông Tengku Indra (51 tuổi) là hoàng tử - hậu duệ của vị vua từ thế kỷ 19 - Sultan Hussein Shah - người đã nhường quyền kiểm soát hòn đảo Đông Nam Á này cho người Anh.
Khác với Maharaja Padmanabh Singh và Andrew Lee, Tengku Indra - hậu duệ của vị vua Sultan Hussein Shah có một cuộc sống khó khăn và vất vả hơn. Mặc dù, Tengku Indra xuất thân trong gia đình hoàng tộc Sultan cao quý nhưng ông đã rời khỏi cung điện vào năm 1999 và tự kiếm tiền để chăm sóc cho gia đình mình.
Tengku Indra từng làm công việc dọn dẹp tại một tòa chung cư. Thậm chí, có rất nhiều người nhìn thấy ông và buông những lời trêu chọc rằng ông là “Hoàng tử xử lý rác”. Tuy nhiên, không vì lời nói ấy mà ông bỏ cuộc và sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ Singapore và gia tộc để lại.
Tengku Indra cho rằng: “Không quan trọng bạn có phải là con cháu hoàng tộc hay không. Điều thực sự ý nghĩa trong cuộc đời này là bạn phải sống một cuộc sống dựa vào tài năng và đức độ, thay vì hưởng một danh xưng do tổ tiên để lại”. Vì vậy, những lý tưởng tốt đẹp đó luôn khắc sâu vào trong tâm trí của ông và ông cũng thường dạy cho các con mình về sự cố gắng, vươn lên ấy.
Hiện tại, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn và vất vả với đồng lương lái taxi nhỏ bé của Tengku Indra trên các tuyến đường rộng lớn, nhưng ông vẫn luôn nỗ lực cố gắng cải thiện cuộc sống. Vợ ông cũng là một người đảm đang và chăm chỉ. Trong thời kỳ kinh tế khó khăn bởi Đại dịch COVID-19, bà đã xin vào làm tại một cửa hàng McDonald's để có thể phụ giúp gia đình vượt qua khủng hoảng.
Mặc dù, bản thân phải đối mặt với các vấn đề về cuộc sống cá nhân trong đại dịch COVID-19 như cắt giảm thu nhập, nguy cơ thất nghiệp nhưng Tengku vẫn khẳng định, ông luôn dành thời gian để giữ gìn mạch sống cho các di sản hoàng gia. Ông vẫn thường lui tới Trung tâm Di sản Mã Lai, mặc những bộ đồ truyền thống của hoàng gia và luôn đau đáu nỗi buồn của một hoàng tộc đã bị lãng quên khi ai đó không tin các hậu duệ Sultan Hussein Shah vẫn còn tồn tại.
Tuy nhiên, việc đạt được sự công nhận rộng rãi hơn vẫn còn là một thách thức.
Tổng hợp từ Wiki, BI, SCMP