Trong khi các công ty lớn nhỏ 'nối đuôi' nhau rời khỏi Nga, ông chủ một công ty Nhật Bản quyết cam kết ở lại: "Người dân Nga có quyền được sống như chúng ta"
Giám đốc điều hành công ty mẹ của Uniqlo tuyên bố sẽ ở lại Nga và phục vụ người dân tại đây ngay cả khi các đối thủ Zara và H&M tạm ngừng hoạt động tại nước này sau cuộc xung đột với Ukraina.
Fast Retailing, nhà bán lẻ lớn nhất châu Á và là công ty mẹ của Uniqlo, sẽ tiếp tục hoạt động tại Nga ngay cả khi áp lực quốc tế vì cuộc tấn công quân sự tại Ukraine khiến làn sóng các công ty rút lui ngày càng tăng.
Fast Retailing hiện đang điều hành hơn 2.298 cửa hàng Uniqlo trên khắp thế giới. Tại Nga, Uniqlo đang có 50 cửa hàng.
"Quần áo là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Người dân Nga có quyền sống, sinh hoạt giống như chúng ta", Giám đốc điều hành Tadashi Yanai cho biết trong email chia sẻ với Nikkei. Xung đột không nên tước đi quyền mua sắm quần áo của người dân ở Nga, một nhu cầu cơ bản của con người, vì vậy tất cả cửa hàng Uniqlo vẫn sẽ tiếp tục hoạt động ở Nga.
Ông đã phản đối động thái của một số thương hiệu lớn nhất thế giới khi họ quyết định rút khỏi hoặc tạm ngừng hoạt động tại Nga. Đây là một sự thay đổi đáng kể trong ba thập kỷ đầu tư của các doanh nghiệp phương Tây và nước ngoài sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Yanai cho biết ông đặt câu hỏi về một xu hướng đang gây áp lực buộc các công ty phải đưa ra lựa chọn dựa trên yếu tố chính trị. Vào tháng 4 năm ngoái, ông đã từ chối bình luận về các vấn đề xung quanh việc tìm nguồn cung cấp bông từ khu vực Tân Cương (Trung Quốc), một tháng trước khi có thông tin cho hay trước đó Mỹ đã chặn một lô hàng áo sơ mi Uniqlo do lo ngại về "cưỡng bức lao động". Công ty cũng phải đối mặt với một cuộc thăm dò từ Pháp cùng với một số thương hiệu thời trang khác.
Nike và những hãng bán lẻ khác đã lên tiếng cam kết hoàn toàn không sử dụng bất kỳ bông nào từ Tân Cương. Đây là động thái mà Fast Retailing vẫn chưa thực hiện, mặc dù công ty khẳng định không có lao động bị cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của mình.
Việc Nga có hành động quân sự với Ukraine đã thu hút sự lên án của quốc tế, gây ra các hạn chế thương mại và lệnh trừng phạt tài chính, đồng thời thúc đẩy sự 'di cư' của các công ty toàn cầu.
Đối thủ của Fast Retailing, công ty mẹ của Zara là Inditex SA, đang tạm thời đóng cửa 502 cửa hàng ở Nga và tạm ngừng bán hàng trực tuyến. H&M, một trong những hãng kinh doanh quần áo lớn nhất thế giới, cũng tuyên bố hôm 2/3 rằng họ đang tạm dừng tất cả các hoạt động bán hàng ở Nga. Theo báo cáo thường niên năm 2020, nhà bán lẻ này có hơn 150 cửa hàng ở Nga. Và tất cả các cửa hàng này sẽ đóng cửa sau tuyên bố tạm ngừng trên.
Apple và Nike cũng đã đóng cửa các cửa hàng, trong khi các nhà sản xuất ô tô bao gồm BMW AG và General Motors đã đình chỉ việc giao xe.
Chính phủ Nhật Bản đã đi theo đường lối của Mỹ và phần lớn châu Âu trong việc áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm đóng băng tài sản của một số quan chức và nhà tài phiệt Nga, cũng như tài sản của các tổ chức tài chính bao gồm ngân hàng trung ương Nga.
Cho đến nay, các công ty Nhật Bản đang chia tách làm hai hướng khác nhau. Các nhà sản xuất ô tô lớn nhất của nước này là Toyota và Honda cho biết họ đang ngừng vận chuyển xe sang Nga, trong khi vận động hành lang lại cảnh báo các đại gia thương mại Mitsubishi và Mitsui&Co không nên vội vã rời khỏi dự án dầu khí của Nga. Japan Tobacco, công ty thuốc lá có 37% cổ phần tại thị trường Nga, lại tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động tại Nga và cho biết họ "hoàn toàn cam kết" tuân thủ các luật pháp quốc gia và quốc tế.
Tham khảo: Bloomberg