Trong khi cả thế giới bị Covid-19 đánh gục, nơi này bất ngờ trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư quốc tế
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ, lao dốc không phanh vì số ca nhiễm virus corona gia tăng nhanh chóng, có một thị trường lại đang được các nhà đầu tư đặc biệt yêu thích: Trung Quốc.
Số ca nhiễm ở đây đã giảm đáng kể, và các nhà quản lý quỹ đang bắt đầu tăng mua các tài sản Trung Quốc trở lại.
Pinebridge Investments, công ty có trụ sở ở New York, đang có ý định "tất tay". Tính đến cuối năm nay, tổng tài sản mà Pinebridge quản lý là 101,3 tỷ USD, trong đó có 25,5 tỷ USD đầu tư vào cổ phiếu và 64,3 tỷ USD vào tài sản mang lại thu nhập cố định.
Michael Kelly, 1 lãnh đạo của Pinebridge, cho biết gần đây quỹ đã tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc hạng A từ mức 1 chữ số lên 2 chữ số. Do Covid-19, ít nhất thì trong quý II các nền kinh tế phương Tây sẽ suy giảm mạnh, trong khi các nền kinh tế phương Đông, mà đặc biệt là Trung Quốc, đang hồi phục với nhiều công ty hoạt động trở lại.
"Rõ ràng là số liệu vĩ mô tháng 4 của Trung Quốc sẽ cải thiện, trong khi của các nước phương Tây giờ mới bắt đầu lao dốc, thậm chí chưa biết tình trạng lao dốc sẽ kéo dài bao lâu", ông nói.
Pinebridge không đơn độc. Cuối tháng 2 UBS Asset Management đã triển khai 1 quỹ ETF mới tập trung vào thị trường chứng khoán Trung Quốc. Các quỹ ETF theo dấu các chỉ số cơ bản giống như cách của các quỹ tương hỗ, nhưng lại có cách giao dịch sôi động hơn, giống như cổ phiếu.
Mặc dù không bình luận về sự kiện ra mắt quỹ ETF, Kelvin Tay, CIO khu vực của UBS Global Wealth Management, chia sẻ cái nhìn lạc quan về Trung Quốc. Theo ông, lượng than đá và doanh số bán bất động sản ở đây hiện đã tăng lên bằng 80%-90% mức trước khi dịch bệnh bùng nổ, và thị trường lao động cũng khởi sắc.
Thêm vào đó khoảng 40% cổ phiếu Trung Quốc trong chỉ số MSCI là liên quan đến công nghệ - ngành ít bị những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh tác động. Đối với kinh tế Trung Quốc thì những ngành bị tác động dài hạn sẽ liên quan đến thương mại Mỹ - Trung, chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và hoạt động di cư.
Tại cuộc họp Bộ Chính trị cuối tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra những tín hiệu sẽ ủng hộ tăng trưởng mạnh mẽ. Goldman Sachs nhận định chính sách của Trung Quốc tập trung vào kích cầu đồng thời ổn định lại thị trường lao động, thương mại, thị trường tài chính và dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Kelly, tỷ lệ tiết kiệm cao sẽ giúp Trung Quốc hồi phục. Rõ ràng là hoạt động xuất khẩu sẽ không thể khởi sắc vì tình hình thế giới khá u ám, nhưng 1 sự hồi phục dù chậm chạp nhưng vững chắc trong lực cầu nội địa sẽ giúp ích.
Các chuyên gia phân tích nhìn thấy cơ hội trong các mảng kết nối 5G, sản xuất chip và y tế. Chi tiêu của chính phủ Trung Quốc chỉ bằng 1% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 10% của Mỹ, nhưng Trung Quốc được dự báo sẽ tăng chi tiêu để sửa chữa chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Mảng đầu tư trái phiếu của Pinebridge cũng tăng mua trái phiếu Trung Quốc, ưa thích tài sản do những công ty quốc doanh có mức xếp hạng tín nhiệm cao trong ngành dịch vụ công ích và tài chính phát hành. Riêng mảng hàng hóa thì ở vị thế phòng thủ.
Trong mảng rủi ro hơn, nơi nguy cơ phá sản nhiều hơn, Pinebridge nhắc đến lĩnh vực bất động sản. Với các khoản vay giá rẻ dồi dào, dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào mảng này.
Và Rob Subbaraman, chuyên gia của Nomura, tin rằng đồng nhân dân tệ sẽ trở thành một trong những đồng tiền dự trữ quan trọng nhất. "Đó chỉ còn là vấn đề thời gian", ông nói.
Bệnh dịch sẽ đẩy nhanh quá trình này, đặc biệt nếu như NHTW Trung Quốc có thể theo sát kế hoạch phát hành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Nhưng không thể nói Trung Quốc đã thoát khỏi hiểm nguy. Vẫn còn rất nhiều rủi ro và thách thức ở phía trước, trong đó có nguy cơ làn sóng nhiễm bệnh thứ hai bùng lên khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng.
Các nguy cơ khác bao gồm xuất khẩu giảm ít nhất 30% trong quý II, rủi ro vỡ nợ tăng lên và căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc dâng cao.