Trong dòng chảy EVFTA, doanh nghiệp Việt tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng
Nhận thức của doanh nghiệp về EVFTA đã được nâng cao hơn nhiều, sẵn sàng đón đầu các cơ hội đầu tư, kinh doanh, tìm một chỗ đứng trong chuỗi cung ứng.
Ngày 24/4, Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết để EVFTA có hiệu lực thi hành. Việt Nam hiện cũng đang bước vào giai đoạn nước rút để trình Quốc hội. Bộ Công Thương mới đây cho biết, Quốc hội dự kiến sẽ họp phê chuẩn Hiệp định EVFTA trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5 này. Nếu mọi việc thực hiện theo đúng kế hoạch, EVFTA sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 7/2020.
Những lợi ích mà EVFTA mang lại là khá rõ ràng, đương nhiên đi cùng với nhiều thách thức mà Việt Nam sẽ phải hóa giải. Với việc Covid-19 bùng nổ kìm hãm hoạt động sản xuất kinh doanh toàn cầu, doanh nghiệp hai bên đều đang "nín thở" chờ đợi cứu cánh cho tăng trưởng hậu Covid-19.
"EVFTA giờ là chìa khóa mở nhiều hơn những cánh cửa mà chúng ta đã kỳ vọng trước năm 2020", một doanh nghiệp thủy sản chia sẻ.
Theo khảo sát trong PCI 2018 của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), có 88% doanh nghiệp trong nước đã biết về EVFTA, tăng lên đáng kể so với 83% của năm 2016.
Năm 2020, chưa có báo cáo nào định lượng cụ thể về mức độ hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với EVFTA. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận thấy một thực tế rằng con số này có lẽ đã tiệm cận đến tuyệt đối. Dòng thông tin giữa doanh nghiệp Việt và các đối tác EU đang được tận dụng tích cực và sẵn sàng tiến đến hợp tác, tận dụng ưu đãi trong Hiệp định.
Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây, một doanh nghiệp da giầy nhỏ có quy mô gần 600 lao động, cho biết trước đây, doanh nghiệp trong nước còn khá "loay hoay" tại thị trường châu Âu, với cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, các đối tác châu Âu bắt đầu quay lại Việt Nam và đặt vấn đề hợp tác. Hẳn không phải sự trùng hợp, khi mà năm 2017, cách đây 3 năm, chính là thời điểm Việt Nam và EU hoàn thành rà soát pháp lý cấp kỹ thuật cho Hiệp định EVFTA, đồng thời EU đề nghị tách Hiệp định thành 2 Hiệp định riêng biệt là EVFTA và IPA.
Thậm chí, Giám đốc Hóa dệt Hà Tây còn cho hay, việc Anh rời EU cuối tháng 1 vừa qua chưa ảnh hưởng tới cơ hội tận dụng thuế quan trong xuất khẩu sang Anh của doanh nghiệp Việt, bởi vẫn còn thời gian 2 năm chuyển tiếp để Anh tiếp tục thực hiện các cam kết của EU.
Điều này đã khiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh hết sức vui mừng và ngạc nhiên trước sự đào sâu, hiểu "lớn" của một doanh nghiệp "nhỏ".
Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc tại Hóa dệt Hà Tây đầu tháng 3/2020
Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực cơ khí chính xác chia sẻ, sau thời điểm Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA vào tháng 6 năm ngoái, hàng loạt thông tin về Hiệp định đã tràn ngập xung quanh câu chuyện mỗi ngày của doanh nghiệp. Nửa cuối năm 2019, cần mẫn tham gia nhiều hội nghị phổ biến khắp các tỉnh thành, doanh nghiệp này đã tìm ra cơ hội để tận dụng thuế quan xuất khẩu. Tháng 8/2020, sau khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ ký kết với Đức trong chuyển giao công nghệ và xuất khẩu một số loại máy móc, thiết bị có hàm lượng giá trị gia tăng cao sang thị trường EU.
Thực tế, doanh nghiệp Việt không còn chỉ "chăm chăm" vào thuế suất, mã hàng hóa trong FTA, mà các vấn đề phi thuế quan khác cũng được quan tâm. Câu chuyện tiêu chuẩn CE đối với sản phẩm dệt may vào thị trường châu Âu nổi lên những ngày gần đây là một ví dụ. Hay thông tin về các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp cả trong và ngoài nước cũng luôn nằm trong top tìm kiếm của các doanh nghiệp xuất khẩu từ năm 2019 đến nay.
Thông tin về phòng vệ thương mại trong và ngoài nước được quan tâm
Năm 2018, báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho thấy có gần 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát phản hồi rằng EVFTA sẽ có tác động "Mạnh mẽ" hoặc "Nhẹ" đến hoạt động kinh doanh trong trung hạn hoặc dài hạn.
Hơn 80% tin rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trong đó có 72% cho rằng Hiệp định sẽ giúp Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu tại khu vực Đông Nam Á.
Các hội thảo, hội nghị liên quan đến EVFTA cũng ghi nhận sự tham gia của cả doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI ở mức cao. Điều này cho thấy mức quan tâm, sự hiểu biết của doanh nghiệp về Hiệp định đã cải thiện đáng kể, hơn thế có sự trao đổi 2 chiều giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Sau 1 năm thực thi CPTPP, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, trong đó có vấn đề truyền thông. Nhờ đó, nhận thức của doanh nghiệp về EVFTA đã được nâng cao hơn nhiều, sẵn sàng đón đầu các cơ hội đầu tư, kinh doanh, tìm một chỗ đứng trong chuỗi cung ứng.
Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, Bộ đang xây dựng các khóa đào tạo, tập huấn dưới hình thức trực tuyến cho các đối tượng là cán bộ các Sở, ngành và doanh nghiệp địa phương nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về các cam kết cụ thể trong từng lĩnh vực của Hiệp định. Các doanh nghiệp kỳ vọng, việc đi sâu vào đặc thù mỗi ngành hàng, vấn đề trong EVFTA này sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn thực tiễn và rõ nét nhất để tận dụng đầy đủ các ưu đãi, cơ hội mà Hiệp định mang lại.