img

"Trước khi tao sang, người ta cũng nói với tao rằng Việt Nam chính là mồ chôn HLV ngoại. Người nào tối đa chỉ được 8 tháng thôi, cho nên tao hy vọng ở được một năm thôi là may mắn lắm rồi"- Thầy Park tâm sự.

Trong phần 1 của cuộc trò chuyện, ông Lê Huy Khoa đã tiết lộ việc HLV Park Hang Seo ngưỡng mộ và tôn kính tinh thần Việt Nam hiện diện trong ý chí, khát khao của các cầu thủ. Phần 2 của cuộc trò chuyện, chân dung của ông Park sẽ hiện lên như một bậc thầy về tâm lý.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 1.
Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 2.

Thanh An: Đã bao giờ ông nghe ông Park nhắc đến chuyện giải nghệ ở Việt Nam chưa?

Lê Huy Khoa: Cái này thì ông ấy không nói chuyện với tôi. Nhưng trong một số lần phỏng vấn ông ấy đã nhắc đến và tôi là người phải dịch những nội dung đó nên tôi nhớ. Thật ra ông Park từng tâm sự rằng khi mới sang Việt Nam, ông khá hoang mang và từng nghĩ chỉ trụ được có một năm thôi.

"Chứ tao cũng không có nghĩ xa xôi, làm việc lâu đến như thế này. Bởi vì trước khi tao sang Việt Nam, người ta cũng nói với tao rằng Việt Nam chính là mồ chôn HLV ngoại. Người nào tối đa chỉ được 8 tháng thôi, cho nên tao hy vọng ở Việt Nam được một năm thôi là may mắn lắm rồi."

Đợt vừa rồi tái ký hợp đồng, chính ông ấy cũng không biết đây có phải là hợp đồng cuối cùng của mình nữa hay không. Tuy nhiên chính xác thì ông ấy muốn sau này, nếu có thể ông sẽ làm bóng đá trẻ ở Việt Nam.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 3.

Chuyện này phải xuất phát từ một lần ông Park lên Gia Lai thăm bầu Đức. Thật ra tôi thấy, ông Park và bầu Đức dường như có những điểm tương đồng. Họ đều là những nhà lãnh đạo có khí khái riêng, có lập trường riêng. Ông Park luôn biết ơn bầu Đức bởi vì bầu Đức chính là người đã kết nhân duyên bóng đá của ông ấy ở Việt Nam. Mặc dù đến ngày hôm nay, ông Park xét về độ thân thuộc dường như đã thành người Việt Nam luôn rồi, nhưng bầu Đức chính là bà mối để có cuộc hôn nhân mỹ mãn thế này.

Nhưng điều mà ông Park quý bầu Đức hơn nữa, không phải chỉ vì kết duyên đâu, mà còn có lẽ vì ông Park nhìn rõ được tâm huyết của ông Đức dành cho bóng đá trẻ Việt Nam.

Hồi lên Gia Lai thăm ông Đức, ông Park ấn tượng lắm. Ông thấy cơ sở vật chất trước mắt và ông nói: ở xó núi như thế mà làm đủ mọi cách xây dựng một cơ sở đào tạo hoàn thiện như này, rồi đi tuyển khắp Việt Nam, bỏ bao nhiêu công sức để đào tạo ra các lứa cầu thủ tốt. Ông Park là dân bóng đá cho nên ông ấy hiểu chính xác cách đầu tư đó nó mất công mất sức khủng khiếp như thế nào. Có lẽ chính vì ông nhìn thấy ở Việt Nam có người dám làm nghiêm túc như vậy, mà tôi nhớ có lần ông ấy đã tâm sự rằng ông ấy sẽ làm bóng đá trẻ Việt Nam. Bởi vì bóng đá trẻ sẽ quyết định vào tương lai của bóng đá đất nước này.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 4.

Thanh An: Như vậy là ông ấy muốn gắn bó lâu dài với Việt Nam. Anh đã làm những gì để ông Park hiểu Việt Nam hơn?

Lê Huy Khoa: Thực ra hồi đầu mới sang Việt Nam, ông Park cũng rất bỡ ngỡ. Ông ấy bận nhiều việc cho nên nếu có thời gian, những gì có thể tư vấn được thì tôi tư vấn. Chứ ông ấy là HLV trưởng, mình cũng không nên tư vấn gì nhiều. Tôi chọn phương án tư vấn qua người khác. Đó là anh Lee, trợ lý thân cận của ông ấy.

Anh Lee có kinh nghiệm sống ở nước ngoài nhiền hơn ông Park, rất tinh tế, cực kỳ thông minh. Ông Park trước đó chưa bao giờ thi đấu ở nước ngoài, chưa từng huấn luyện ở nước ngoài, nhưng anh Lee thì rồi. Anh Lee từng đi World Cup, lại thi đấu ở Nhật Bản, cho nên anh ấy có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 5.

Tôi vẫn hay nói chuyện với anh Lee rằng, văn hóa hai nước thế này, cầu thủ Việt Nam thì thế này này, suy nghĩ của người Việt là thế này này… Sau đó, anh Lee sẽ là người truyền đạt thông tin đến ông Park theo những cách riêng của anh ấy. Và tôi thì thấy rằng, sau này, những vấn đề mà tôi chia sẻ với anh Lee đã được ông Park ứng dụng thành công ở đội tuyển.

Có một chuyển biến này tôi cho là quan trọng. Vấn đề chung của chúng ta là sinh hoạt tập thể khá yếu. Còn của người Hàn Quốc thì rất mạnh. Trong các buổi họp người Việt mình hay giữ kẽ, lại mới nên ít khi dám trình bày ý kiến chủ quan của mình, ít dám thể hiện tư duy hay giải pháp riêng của bản thân. Tôi có nói với anh Lee rằng: các anh mà muốn phát huy thế mạnh của người Việt ấy, điểm đầu tiên là anh phải giao công việc chi tiết cho họ. Ví dụ như người phụ trách mảng này thì anh cứ đích danh yêu cầu họ báo cáo công việc cụ thể. Và tôi khẳng định họ sẽ làm cực kỳ tốt.

Quả nhiên ông Park đã làm như vậy. Tôi thấy ông ấy chia từng việc nhỏ ra cho từng người. Anh này làm gì, người kia làm gì, người tiếp theo làm gì, ngày nào phải có câu trả lời… rất chi tiết. Kết quả là các cuộc họp đã trở nên sôi động và hiệu quả hơn rất nhiều. Sau này, ông Park còn phải nói rằng, đúng là cầu thủ Việt Nam hay BHL Việt Nam khi mà tôi đã giao một công việc gì cho họ, giao bằng hết cả niềm tin cho họ, thì họ thực hiện cực kỳ tốt, gần như là hoàn thiện.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 6.

Thanh An: Theo đánh giá của anh thì cách huấn luyện của ông Park có điểm gì đặc biệt?

Lê Huy Khoa: Tôi chưa từng làm việc với một HLV nào khác ngoài ông Park nên cũng chẳng biết là các HLV khác khi huấn luyện thì sẽ như thế nào, nhưng với ông Park tất cả mọi người vừa sợ vừa nể và làm việc hết lòng với ông ấy.

Điểm thú vị đó là trên sân tập, ông Park không bao giờ là người hướng dẫn từng ly từng tí một điều gì trừ khi thực sự cần thiết. Mọi việc, trước hết ông giao cho các trợ lý làm, từ khởi động cho đến tập chiến thuật… Ông ấy chỉ đứng ở ngoài quan sát. Sau đó rồi ông mới bắt đầu nhìn ra vấn đề và đi vào chỉnh sửa cụ thể. Ví dụ như cầu thủ này động tác bị sai này, những di chuyển vừa rồi bị lệch này. Nghĩa là mọi việc của ông ấy đều có đầu mối cụ thể, và việc của ông ấy là giám sát các đầu mối.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 7.

Trong sinh hoạt, ông Park là người gương mẫu và gần gũi với tất cả mọi người, rất tâm lý và nhưng không hề dễ dãi. Cách giám sát của ông ấy thì cực kỳ sát sao. Ngày nào ông cũng hỏi tất cả mọi người: "Tôi giao việc này anh đã làm chưa? Làm thế nào? Báo cáo cho tôi? Tình huống mới này cách xử lý thế nào?" Rất chi tiết, không chút quan liêu.

Thậm chí, bác sĩ trong đội ngày nào vào giờ đấy cũng sẽ nhận được câu hỏi: Chấn thương của cầu thủ tối qua như thế đến sáng hôm nay đã thế nào? Trả lời rõ xem chấn thương hồi phục được bao nhiêu phần trăm? Hôm qua 70% thì hôm nay được bao nhiêu phần trăm rồi?...

Và có một điểm mới mà những giải đấu gần đây tôi phát hiện ra, đó là xưa nay người ta chỉ phân tích về mặt kĩ thuật, chiến thuật của ông Park thôi, nhưng bây giờ tôi mới cảm nhận một cách rõ ràng rằng ông ấy chính là một chuyên gia về tâm lý bậc thầy, hết sức lão luyện. Cực kỳ giỏi về mặt phát huy tinh thần, tâm lý, khích lệ, truyền cảm hứng. Giỏi lắm.

Thanh An: Chiếc thẻ đỏ vừa rồi liệu có phải là một trò tâm lý của ông ấy không?

Lê Huy Khoa: Không phải đâu. Lần này là ông nóng thiệt luôn đó. Thực ra ban đầu ông chưa nóng đâu, ông ấy chỉ nóng lên khi trọng tài rút thẻ đỏ. Bởi vì cái thẻ đỏ đó thực sự không đáng. Hành động đó của HLV Park Hang-seo là không hề đáng bị nhận thẻ đỏ.

Ngay từ đầu khi vào sân tôi đã nhìn thấy dấu hiệu căng thẳng rồi. Trọng tài căn đi căn lại tụi tôi từng thành viên trong ban huấn luyện rất nhiều lần. Tôi tìm cách chủ động giải thích với trọng tài rằng, tôi là phiên dịch cho nên có việc gì thì ông cứ trao đổi với tôi để nguội bớt tình huống đi. Trọng tài cũng thấy tôi đi đi lại lại, và rõ ràng ông ấy để mắt đến rất nhiều lần. Nhưng họ không phạt được bởi vì tôi là phiên dịch.

Tôi thấy họ quan sát rất kỹ, không hiểu họ có ý gì, nhưng thâm tâm tôi biết có vẻ như chỉ cần ông Park ra phản ứng một cái thôi như các trận trước là thể nào cũng bị bụp thẻ liền. Và đúng như vậy.

Khi Trọng Hoàng vừa bị đốn, ông Park ra phản ứng một cái là bị trọng tài thổi còi luôn. Có mỗi một hành động đó thôi đấy, trước đó không có hề một phản ứng nào từ HLV Park cả. Các trận trước thì phải nói là có phản ứng, nhưng trận này thì chỉ một hành động đó thôi.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 8.

Mình tuy không phải dân bóng đá nhưng ở góc quan sát gần và trực diện tôi biết chắc chắn rằng hành động này chẳng có lý do gì để phạt thẻ đỏ cả. Chúng ta đang dẫn 3 - 0 thì việc gì chúng ta phải quá khích đến mức bị ăn thẻ đỏ? Khi trọng tài rút thẻ đỏ thì tôi nghĩ: Chết rồi! HLV nhà mình sẽ không có mặt trong họp báo, thậm chí còn bị hạn chế ra sân khi nhận huy chương… Chiến thắng có thể sẽ không được trọn vẹn.

Tôi lao ra cùng ông Park và anh Đàn, một là để giải thích, hai là cũng một cách nào đó tạo áp lực để thay đổi quyết định của trọng tài. Mọi người cứ nghĩ tôi vào dịch, nhưng mà không phải. Tôi không dịch mà cố giải thích với trọng tài, thẻ đỏ đó là không đúng. Tôi nói bằng tiếng Anh đây là lần đầu tiên ông ấy ra ngoài sân để phản đối. Thứ hai nữa, hành động đó cùng lắm chỉ là thẻ vàng chứ không thể nào là thẻ đỏ được. Lúc đó tôi cảm giác như mình đang bị thẻ đỏ. Và phản ứng của tôi chỉ là đang phân bua cho chính mình.

Giây phút đó chẳng hề là chiêu trò tâm lý gì cả. Đơn giản chỉ bởi trọng tài đã quá nặng tay. Còn ông Park chỉ nói: "Tại sao lại phạt tôi như thế? Lý do gì mà phạt tôi?"

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 9.
Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 10.

Thanh An: Bậc thầy tâm lý thì cũng có lúc là con người thôi nhỉ!

Lê Quang Huy: Trên sân bóng ai cũng có thể sai sót. Đó là điều ông Park đã nói. Bóng đá ấy mà nếu không sai sót thì tỷ số trận đấu sẽ luôn là hòa chứ không ai thắng được đâu. Mà có sai sót thì đó mới là bóng đá.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 11.

Nhưng cách ứng xử của HLV với mỗi một sai sót cụ thể mới là điều quan trọng. Cũng trong kỳ SEA Games vừa rồi, khi hai thủ môn lần lượt mắc lỗi ở hai trận liên tiếp, ban huấn luyện cũng nghĩ đi nghĩ lại. Họ băn khoăn không biết phải nói với cầu thủ thế nào đây. HLV thủ môn là anh Thế Anh có nói với ông Park: "Chắc để em nhắc nhở làm tư tưởng các cháu".

Ông Park bảo: "Không! Đừng có làm như thế. Đừng nhắc nữa. Khi sai sót thì người đau đớn nhất là cầu thủ rồi. Trừ trường hợp người ta không nhận thức ra cái lỗi đó thì mới nói, còn người ta đã nhận ra lỗi, người ta đang đau khổ thì đừng có nói nữa. Em chỉ là buồn thôi, còn họ mới là người đau khổ nhất. Nói gì nữa? Hôm sau ra sân, em hướng dẫn lại cẩn thận những động tác họ từng sai, để cho họ nhớ mà đừng sai sót nữa".

Ông Park Hang-seo có một điều rất hay là không bao giờ khiển trách cầu thủ. Mặc dù bình thường rất dữ dội nhưng đến khi trực tiếp một cá nhân nào đó phạm lỗi thì ông ấy đối xử như một nhà sư phạm lại vừa như một người cha. Tôi ngưỡng mộ ông vì ông có tình cảm chân thành khi hành xử, có sự nhiệt huyết và trách nhiệm với việc mình làm, có cái chính trực của người quân tử.

Thanh An: Ông Park và cả anh Lee đều lên tiếng cảm ơn anh sau một quá trình gắn bó. Bản thân anh thì khẳng định rất yêu quý và kính trọng HLV Park Hang-seo. Vậy, kế hoạch công việc của anh trong tương lai với Liên đoàn và với ông Park là như thế nào?

Lê Huy Khoa: Hai ông ấy sang Việt Nam những ngày đầu bỡ ngỡ, đúng là tôi đã nỗ lực để hỗ trợ rất nhiều. Tôi làm điều đó bởi vì tôi hiểu thành công của họ sẽ là thành công của bóng đá Việt Nam.

Từ ngày đầu tiên cho đến nay, tất cả những giải đấu ở cấp đội tuyển quốc gia, tôi đã và sẽ là người phiên dịch. Các đội tuyển thành lập, ban huấn luyện người Việt thường sẽ có sự thay đổi, còn tôi thì vẫn làm. Tôi muốn thông qua công việc củ mình cống hiến cho bóng đá Việt Nam.

Về lịch trình công việc thì tôi, ông Park và Liên đoàn đều đã thống nhất với nhau để đi đến kế hoạch chung cụ thể. Rất mong mọi người hiểu cho công việc của tôi là trách nhiệm, là vinh dự của một công dân với tổ quốc. Nhưng bản chất, quan hệ của tôi là quan hệ của người đi làm theo hợp đồng, được trả lương. Nếu người đi thuê họ thấy tôi không phù hợp thì họ không ký. Ngược lại nếu không phù hợp với mình, tôi cũng có thể từ chối. Nhưng Hợp đồng không quan trọng bằng niềm tin giành cho nhau. Sau hai năm, chúng tôi đã hiểu nhau và bây giờ thì niềm tin là điều quan trọng.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 12.
Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 13.

Thanh An: Dịch cho ông Park có điểm gì anh thấy khó nhất và anh đã phải giải quyết như thế nào?

Lê Huy Khoa: Tôi là trợ lý ngôn ngữ của cả đội tuyển hơn 35 con người, chứ không phải của mình ai cả. Tôi dịch cả Hàn Việt và Việt Hàn, hai chiều và phần lớn là liên quan về bóng đá. Nói chung về cơ bản tôi phải dịch hết.

Ở đội tuyển, tôi dịch Hàn - Việt nhiều hơn là Việt - Hàn. Thật khó để nói chính xác là cái nào khó, cái nào dễ. Riêng việc dịch Hàn - Việt thì tôi cảm thấy thoải mái hơn vì mình quen hơn và tôi nghĩ tôi biết cách để "gia công" câu nói đó hiệu quả nhất. Phóng viên thường nói rằng tôi dịch thì câu từ đầy đủ, vì thế các anh chị ấy không phải ngồi mổ băng, đoán nghĩa này nghĩa nọ, chỉ cần chép thành câu mà đăng bài thôi. Hahaha... Nghề dịch học ít nhất cũng phải 2 năm mới có thể làm sơ đẳng, còn học thì không giới hạn, tôi học và dịch tiếng Hàn gần 24 năm rồi mà hiện nay, vẫn thấy nhiều cái khó.

Dịch cho đội tuyển khác hoàn toàn với dịch hội nghị, hội thảo, hay dịch đàm phán… nhưng tôi vẫn giữ một nguyên tắc cho tất cả các cuộc phiên dịch của mình đó là chính xác và tuyệt đối không can thiệp ý của cá nhân vào, trừ cảm xúc tích cực.

Ở đội tuyển, trước một trận đấu thì sẽ có một cuộc họp để HLV trưởng dặn dò, lên tinh thần cho toàn đội. Ông Park rất hay. Ông ấy thường xuyên có những bài phát biểu rất xuất sắc, rất tâm lý và hàm chứa ý nhiều nghĩa vô cùng. Cái khó của phiên dịch là cần phải biết ông ấy nói thế là nhắm vào cái gì: Chấn chỉnh kỷ cương? Lên tinh thần? Nhắc nhở? Hay tạo động lực?… Qua mỗi một bài phát biểu, tôi biết rằng trận đấu đó nhắm vào điểm gì, lúc đó tôi sẽ cố gắng lựa chọn từ ngữ làm thế nào để đạt hiệu quả tối đa. Công việc đã quen và bây giờ thì nhắm mắt tôi cũng hiểu cả đội sẽ nói gì. Nhưng nói thế thôi, tôi vẫn rất hồi hộp khi dịch. Nghề dịch cần nhiều kinh nghiệm, dịch cho bóng đá cần có kiến thức về bóng đá, tình yêu với nó và sự ứng biến nhanh nhẹn.

Thanh An: Có một lần nào đó anh đã phải cân nhắc rất kỹ khi phiên dịch?

Lê Huy Khoa: Nhiều chứ! Bóng đá vừa là trò chơi của cảm xúc, trò chơi của đồng đội, của kỷ luật, vừa còn là cuộc đấu trí của cả hai bên, vì thế ngôn ngữ sử dụng cũng phải phù hợp. Chẳng hạn trong cuộc họp báo sau trận gặp Thái Lan khi mà ông ấy bị người ta trêu chọc ấy, ông Park nói rõ câu: "cái gì chứ còn mà chuẩn bị tinh thần, tiếng Hàn gọi là Xa tu tà thì tôi đã sẵn sàng".

Trong bối cảnh buổi họp báo được báo đài phát sóng trực tiếp, livetream rất nhiều, bây giờ nếu mình dùng câu tiếng Việt tương ứng: "Gì chứ đánh nhau tôi cũng sẵn sàng" nghe nó kỳ quá, dịch thế thì thành chợ búa. Tôi chuyển "đánh nhau" thành "chiến đấu": "Gì chứ chiến đấu thì tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng". Câu đấy mang nhiều nghĩa, mà quan trọng nó hàm ý lịch sự, khí chất tốt hơn.

Ở giải đấu SEA Games vừa rồi, trước trận gặp Cambodia, tôi nhớ ông Park lên dây cót tinh thần cho các cầu thủ khoảng 30 phút, ông nói liên tục. Nắm được tinh thần của ông Park cho nên tôi quyết dịnh phải sử dụng nhiều từ ngữ gây cảm xúc, phải đi đến tận trong trái tim của từng cầu thủ: "Chúng ta chỉ đứng trước lịch sử còn một bước chân. Vào đây ai cũng mệt mỏi rồi, họ cũng vậy, bây giờ là lúc phải chiển đấu bằng tinh thần thôi".

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 14.

Cuối buổi họp đó, chú trưởng đoàn tìm tôi và bảo: "Khoa, Khoa, ông Park ông nói hay quá! Cháu ghi chép được không cho chú xin?" Đúng là bài nói chuyện rất cảm động, tôi rất muốn ghi chép lại vì nó quá hay, nhưng làm sao mà kịp nổi.

Nói chung, thời gian đầu tôi tôi làm việc với cường độ dịch rất cao và đòi hỏi phải động não, phản ứng rất nhanh. Cần bây giờ đã có kinh nghiệm rồi, tự tôi cũng biết cách điều tiết nó hơn.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 15.

Thanh An: Chúng ta hãy nói về bản thân anh nhé. Nổi tiếng có, thành công có, nhưng cũng có những tranh cãi xung quanh… Anh đối diện với những tranh cãi đó như thế nào?

Lê Huy Khoa: Ban đầu, tôi coi đó là chuyện bình thường, không để nó không ảnh hưởng đến mình cũng như công việc của mình; nhưng rồi phải thú thật, có những lúc tôi rất buồn lòng.

Nghiệm lại đến thời điểm này, tôi biết mình đã đến với bóng đá bằng cái tâm chân thành. Vậy mà tại sao vẫn có những bài báo viết sai về mình như vậy? Nói thật nhiều lúc như thế, tôi muốn nghỉ hẳn để tránh xa rắc rối. Thậm chí em tôi là luật sư còn khuyên tôi nên khởi kiện.

Sau này có người nói tôi mới biết, nội bộ những người làm bóng đá hóa ra cũng lắm phe nhiều phái. Mình coi như là trúng phải luồng gió độc thôi, đừng buồn và đừng quá để ý. Các anh trong làng bóng đá cũng tư vấn để tôi tĩnh tâm hơn khi làm việc. Tôi không muốn nói lại những chuyện đó. Bởi tôi biết chắc chắn rằng, người thực sự yêu bóng đá sẽ hiểu câu chuyện nó là như thế nào. Và đó đã là quá khứ rồi, nếu cần thiết cứ để cho luật sư họ làm việc.

Thanh An: Có nghĩa là anh đang có những tâm tư?

Lê Huy Khoa: Tôi đang một chốn đôi nơi, một bên là lý trí (công việc hiện tại), một bên là tình cảm và cảm xúc (bóng đá).

Tôi cũng có niềm lo riêng chứ. Vì mình là chủ một cơ sở đào tạo lại bỏ đi cả 2 - 3 tháng trời giao hết cho nhân viên người ta tự làm. Rồi giao hết cho vợ con, gia đình phải tự quản lý… Mình đi mình được thỏa mãn đam mê nhưng việc của mình thì người khác phải gánh hết. Mỗi lúc đi về cứ cảm thấy có lỗi với họ. Thật ra tôi rất cảm ơn những nhân viên, những trợ lý, những người thân của mình, nếu không có họ thực sự không biết mình có dám bứt ra mà đi được hay không nữa.

Bạn thấy đấy, nhân viên trường tôi cỡ 60 - 70 người rồi, chỉ cần thu nhập hoặc đời sống của anh chị em đi xuống hoặc giảm một cái vì mình vắng mặt thì sẽ rất khó xử. Tôi cũng có nhiều trăn trở, phải lo. Nhưng không sao, 2 năm nay tôi làm được thì rồi sẽ vẫn tiếp tục thu xếp được thôi.

Thanh An: Trước khi dịch cố định cho HLV Park Hang-seo thì anh đã từng dịch cho rất nhiều khách hàng khác. Có thể đo đếm được lợi và hại khi anh dành quá nhiều thời gian dành cho bóng đá?

Lê Huy Khoa: Ảnh hưởng thì có, mấy ai mà vẹn được cả đôi đường? Nhưng tôi chấp nhận điều đó vì không phải lúc nào cũng có cơ hội để trải nghiệm những đỉnh cao như bóng đá thời điểm này đang thực hiện đâu.

Ngoài giảng dạy, tôi là phiên dịch và sống tốt bằng nghề dịch hẳn hoi. Nhưng có cái vui là 2 năm nay đi dịch cho đội tuyển thì tôi mất hết mối dịch rồi. Mối cũ họ nghĩ ông này bận nên không gọi nữa. Còn mối mới thì họ cho là ông này giờ nổi tiếng rồi, không có tiền trả ông đâu, đừng gọi. Ví dụ như có những đoàn Hàn Quốc một năm định kỳ họ báo với mình lịch sang Việt Nam khoảng 3 - 4 lần, mỗi lần mình lại đi dịch 1 - 2 tuần. Trước thì nhiều lịch đăng ký như thế lắm nhưng 2 năm nay họ chẳng gọi nữa. May mà mình còn có trường dạy tiếng Hàn để trở về.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 16.
Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 17.

Thanh An: Anh nổi tiếng lên cùng bóng đá và ông Park, liệu lượng học viên đến Trung tâm có tăng lên không?

Lê Huy Khoa: Nhiều người nghĩ thế, nhưng bóng đá với tiếng Hàn chẳng liên quan gì tới nhau. Việc người ta biết nhiều hơn về Hàn Quốc không có nghĩa là người ta sẵn sàng tiền để đi học tiếng Hàn. Chỉ có điều, tôi hy vọng nhờ bóng đá mà quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trở nên gắn bó hơn thì người học ngoại ngữ chọn tiếng Hàn sẽ nhiều lên. Và rất may trường chúng tôi là thương hiệu lớn về đào tạo tiếng Hàn ở Việt Nam nên vẫn duy trì được số lượng học viên khá ổn định.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 18.

Thật ra, bóng đá lan tỏa rất nhanh, nó mang lại nhiều niềm vui nhưng cũng không ít sự phiền toái. Khi mình đang là một người bình thường bỗng được nhiều người quan tâm thì cũng có cái hay, cái vinh dự; nhưng đi kèm là rất nhiều phiền toái. Mỗi động tĩnh của mình, kể cả đời sống riêng tư đều bị soi kỹ.

Ví dụ, Mỗi giải đấu tôi đi về là thường bị xúm vào hỏi chuyện.. tiền thưởng. Họ chỉ thấy trên báo tuyển Việt Nam được thưởng vài chục tỷ, họ cứ nghĩ ông Khoa này chắc được nhiều tiền lắm. Thậm chí có người còn bảo: "Đợt này chú cần ít tiền, con cho chú vay"… Có người còn trách "đi nước ngoài quá trời sao không có quà cáp gì hết"... Những tình huống đó nhiều khi khiến mình vừa khó ứng xử, vừa buồn cười.

Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng nổi tiếng cũng có niềm vui của nó. Cái hay đó là tìm lại được rất nhiều bạn bè cũ, kết thân được rất nhiều bạn bè mới, nhiều người biết đến, uy tín xã hội cũng được khẳng định. Có những người bạn tưởng chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại, bỗng thấy mình trên tivi cũng chủ động tìm về… Nói chung mình cũng cần làm quen với hai mặt của sự nổi tiếng.

Thanh An: Còn gia đình anh thì ứng xử như thế nào với việc anh hay mất hút cùng đội tuyển?

Lê Huy Khoa: Vợ con tôi chẳng quan tâm lắm đến bóng đá. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi có lời khuyên những ai đang muốn "đến" với bóng đá một cách chân tình rằng: bạn chỉ có thể hạnh phúc cùng bóng đá khi và chỉ khi sắp xếp được gia đình ổn thỏa. Còn nếu không thì thôi, đừng tham gia. Bởi vì nó ảnh hưởng rất lớn đến gia đình.

Như nhà tôi, các con đang tuổi lớn chẳng hạn, bố vắng mặt khoảng 1 tháng thôi là lập tức nó khác rồi. Mà tôi là còn đi ít, chứ cầu thủ, huấn luyện viên, nhân viên kỹ thuật… họ đi quanh năm suốt tháng, mọi việc giao hết cho vợ. Có lần vợ tôi tâm sự, đêm đang ngủ nghe tiếng sột soạt ở cửa, 3 mẹ con chỉ dám ôm nhau im thin thít trên giường thôi chứ không dám làm gì. Một người phụ nữ với hai đứa trẻ con biết làm gì bây giờ? Tôi là đàn ông nghe vợ rụt rè kể vậy biết làm gì bây giờ?

Nói chung, người làm bóng đá ai cũng đều có thiệt thòi, tâm sự riêng. Tôi chỉ tham gia một chút rồi bước ra mà còn cảm nhận được sự khắc nghiệt của nó. Nhưng ác cái là bóng đá nó làm cho người đến với nó phải dồn hết mọi tập trung, mọi quan tâm cho nó. Đến mức không thể nào quên nổi nó đâu. Ai đã lỡ mê và làm bóng đá rồi là sẽ không thể quên nổi. Tôi rời đội mấy tuần rồi mà nhiều khi trong giấc ngủ giật mình tỉnh giấc: "Ủa ngày mai thi đấu à? Lịch họp đội mấy giờ?" Đại khái là tình yêu mà, nó vẫn cứ nằm sâu trong trí nhớ.

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa: Ông Park - nhà tâm lý bậc thầy và nỗi oan trận chung kết - Ảnh 19.

(còn nữa)

Thanh An
Tuấn Mark, Hiếu Lương, Phong Anh
Đỗ Linh
Theo Trí Thức Trẻ02/01/2020

Kỳ cuối: "Cởi đồ cầu thủ ra đi. Người đầy sẹo, chân biến dạng. Trời ơi, tội lắm"

Trí thức trẻ