Triệu phú khu ổ chuột phiên bản nữ tại Ấn Độ: Lấy chồng năm 12 tuổi, bị lạm dụng, 42 tuổi trở thành chủ tịch công ty với tài sản 112 triệu USD
Hành trình từ cô dâu 12 tuổi chịu nhiều tủi nhục, bất hạnh đến nữ chủ tịch với khối tài sản 112 triệu USD của Kalpana Saroj thật ngoạn mục nhưng cũng đầy ám ảnh.
Kalpana Saroj được mô tả như "triệu phú khu ổ chuột" phiên bản nữ bởi cuộc đời gian khó nhưng đầy ngoạn mục của mình. Sinh ra trong nghèo khổ, là nạn nhân của những hủ tục lạc hậu trong xã hội Ấn Độ, phải gánh chịu những đau đớn về cả thể xác và tinh thần, câu chuyện của nữ chủ tịch của Kamani Tubes là nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhưng cũng không khỏi ám ảnh.
Cô dâu 12 tuổi phiên bản tả thực
Kalpana Saroj sinh năm 1958, trong một gia đình dưới mức trung lưu ở Vidarbha với 3 chị gái và 2 anh trai, cha là cảnh sát. Đến năm 12 tuổi, cô bé khi ấy bị đuổi khỏi trường và ép kết hôn.
"Cha tôi không phải là một người đàn ông có học thức cao, nhưng nhờ công việc của mình trong cơ quan thực thi pháp luật, cha được giải phóng khỏi những quan niệm lạc hậu và muốn tôi hoàn thành việc học của mình.", Kalpana chia sẻ.
Kalpana Saroj (ngoài cùng bên trái) cùng mẹ và cháu gái.
Nhưng trong cộng đồng Dalit mà Kalpana lớn lên, hôn nhân trẻ em là chuẩn mực. Người cha khi ấy bất lực trước những áp đặt và miệng lưỡi của những thành viên trong đại gia đình, đã không thể cứu đứa con bé nhỏ của mình khỏi tình cảnh như bao bé gái khác.
Cô đến khu ổ chuột ở Ulhasnagar, sống với nhà chồng trong một căn phòng 10,5 ft, nơi có 12-15 người sống chung dưới một mái nhà. Cuộc sống hôn nhân đối với cô, chắc chắn là địa ngục chứ chẳng hề trải đầy hoa hồng.
"Tôi là một đứa trẻ 12 tuổi gầy gò, chịu trách nhiệm với tất cả các công việc nấu nướng, dọn dẹp, giặt ủi,… cho một hộ gia đình hơn chục người. Nhưng thế chưa hết. Họ rất tàn bạo, coi tôi thì như vật tế thần. Họ sẽ kiếm những cái cớ nhỏ nhất như quá nhiều muối trong thức ăn, nhà chưa được cọ rửa sạch sẽ,.. để rồi đánh, đấm và đập tôi một cách dã man. Họ bỏ đói và không ngừng những hành vi lạm dụng tình cảm và cả thể xác lên tôi.", Kalpana kể lại.
Kalpana không được phép ra ngoài hoặc duy trì bất kỳ liên lạc nào với gia đình. Nhưng may mắn thay, cha cô, người làm việc trong thị trấn, đã đến thăm mong làm con gái bất ngờ. "Ông sững sờ và nói rằng nhìn tôi như xác chết biết đi chứ không phải con gái mình.". Ông lập tức đưa con gái đi và đó cũng là ngày cô được thả tự do.
Sống thì khó còn cái chết thì chẳng là bao
Tại Ấn Độ, những cô gái rời bỏ nhà chồng bị cho là nỗi nhục của gia đình. Kalpana cũng không ngoại lệ. Quyết tâm không trở thành gánh nặng cho cha, cô nộp đơn tại một trại tuyển dụng phụ nữ địa phương, trại điều dưỡng, và cả quân đội. Nhưng tuổi tác và sự thiếu giáo dục đã khiến Kalpana liên tục bị từ chối.
Trong khi đó, những lời chế nhạo, mỉa mai dành cho cô ngày càng nhiều thêm. "Những người xung quanh nói rằng chỉ khi tôi tự sát, khi ấy nỗi dơ nhục mà tôi mang đến cho gia đình mới biến mất.", Kalpana kể lại.
Nỗi tủi nhục, uất ức lên đến đỉnh điểm đã khiến cô bé tìm đến cái chết bằng cách uống thuộc độc. Nhưng dì của Kalpana đã may mắn phát hiện kịp thời và đưa cô đến bệnh viện.
"Tôi không biết làm thế nào mà tôi có thể sống sót với số chất độc mà mình đã uống. Nhưng khi tỉnh lại trong phòng bệnh viện, tôi không còn là tôi của ngày xưa nữa. Đã qua rồi, cô gái bất lực ngây thơ mà thế giới cho là quá vô dụng để tồn tại. Tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn. Tôi đã được trao cơ hội thứ hai trong cuộc sống và đã không lãng phí nó để tự thương hại thêm một giây.", Kalpana chia sẻ.
Năm 1972, sau khi được bố mẹ chấp thuận, Kalpana chuyển đến Mumbai để làm công việc may vá toàn thời gian ở nhà một người thân. Không lâu sau, cha cô bị mất việc, Kalpana lại gánh trên mình trọng trách kiếm tiền, trở thành trụ cột của gia đình. Cha mẹ và các em chuyển đến ở cùng Kalpana, trong một căn nhà trọ thuê với giá 40 Rupee/tháng.
Giữa lúc tiền bạc khan hiếm, em gái của cô ngã bệnh nhưng gia đình lại không đủ tiền chạy chữa. "Điều đó khi tôi nhận ra rằng cuộc sống không có tiền là vô ích và tự nhắc nhở mình phải kiếm được thật nhiều tiền. Tôi bắt đầu làm việc 16 giờ mỗi ngày, một thói quen vẫn duy trì mãi về sau.", Kalpana chia sẻ.
Vay tiền kinh doanh
Với số tiền 50.000 Rupee vay được từ chương trình Mahatma Jyotibhai Phule, Kalpana bắt đầu kinh doanh đồ nội thất, cả cao cấp và giá rẻ. Đây cũng là lúc cô gái trẻ học được những kĩ năng đầu tiên để trở thành một doanh nhân, từ nghệ thuật đàm phán đến xác định xu hướng thị trường.
Cuộc sống đỡ khắc nghiệt hơn, cô bắt đầu một mở tổ chức phi chính phủ nhỏ, nơi tổng hợp và phân phối kiến thức về các khoản vay cùng các chương trình khác nhau của chính phủ dành cho những người có hoàn cảnh như mình. Khoảng 3.000 người đã tham gia hiệp hội của Kalpana và có một nhóm 11 thành viên hiện đang làm việc tại tổ chức này.
Kalpana sớm mở một tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình.
"Tôi không muốn một đứa trẻ, trai hay gái, phải trải qua những gì đã xảy ra với tôi. Tôi muốn cho họ biết rằng họ có thể làm những điều tuyệt vời với cuộc sống của mình, nếu họ quan tâm để tìm ra cách.", cô nói.
Kalpana trả hết các khoản vay sau 2 năm. Không những vậy, cô gái trẻ sau đó còn tiếp tục mở rộng hơn hoạt động kinh doanh nội thất, bất động sản của mình.
Đến với Kamani Tubes từ lời kêu cứu của các công nhân
Kamani Tubes vốn được sáng lập bởi Ramjibhai Kamani. Nhưng sự ra đi của doanh nhân tài ba này đã dẫn đến cuộc tranh chấp tài sản giữa các con trai ông. 140 vụ kiện cùng những khoản nợ khổng lồ đã khiến 2 trong 3 công ty của Kamani phải thanh lý.
Năm 1999, công ty còn lại dường như cũng đang trong tình cảnh tương tự. Các công nhân tìm gặp Kalpana – khi ấy đã trở thành mộ nữ doanh nhân có tiếng tăm, cầu xin cô cứu công ty, cứu lấy sinh kế của họ. Dù không hề có kiến thức hay kinh nghiệm gì trong lĩnh vực mới này nhưng "nghĩ về 566 gia đình chết đói đã khiến tôi trăn trở. Tôi không có gì để mất."
Năm 2000, Kalpana, khi ấy 42 tuổi, đồng ý ngồi vào hội đồng quản trị và chịu mọi trách nhiệm pháp lý. Trong suốt 6 năm tiếp theo, bà đã chạy vạy để thuyết phục chính phủ cùng các ngân hàng giảm nợ cho công ty. Kết quả là không những không phải phải trả tiền phạt và lãi, họ còn khấu trừ 25% so với số tiền gốc. Sau 3 năm, các khoản vay ngân hàng, nợ lương công nhân đều đã được trả.
Kalpana cùng các công nhân của Kamani Tubes.
Năm 2006, bà được bổ nhiệm làm chủ tịch công ty, chính thức sở hữu Kamani Tubes. Năm 2010, nhà máy được chuyển sang Wada với khoản đầu tư 5 triệu Rupee (gần 72.000 USD). Chỉ sau 1 năm, công ty đã kiếm được 3 triệu USD lợi nhuận.
Đến nay, Kamani không còn là một công ty ốm yếu mà trái lại, doanh thu lên đã lên tới 1.000 Rupee core (khoảng 143 triệu USD) với khả năng sản xuất 7.000 -10.000 tấn hợp kim mỗi năm.
Kalpana đã được Chính phủ Ấn Độ trao tặng giải thưởng Padma Shri về Thương mại và Công nghiệp vào năm 2013 và cũng được Chính phủ Ấn Độ bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của Ngân hàng Bhartiya Mahila.
Hiện tại, giá trị tài sản ròng của bà là 112 triệu USD. Kalpana tái hôn, nhưng chồng đã qua đời. Con gái của bà, Seema đang theo học ngành quản lý khách sạn trong khi con trai Amar là một phi công thương mại.
Cuộc đời chẳng khác gì một bộ phim, được tạo nên bởi biết bao bi kịch, bất hạnh nhưng rồi Kalpana đã được hưởng "trái ngọt", sau những nỗ lực vươn lên, không chịu đầu hàng số phận của mình.