Triệt phá đường dây làm giả hàng nghìn hồ sơ kiểm toán

05/05/2022 08:44 AM | Xã hội

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ vừa bóc gỡ 5 đường dây, bắt giữ 6 đối tượng, triệu tập hàng trăm trường hợp có liên quan; cơ quan điều tra tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi của các cá nhân và doanh nghiệp tiếp tay cho việc giao dịch, mua bán các loại giấy tờ bất hợp pháp trong vụ án.

Gỡ những nút thắt trong vụ án

Đầu năm 2021, qua công tác quản lý địa bàn, trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp có năng lực tài chính hạn chế nhưng khi lập hồ sơ đấu thầu các dự án thì có các báo cáo kiểm toán có doanh thu, lợi nhuận cùng tài sản..., đủ điều kiện để tham gia các dự án hoặc được ngân hàng giải ngân, cho vay với số tiền lớn hơn so với tài sản.

Điển hình trong số đó phải kể đến Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế Thái Sơn. Theo báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2020 của công ty này lên cơ quan thuế thì lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chưa đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bộ hồ sơ thực hiện đấu thầu một dự án trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đã được nâng lên gần 14 tỷ đồng. Từ dấu hiệu nghi vấn trên, các điều tra viên và trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế nhận định nhiều khả năng đã có sai phạm từ các đơn vị kiểm toán độc lập...

Triệt phá đường dây làm giả hàng nghìn hồ sơ kiểm toán - Ảnh 1.
Một buổi họp của Ban Chuyên án.

Thượng tá Bùi Quang Khoa, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết, khi tiến hành xác minh, các trinh sát và điều tra viên của đơn vị gặp không ít khó khăn do các đơn vị kiểm toán độc lập, đơn vị trung gian đều nằm ở tỉnh ngoài. Trong khi đó, các đối tượng phạm tội trong đường dây có nhiều phương thức hoạt động tinh vi để đối phó với sự phát hiện của lực lượng chức năng. Cụ thể, cùng lúc, đối tượng thành lập nhiều website, sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook để tìm kiếm khách hàng.Sau đó, sử dụng sim giả, các email cá nhân giả để thực hiện giao dịch. Đối tượng tham gia phần lớn là những người không có công ăn việc làm ổn định; không có lý lịch và nơi cư trú rõ ràng... nhưng vẫn đứng tên để thành lập các công ty "ma".

Trong khi đó, các tài liệu nghi vấn được làm giả vào thời điểm đó lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam, các công ty kiểm toán độc lập đều được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động kiểm toán độc lập, người ký xác thực đều có giấy chứng nhận hành nghề kiểm toán... Vì thế, các trinh sát phải nghiên cứu tài liệu, từ đó, xác định xem đây có phải là tài liệu giả hay không.

Ngày 16-12-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Bá Huyên (SN 1988, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán VNASC), Vũ Hồng Hải (SN 1973, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn đầu tư tài chính châu Á về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Triệt phá đường dây làm giả hàng nghìn hồ sơ kiểm toán - Ảnh 2.
Báo cáo so sánh số liệu của Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế Thái Sơn.

Quá trình điều tra xác định, Chi nhánh Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán VNASC được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp đăng ký kinh doanh ngày 3-2-2016, được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động kiểm toán độc lập ngày 17-3-2016, trụ sở đăng ký kinh doanh tại số 8 ngõ 84, đường Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội nhưng hoạt động tại địa chỉ nhà D5C, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội, đăng ký thay đổi lần 1 ngày 8-1-2020; người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Thắm (SN 1989, thường trú tại cụm 6, Tử Dương, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội).

Đây là đơn vị hạch toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch, hoạt động theo ủy quyền của Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán VNASC do bà Nguyễn Tố Trinh là giám đốc. Vì không có giấy chứng nhận hành nghề kiểm toán nên Nguyễn Bá Huyên đã sử dụng giấy chứng nhận hành nghề kiểm toán của bà Thắm, chứng chỉ kiểm toán viên của bà Trần Thị Mai (SN 1984, trú tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm), ông Dương Việt Cường (SN 1989, trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) để thành lập chi nhánh Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán VNASC.

Mặc dù trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bà Nguyễn Thị Thắm là giám đốc - người đại diện theo pháp luật, Nguyễn Bá Huyên được bổ nhiệm là phó giám đốc, bà Trần Thị Mai, ông Dương Việt Cường là kiểm toán viên của chi nhánh VNASC nhưng trên thực tế Huyên trực tiếp điều hành hoạt động của chi nhánh. Chi nhánh này hoạt động trên nguyên tắc: Khi làm việc với khách hàng là các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu kiểm toán, Huyên phải trao đổi và cùng bà Mai, bà Thắm, ông Cường tiến hành các nghiệp vụ kiểm toán trước khi phát hành báo cáo kiểm toán độc lập cho các đơn vị, doanh nghiệp. Nhưng, quá trình hoạt động, Huyên không thực hiện theo thỏa thuận nêu trên.

Từ tháng 1-2020, Huyên đã tự nghĩ ra mẫu chữ ký của giám đốc chi nhánh, của bà Mai, ông Cường, kiểm toán viên và giả chữ ký của 3 cá nhân trên để lập báo cáo kiểm toán độc lập giả, bán cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu kiểm toán báo cáo tài chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

Tháng 10-2020, bà Nguyễn Tố Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán VNASC đã yêu cầu chi nhánh VNASC giao con dấu tròn của chi nhánh để công ty quản lý với mục đích kiểm soát công việc của chi nhánh VNASC. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện hành vi làm giả báo cáo kiểm toán độc lập, Huyên tự ý thuê khắc con dấu tròn của chi nhánh VNASC và sử dụng trái phép khi không được sự đồng ý của Công ty VNASC. Quá trình đấu tranh mở rộng, Cơ quan điều tra xác định từ năm 2019, khi chưa thành lập chi nhánh VNASC, Huyên còn thông đồng với Vũ Hồng Hải - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn đầu tư tài chính châu Á để làm và bán báo cáo kiểm toán độc lập giả của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn đầu tư tài chính châu Á, thu lợi bất chính.

Triệt phá đường dây làm giả hàng nghìn hồ sơ kiểm toán - Ảnh 3.
Các tài liệu kiểm toán bị làm giả.

Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán và Đầu tư tài chính châu Á (Công ty châu Á) được thành lập ngày 6-7-2006, có trụ sở tại chung cư 671 Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP. Hà Nội và được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động kiểm toán. Công ty do ông Vũ Khải Hoàn (là bố đẻ của Vũ Hồng Hải) làm tổng giám đốc. Đến ngày 30-5-2019, ông Hoàn qua đời nên ông Trần Tuấn Anh lên thay giữ chức tổng giám đốc; bổ nhiệm ông Vũ Hồng Hải, bà Nguyễn Thị Kim Anh, ông Nguyễn Ngọc Nam giữ chức phó tổng giám đốc. Mặc dù từ ngày 30-5-2019, Công ty châu Á thay mẫu con dấu tròn mới nhưng Vũ Hồng Hải không hủy con dấu cũ mà giữ lại, tự ý sử dụng trái phép.

Từ tháng 5-2019, Vũ Hồng Hải đã ký giả chữ ký của ông Nguyễn Ngọc Nam, bà Nguyễn Thị Kim Anh và bà Đỗ Thị Phương Hoa - kiểm toán viên, còn Nguyễn Bá Huyên ký giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Thủy - kiểm toán viên của Công ty châu Á, sau đó sử dụng con dấu cũ không còn giá trị của công ty để lập các báo cáo kiểm toán độc lập giả. Với thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Bá Huyên và Vũ Hồng Hải đã làm và bán trên 2.000 báo cáo kiểm toán độc lập giả cho trên 2.000 đơn vị, doanh nghiệp, thu lời bất chính số tiền khoảng 2 tỷ đồng.

Gia tăng tội phạm làm giả báo cáo kiểm toán

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố 4 vụ án, khởi tố 4 bị can có hành vi làm giả báo cáo kiểm toán độc lập với phương thức thủ đoạn như Nguyễn Bá Huyên và Vũ Hồng Hải, để bán kiếm lời. Các đối tượng bị khởi tố gồm Trần Kim Cương (SN 1985) - nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá ACF Việt Nam, Phạm Huy Thông (SN 1986) - nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán KDG Việt Nam - chi nhánh số 1, Lương Công Hợp (SN 1985) - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kiểm toán Hoàng gia Việt Nam - chi nhánh Hà Nội và Chu Văn Pháp (SN 1993) - Phó Giám đốc Công ty CP Tập đoàn TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá AVF.

Triệt phá đường dây làm giả hàng nghìn hồ sơ kiểm toán - Ảnh 4.
Cán bộ điều tra lấy lời khai một đối tượng môi giới trong vụ án.

Từ năm 2017-2020, Trần Kim Cương đã làm giả 120 báo cáo kiểm toán bán cho 35 đơn vị, thu lợi hơn 738 triệu đồng; Phạm Huy Thông, trong thời gian từ năm 2018-2020 đã làm giả trên 450 báo cáo kiểm toán, bán cho 421 đơn vị, thu lợi khoảng 600 triệu đồng. Lương Công Hợp trong thời gian năm 2018 và năm 2019, đã làm báo cáo tài chính (nâng khống vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận...) sau đó tự mình ký giả chữ ký của một số người có liên quan..., trên 650 báo cáo kiểm toán bán cho hơn 600 đơn vị, thu lợi bất chính hơn 400 triệu đồng; Chu Văn Pháp, trong năm 2020-2021 đã làm giả trên 100 báo cáo kiểm toán, bán cho hơn 100 đơn vị, thu lợi bất chính khoảng 100 triệu đồng.

Cơ quan điều tra đã thu giữ được một số lượng lớn các bộ hồ sơ, báo cáo kiểm toán độc lập giả mạo cùng nhiều tài liệu liên quan của các cơ quan nhà nước, tài liệu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận. Phần lớn trong số đó là các báo cáo tài chính, thể hiện năng lực doanh nghiệp có hàng trăm tỷ đồng, nhiều nhất vẫn thuộc về lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đang phối hợp với các cơ quan nghiệp vụ mở rộng điều tra đến những đối tượng đang có hành vi tiếp tay và các doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch mua bán các loại giấy tờ bất hợp pháp trong vụ án và kiến nghị các cơ quan chức năng sớm bịt các lỗ hổng trong công tác kiểm toán độc lập.

Theo Xuân Mai

Cùng chuyên mục
XEM