Triết lý làm giàu của ông trùm đầu cơ từng ‘phá sập’ ngân hàng Anh, kiếm 1 tỷ USD trong 24h: Luôn tìm kiếm cơ hội độc nhất, tạo lợi thế trọn đời bằng 4 cách này
Theo tỷ phú này, bản chất của đầu tư tốt khá nhàm chán. Nếu bạn coi đầu tư là một trò giải trí và vui vẻ, có lẽ bạn sẽ không kiếm được tiền.
Mặc dù George Soros có thể không phải là một cái tên quen thuộc như Warren Buffett, nhưng tỷ phú người Hungary lại là một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong lịch sử hiện đại. Quá khứ cơ cực của một đứa trẻ gốc Do Thái, phải tìm mọi cách để sinh tồn trước sự truy lùng phát xít Đức đã hun đúc nên tinh thần ưa mạo hiểm của Soros sau này trong phong cách đầu cơ.
Trái ngược với Buffett với quan điểm đầu tư “Không để mất tiền”, Soros hoàn toàn ngược lại, ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Phương châm của ông chính là: "Trong thế giới đầu tư, việc đúng hay sai không quan trọng, cái quan trọng là nếu đúng sẽ có được bao nhiêu tiền, và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền".
Thương vụ nổi tiếng nhất của Soros là vụ bán khống bảng Anh bằng cách đi vay đồng tiền này và sau đó chuyển đổi sang đổi sang đồng Mark của Đức, đặt cược đồng bảng Anh chắc chắn sẽ rớt giá. "Canh bạc" này đã thành công và Soros thu về 1 tỷ USD trong 1 ngày, khiến cả nước Anh chao đảo. Từ đó Soros được gọi là "người đàn ông phá sập ngân hàng Anh".
Những triết lý đầu tư của “phù thủy phố Wall” đã được đúc kết trong cuốn sách “George Soros: A Life In Full” và nhiều bài luận.
- 1. Nhìn thấy những cơ hội độc nhất qua lăng kính thế giới
Một đặc điểm nổi bật của George Soros là quan điểm quốc tế của ông. Nhà báo tài chính Sebastian Mallaby nhận định Soros là một người “vượt qua biên giới quốc gia, là một nhân vật toàn cầu từ rất lâu trước khi thuật ngữ 'toàn cầu hóa' được đưa vào từ điển."
Thấu kính này rất quan trọng để tìm kiếm những cơ hội độc nhất vô nhị trên khắp thế giới, thường là những cơ hội mà những người khác đã bỏ lỡ. Khoản đầu tư khét tiếng nhất của Soros cũng một trong vô số cơ hội giao dịch mà ông khám phá ra.
Thành công của Soros cũng đến từ việc nhìn ra điểm yếu của các nền kinh tế và tận dụng chúng để đem lại lợi nhuận. Thương vụ Bath Thái năm 1997 hay đồng Yên Nhật năm 2013 là những ví dụ điển hình của việc kết hợp sự hiểu biết chính trị và nhạy bén trong đầu tư của George Soros.
2. Tìm những gì phù hợp với bạn
Tỷ phú người Hungary không tuân theo những quy tắc điển hình của việc đa dạng hoá, giá trị hay sự dài hạn. Ông là một nhà đầu cơ. Soros sử dụng đòn bẩy và có những ván đặt cược lớn trong suốt sự nghiệp của mình, dựa theo sự thẩm định của bản thân theo mỗi tình huống. Ông ít cân nhắc về những nguyên tắc cơ bản.
Dù việc sử dụng đòn bẩy hàng tỷ USD cho các khoản giao dịch vào ngày mai không phải là ý tưởng tốt nhất, nhưng bài học ở đây chính là việc tìm ra phong cách và cách thức thực hiện mọi việc của bạn. Nếu giỏi ở lĩnh vực nào đó, hãy tận dụng điều đó làm lợi thế.
3. Thị trường không thể đoán trước, hãy nghiêm túc để nắm bắt cơ hội
Theo Soros, thị trường có xu hướng thiên lệch và người ta khó có thể dự đoán giá cả sẽ dịch chuyển khi nào, ở đâu và như thế nào. Điều quan trọng ở đây là chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra và tận dụng các cơ hội có thể phát sinh.
Để nắm bắt được cơ hội trong đầu tư, Soros khuyên bạn nên tách biệt cảm xúc khỏi việc giao dịch, chỉ đưa ra các quyết định dựa trên phán đoán hợp lý, tính nhất quán và kỷ luật.
“Nếu đầu tư là một trò giải trí, nếu bạn thấy vui vẻ, có lẽ bạn sẽ không kiếm được tiền. Bản chất của đầu tư tốt khá nhàm chán”, ông trùm đầu cơ nhận định.
4. Chấp nhận rủi ro đúng cách
Bản chất của thị trường là điều bạn không thể bỏ qua khi đầu tư. Tỷ phú người Hungary cho rằng “thị trường tài chính về bản chất là không ổn định, có thể dao động và khủng hoảng định kỳ”. Cân bằng chỉ đơn thuần là một giả định sai lầm khi nhìn vào thị trường. Điều này có nghĩa là một nhà đầu tư giỏi nên có hiểu biết tốt về rủi ro.
“Chấp nhận rủi ro là đau đớn. Hoặc là bạn sẵn sàng tự mình chịu đựng nỗi đau, hoặc bạn phải cố gắng đẩy nó cho những người khác. Trong kinh doanh, biết chấp nhận rủi ro nhưng không thể đối mặt với hậu quả là điều không tốt. Không có cảm giác nào giống với việc buộc phải tập trung để đối phó với hiểm nguy, và tôi cần sự phấn khích này để suy nghĩ mọi thứ rõ ràng. Chấp nhận rủi ro là phần thiết yếu để tôi có thể tư duy sắc bén”, Soros nói.
Nếu bạn không thích chấp nhận rủi ro, đặc biệt là rủi ro tài chính, bạn khó có thể tồn tại với tư cách là một nhà giao dịch. Nhưng có một ranh giới mong manh giữa việc tập trung với việc cố gắng giao dịch bất chấp. Rủi ro có thể khiến bạn tập trung, nhưng bạn không nên dành toàn bộ thời gian chỉ để xem các biểu đồ.
Tổng hợp