Tri nhân, tri diện, bất tri tâm - 4 lỗi nhìn người phổ biến làm ta khó phân biệt được người tốt kẻ xấu
Phần lớn mọi người đều tin rằng mình có thể chỉ ra ai là người tốt, ai là kẻ không đáng tin chỉ qua việc tiếp xúc. Thế nhưng, những kẻ xấu trong đời thực lại không dễ lộ diện như những vai phản diện trong phim ảnh. Làm thế nào để vượt qua những cảm xúc chủ quan cá nhân để nhìn ra bản chất con người là một kĩ năng sinh tồn cần thiết.
Trước khi Adolf Hitler gây ra chiến tranh trên toàn thế giới, người dân Đức vẫn coi ông ta là một nhà lãnh đạo tiềm năng. Trước khi Bernie Madoff gây ra vụ lừa đảo rúng động phố Wall, các nhà đầu tư vẫn nhìn nhận ông ta như một chuyên gia đáng tin cậy trong lĩnh vực tài chính. Những ví dụ kinh điển này cho thấy, bạn không thể biết được bản chất của một con người dù có tiếp xúc hay tìm hiểu về họ nhiều đến như thế nào. Thường chỉ đến khi gánh chịu hậu quả họ gây ra, bạn mới giật mình nhận ra họ nguy hiểm đến nhường nào.
Việc đánh giá sai bản chất của những người xung quanh là một phần tất yếu của tâm lý con người. Chúng ta có xu hướng đánh giá thấp sự phức tạp trong hành vi của người khác, đồng thời đánh giá cao khả năng nhìn nhận của mình. Làm thế nào để tránh những đánh giá sai lầm về người khác? Dưới đây là 4 lỗi nhìn người hầu như ai cũng mắc phải trong giao tiếp.
Lỗi số 1: Nhìn mặt mà bắt hình dong - dựa dẫm quá nhiều vào ấn tượng gặp mặt
Trong lần đầu gặp gỡ Adolf Hitler, thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã nhận định rằng Hitler không hể có dấu hiệu gì của một kẻ nguy hiểm. Thậm chí, Chamberlain còn cho rằng Hitler là một đồng minh nhiệt tình và tin tưởng ông ta sẽ không ấp ủ âm mưu xâm phạm lãnh thổ của ai. Thực tế lịch sử đã chứng minh, Chamberlain đã có những nhận định tai hại và hết sức sai lầm.
Trong cuộc sống hàng ngày, sai lầm của Chamberlain cực kì phổ biến. Chúng ta quá tin tưởng vào ấn tượng khi gặp mặt, tiếp xúc với con người. Trên thực tế, những người nhận ra mối nguy hại của Hitler lại là những người chưa bao giờ tiếp xúc với ông ta. Điều này cho thấy ấn tượng khi tiếp xúc hoàn toàn không thể tin cậy 100% và do đó, bạn nên tỉnh tảo hơn khi nhận định về một con người. Sử dụng mọi nguồn thông tin bạn có, thay vì chỉ dùng những ấn tượng từ việc tiếp xúc với họ.
Lỗi số 2: Luôn giả định rằng ai cũng là người tốt
Trong suốt hơn một thập kỉ, 2 nhân viên của trường Đại học Penn State, Mỹ là Jerry Sandusky và Larry Nassar đã có hành vi quấy rối nhiều sinh viên. Thế nhưng, họ chưa bao giờ bị nghi ngờ nhờ vào uy tín nghề nghiệp và sự tin tưởng của những người xung quanh. Chỉ đến khi một lượng lớn bằng chứng được công bố, hai kẻ thủ ác mới phải chấp nhận hình phạt cho tội ác của mình.
Điều khó tin hơn cả là trong nhiều năm, Sandusky và Nassar đã nhận được sự ủng hộ bởi chính người thân của các nạn nhân. Lý giải vấn đề này, các nhà tâm lý học cho rằng chúng ta luôn có xu hướng tin rằng bản chất của con người là tốt đẹp. Vì vậy, khi chúng ta phải đánh giá một ai đó, thay vì thu thập thông tin trước, chúng ta lựa chọn tin tưởng họ trước. Điều này dẫn đến việc ta khó chấp nhận sự thật nếu như họ là người xấu. Chỉ đến khi thu thập được một lượng lớn bằng chứng không thể chối cãi được, chúng ta mới chấp nhận rằng điều mình tin tưởng là sai.
Lỗi số 3: Chúng ta tin rằng việc đọc vị người lạ là điều dễ dàng
Theo nhiều nhà phê bình, một trong những điều làm nên thành công vang dội của series phim "Friends" là ở nội dung đơn giản, nhẹ nhàng. Các nhân vật biểu hiện cảm xúc, suy nghĩ của họ chỉ thông qua biểu cảm khuôn mặt hay ngôn ngữ hình thể, tạo cho bộ phim một mạch phim rõ ràng, dễ theo dõi và phù hợp để giải trí.
Thế nhưng trong đời thực, không ai biểu hiện hết suy nghĩ, cảm xúc của họ một cách rõ ràng ra bên ngoài như trên những bộ phim. Một kẻ nói dối tài tình sẽ không để lộ những biểu hiện hiển nhiên như tránh tiếp xúc bằng mắt, hay thay đổi giọng nói. Vì thế, khi tiếp xúc với người lạ, đừng quá tin rằng những gì bạn thấy họ thể hiện thực sự là những gì họ đang suy nghĩ trong đầu.
Lỗi số 4: Để vẻ ngoài che lấp đi bản chất thật
Trước khi Bernie Madoff lộ diện là một kẻ lừa đảo, ông ta luôn xuất hiện trong vẻ ngoài lịch thiệp và tri thức nhất. Không một ai mảy may nghi ngờ rằng vị chuyên gia tài chính có vẻ ngoài đáng tin cậy này đang cuỗm đi của họ số tiền tích cóp cả đời. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy việc đánh giá ngoại hình có thể ảnh hưởng sai lệch như thế nào đến nhận định của chúng ta.
Vậy làm thế nào để ta vượt qua được điểm mù này? Trước khi bạn đưa ra nhận định về một con người, hãy ghi nhớ 3 điểm quan trọng sau:
- Chúng ta cần nhận thức rằng khả năng phán đoán bản chất con người của chúng ta có hạn chế, và góc nhìn của chúng ta có nhiều điểm mù bởi những niềm tin và định kiến thông thường.
- Trước khi đi đến kết luận về một người, hãy thu thập càng nhiều thông tin về họ càng tốt. Đặc biệt lưu ý lấy thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, thay vì chỉ dựa vào những quan sát chủ quan khi tiếp xúc với họ.
- Cuối cùng, hãy luôn cởi mở và thông cảm cho những người tin lầm vào kẻ xấu. Điều này giúp bạn có cái nhìn thoáng hơn cũng như học hỏi được từ sai lầm của người khác, từ đó rút ra kinh nghiệm cho chính mình.