Trẻ em Thái Lan và mâu thuẫn rác thải nhựa
Lilly, 12 tuổi, thường đi nhặt rác trôi nổi để làm sạch trên kênh."Khi người lớn không làm gì cả, trẻ em phải hành động", Lilly nhấn mạnh.
Bỏ học để chèo thuyền dọn rác trên một con kênh ô nhiễm tại Bangkok, Lilly đang thực hiện sứ mệnh làm sạch Thái Lan nơi một người bình thường sử dụng tám túi nhựa mỗi ngày.
"Tôi là đứa trẻ đang trong một cuộc chiến", cô bé 12 tuổi nói sau khi dành hàng giờ đồng hồ nhặt vỏ lon, túi và chai nhấp nhô trên kênh, việc đã trở thành thói quen hàng ngày. "Tôi cố gắng lạc quan nhưng cũng tức giận. Thế giới của chúng ta đang biến mất".
Thái Lan là nước gây ô nhiễm đại dương nhiều thứ 6 trên thế giới và nhựa là một vấn đề nhức nhối. Được dùng để gói thức ăn, cà phê mang đi hoặc mua hàng tạp hóa, lượng túi nhựa một lần người Thái Lan dùng lên tới 3.000 túi mỗi năm – gấp hơn 12 lần so với một người ở Liên minh Châu Âu.
Vào tháng 6, Lilly đã giành được chiến thắng đầu tiên: cô đã thuyết phục Central, một siêu thị lớn ở Bangkok, ngừng cung cấp túi nhựa trong các cửa hàng của họ mỗi tuần một lần.
"Tôi tự nhủ nếu chính phủ không lắng nghe, tôi phải nói chuyện trực tiếp với những người phân phối túi nhựa và thuyết phục họ dừng lại", cô giải thích.
Lilly chèo thuyền nhặt rác trên một con kênh ở Thái Lan. Ảnh: AFP. |
Trong tháng 9, một số thương hiệu lớn nhất, bao gồm cả nhà điều hành cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, cam kết sẽ ngừng cung cấp túi nhựa sử dụng một lần vào tháng 1 năm sau.
Nhận thức đã dần thay đổi trong năm nay sau khi vô số sinh vật biển chết với túi nhựa trong dạ dày. Cái chết của một con bò biển non tháng 8 đã tạo sự thương cảm mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội, một lần nữa đặt ra các cuộc thảo luận trong chính phủ Thái Lan về đề xuất cấm hầu hết các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2022.
Nhưng các nhà phê bình cho rằng luật mới cần đi kèm với các cơ chế giám sát, như xử phạt hành chính. Hiện tại các nhà hoạt động trẻ như Lilly có thể giúp thu hút sự chú ý.
"Bạn có thể bỏ ngoài tai tất cả các bằng chứng và khuyến nghị trên thế giới, nhưng thật khó để làm ngơ trước một đứa trẻ khi chúng hỏi tại sao chúng ta phá hủy hành tinh mà chúng phải sống", Kakuko Nagatani-Yoshida, điều phối viên khu vực về hóa chất, chất thải và chất lượng không khí của tổ chức Môi trường Liên Hợp Quốc, nói.
'Điều đó phụ thuộc vào chúng tôi'
Lilly là biệt danh của Ralyn Satidtanasarn. Cô gái trẻ người Mỹ gốc Thái bắt đầu chiến dịch từ năm 8 tuổi sau kỳ nghỉ bên bờ biển ở miền nam Thái Lan, nơi cô thấy kinh hoàng trước một bãi biển phủ đầy rác.
"Chúng tôi đã làm sạch bãi biển cùng với cha mẹ, nhưng không có tác dụng vì rác lại tiếp tục được ném ra biển vào ngày hôm sau", cô nhớ lại.
Sau đó, phong trào toàn cầu khởi xướng bởi Greta Thunberg, 16 tuổi, người đã trở thành gương mặt chủ chốt trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu, nổi lên.. Lấy cảm hứng từ cô gái Thụy Điển trẻ tuổi, Lilly đã ngồi trước các tòa nhà của chính phủ Thái Lan.
"Greta Thunberg đã cho tôi sự tự tin. Khi người lớn không làm gì cả, trẻ em phải hành động", cô nhấn mạnh.
|
Lilly trong một chiến dịch nhặt rác bảo vệ môi trường. Ảnh: AFP. |
Lilly không đến New York để tham gia cùng Thunberg trong cuộc biểu tình phản đối ngày 20/9, chỉ vài ngày trước hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc. "Vị trí của tôi là ở đây, cuộc chiến cũng ở Đông Nam Á", cô nói.
Dù có đôi lúc cô muốn nghỉ ngơi và "đi chơi" như những đứa trẻ khác, Lilly cũng tham gia vào các buổi dọn dẹp được tổ chức bởi hiệp hội địa phương Trash Hero.
Các nhà hoạt động khác khen ngợi cô nhưng cho rằng cô đang chống lại lợi ích doanh nghiệp to lớn. Trở ngại chính là ngành công nghiệp hóa dầu, một trong những thị trường chính của nhựa, chiếm 5% GDP của Thái Lan và tạo hàng chục nghìn việc làm.
"Lilly là đại diện rất tốt cho tiếng nói của giới trẻ nước này, nhưng những người vận động chính trị có quyền lực rất lớn và điều đó khiến cho bất kỳ thay đổi nào cũng trở nên khó khăn", Nattapong Nithiuthai, người thành lập một công ty biến rác thải thành dép, cho biết.
Cô cũng nhận được sự giúp đỡ từ cha mẹ, những người giúp cô viết bài phát biểu gửi Liên Hợp Quốc và các quan chức chính phủ.
Mẹ của cô, bà Sasie, cũng là một nhà hoạt động môi trường trước đây, cho biết thêm: "Lúc đầu, tôi nghĩ đó chỉ là xu hướng nhất thời của bọn trẻ, nhưng Lilly vẫn kiên trì, nên tôi quyết định ủng hộ cháu".