Tranh cãi: Vì sao việc phụ huynh khoe con học giỏi lại phải chịu nhiều lời tiêu cực?

07/07/2023 20:40 PM | Sống

Trên thực tế, hầu hết những lời chế giễu, 'ném đá' của cư dân mạng đều liên quan đến tâm lý của họ, đặc biệt là những gia đình có con học chưa tốt.

Một câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc mới đây đang khiến cộng đồng mạng nước này tranh cãi kịch liệt. Theo đó, hai vợ chồng bán rau lạnh ở Chiết Giang có con gái thi đại học đạt tới 705 điểm. Đây là số điểm cực kỳ cao và hoàn toàn có thể đỗ vào Đại học Thanh Hoa, một trong những ngôi trường đại học top đầu tại Trung Quốc.

Vì quá vui mừng nên hai vợ chồng đã treo biển thông báo: "Mừng con gái đỗ vào trường đại học lý tưởng, bất cứ ai mua đồ ăn đều sẽ được giảm giá 8,8 NDT (khoảng 29k đồng), chỉ trong 3 ngày". Không ngờ, chính tấm biển này lại khiến họ bị... bạo lực mạng, hứng chịu nhiều lời chỉ trích nặng nề. Sự việc nghiêm trọng đến mức gia đình phải đóng cửa hàng, tạm ngừng kinh doanh.

Phải chăng nhiều người vì ghen tị nên mượn cớ "chống" việc khoe thành tích để "vùi dập" những phụ huynh trót khoe con học giỏi? - Ảnh 1.

Đôi vợ chồng bị dân mạng "ném đá" vô cớ.

Theo đó, một số cư dân mạng tiêu cực cho rằng: "Đôi vợ chồng bề ngoài ăn mừng con thi đỗ đại học nhưng thực chất là chiêu bài bán hàng. Nếu muốn ăn mừng thì sao không tặng miễn phí đi? Như thế mới chân thành", "Chỉ chiết khấu 12%, có keo kiệt quá không, lại còn chỉ có 3 ngày?", hay "Đỗ là tốt nhưng có cần thiết phải khoe khoang, kiêu ngạo như vậy không? Sẽ khiến những đứa trẻ không đỗ đại học áp lực, tủi thân"...

Trước vụ việc này, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích những bình luận tiêu cực. Đôi vợ chồng vốn chỉ là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chiếu khấu đã là rất tốt, chẳng lẽ còn muốn "ăn miễn phí"? Thật đáng tiếc khi cặp cha mẹ này có ý tốt nhưng lại bị những người tiêu cực "vùi dập".

Còn trang Sohu của Trung Quốc nhận định: Trên thực tế, hầu hết những lời chế giễu, "ném đá" của cư dân mạng đều liên quan đến tâm lý của họ, đặc biệt là những gia đình có con học chưa tốt. Khi thấy con nhà người khác đạt điểm cao, một bộ phận phụ huynh sẽ cảm thấy mất cân bằng tâm lý. Họ cố gắng hết sức "vùi dập" đối phương để trút giận. Họ mượn cớ "chống" việc khoe thành tích để đối xử tiêu cực với những phụ huynh có con học giỏi, để che giấu nỗi thất vọng của bản thân, sự ghen tị khi con nhà mình chưa bằng "con nhà người ta". 

Ngoài ra, có một số người luôn cảm thấy mình phải thật khác biệt. Khi đám đông gửi lời chúc mừng thì họ lại bày ra bộ mặt chế nhạo, để làm nổi bật sự khác biệt của mình. "Cáo không ăn được nho thì chê nho chua" - Đây chính là những người có tâm lý đáng sợ, hành động tiêu cực của họ chỉ nhằm thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của bản thân. 

Ngoài ra, một số người luôn nhìn người khác với định kiến, như thể hành động của mọi người luôn có mục đích xấu. Dù cặp vợ chồng bên trên chỉ đơn thuần muốn chia sẻ niềm hạnh phúc con đạt điểm cao, đỗ trường top nhưng trong mắt của những kẻ tiêu cực này, đó là việc làm có động cơ!

Cha mẹ chia sẻ niềm vui là chuyện bình thường, nhưng giấu giếm cũng là vì lợi ích của con cái  

Cha mẹ nào cũng mong con học hành thành đạt, đỗ vào những ngôi trường top. Khi con làm được điều đó, có cha mẹ nào lại không vui mừng, sung sướng chứ? Khoe với mọi người vẫn còn bình thường, nhiều phụ huynh thậm chí còn tổ chức tiệc nhập học nữa kìa!

Thực chất, việc cha mẹ khoe điểm của con cái cũng không có gì sai. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người lại đưa ra lời khuyên cha mẹ không nên khoe điểm của con. Vì sao lại vậy? Suy cho cùng cũng là vì lợi ích của con cái. Xã hội ngày nay có rất nhiều điều khó nói trước, nếu cha mẹ khoe khoang quá mức, chẳng may dẫn đến tình huống không mong muốn gì thì sẽ phiền toái cho cả học sinh và phụ huynh. Quan trọng là học sinh có thể bị tổn thương tâm lý.

Vậy nên, phụ huynh hoàn toàn có thể khoe thành tích của con nhưng cần tiết chế để tránh những hệ quả không đáng có!

Thanh Hương

Cùng chuyên mục
XEM