Tranh cãi phát ngôn của Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến: Cảm thấy xấu hổ khi gặp các bạn trẻ làm 20 giờ/ ngày
Quan điểm của Chủ tịch FPT Telecom hiện khiến dân tình tranh cãi.
Xuất hiện trong talkshow gần đây, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến của FPT Telecom đã ghi dấu ấn nhờ những chia sẻ thiết thực về giá trị của hạnh phúc, đồng tiền và sự thành công; viết lại định nghĩa về công việc và cuộc sống giữa thế hệ của ông và thế hệ Gen Z.
Tuy nhiên, một phát biểu của ông Tiến hiện được nhiều người quan tâm và bàn luận. Cụ thể, Chủ tịch FPT đã chia sẻ: "Tôi rất tự hào có thể làm việc 12, 14, 16 giờ/ngày, không có thứ 7, Chủ Nhật, từ năm này qua năm khác. Nhưng tôi vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp các bạn trẻ làm việc 20 giờ/ngày".
Ông Hoàng Nam Tiến trong buổi chia sẻ: "Gen Z : viết lại định nghĩa về công việc và cuộc sống"
Trước quan điểm của ông Tiến, nhiều ý kiến trái chiều đã nhanh chóng bùng nổ, chia ra 2 phe tranh cãi.
Làm nhiều mà ra tiền thì không phải ngại
Một nửa ý kiến cho rằng, quan điểm của Chủ tịch FPT có phần đúng. Nếu muốn thăng tiến trong sự nghiệp và gặt hái được thành công, công sức bỏ ra phải thật xứng đáng - “phải có làm thì mới có ăn”. Tuổi trẻ có nhiều nhất là hoài bão và thời gian, không tận dụng bây giờ thì chờ đến lúc nào.
- Nếu làm mà ra tiền thì cũng chẳng ngại. Bạn làm 20 tiếng/ngày nhưng sau 3 năm bạn mua được nhà, được xe, được thăng tiến còn hơn làm 8 giờ/ ngày mà 10 năm vẫn chỉ đủ ăn qua ngày, đồ mình thích cũng chẳng thể mua.
- Thật ra quan điểm này cũng có mặt đúng mà. Sếp của mình vào công ty ngày nào cũng cày từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối. Kể cả thứ 7, Chủ Nhật vẫn đến công ty làm việc. Vài năm sếp đã lên đến chức trưởng phòng rồi. Công ty lớn lắm cũng không phải nhỏ nhoi gì. Nếu bạn muốn thăng tiến thì phải chấp nhận cày thôi.
- Làm nhiều, được nhiều là đáng chứ. Bạn còn trẻ, còn sức khoẻ, còn hoài bão và thời gian lẫn tương lai, nếu không biết tận dụng ngay thì sẽ muộn mất thôi.
- Chuyện đương nhiên, nhưng phải có 1 điều quan trọng là làm nhiều mà phải đúng hướng và hiệu quả. Chứ đừng ngồi ở công ty lâu mà mãi 1 việc không xong rồi bảo là cống hiến, là làm nhiều. Đó là làm lãng phí tài nguyên công ty. Làm nhiều ăn nhiều, làm đúng, hiệu quả ăn nhiều hơn.
- Còn trẻ mà đi làm cứ mong nghỉ 2 ngày Thứ 7, Chủ Nhật ? Làm dưới 10 tiếng 1 ngày sao?
Sống chỉ 1 lần, đừng làm việc “bán mạng”!
Ngược lại, có nhiều ý kiến cho rằng, không phải cứ nhiều quá là tốt. Cần phải biết phân chia thời gian cho công việc và bản thân, bởi thời gian lãng phí rồi khó mà lấy lại được. Thứ quan trọng nhất trong công việc là năng suất và tính logic, chứ không phải cứ bỏ thời gian nhiều sẽ nhận được kết quả ngọt.
- Làm việc hiệu quả nó không mang nghĩa phải đi làm từ sáng thứ 2 đến hết cả thứ 7, nghỉ mỗi Chủ Nhật. Rất nhiều công ty, tập đoàn có lịch làm việc đến hết thứ 6, cùng lắm tăng ca 1 ngày thứ 7 trong tháng nhưng doanh nghiệp của họ vẫn tăng trưởng, không lèo tèo như các doanh nghiệp làm 6 ngày/tuần. Nói ở đây không có nghĩa làm càng nhiều giờ thì càng có năng suất hiệu quả, mà là trong 8 giờ làm việc 1 ngày đó, bạn làm việc như thế nào.
- Vấn đề dù bạn là ai đi nữa thì làm gì vẫn phải hiểu rõ giá trị mà nó mang lại cho mình. Làm việc có tâm thì sẽ có tầm, và quan trọng phải kèm theo 1 quả đầu lạnh có logic.
- Giữa việc siêng năng và hiệu quả thì vẫn chọn cách làm việc hiệu quả và thông minh hơn nhiều.
- Làm nhiều cũng tùy năng lực mỗi người thôi. Ông bạn mình làm 1 ngày chỉ 9 tiếng, làm 5 ngày 1 tuần, còn lại chơi thể thao với đồng nghiệp. Nhưng vẫn được lên chức cao nhờ làm hiệu quả cao trong vỏn vẹn trong bao nhiêu đó giờ. Không cần nhiều, chỉ cần đủ.
- Biết đủ là được. Hãy tận hưởng, hãy sống chứ đừng làm để tồn tại. Cuộc đời chỉ có 1 lần duy nhất. Hãy dành nhiều thời gian cho gia đình và tận hưởng nó còn có ý nghĩa hơn.
Còn bạn, bạn ở phía nào trong cuộc tranh cãi này?