“Trắng” biển quảng cáo karaoke trên nhiều tuyến phố

10/11/2016 09:05 AM | Xã hội

Một tuần sau vụ cháy quán karaoke khiến 13 người tử vong tại quận Cầu Giấy, nhiều quán karaoke đã tự tháo dỡ biển quảng cáo sai phép, che chắn lối thoát hiểm, ảnh hưởng khả năng tiếp cận của lực lượng PCCC… Nhiều tuyến phố đã không còn biển quảng cáo của các quán karaoke.

Đụng đâu vi phạm đó

Ghi nhận ngày 9/11 trên các tuyến phố tập trung đông quán karaoke trên địa bàn Hà Nội như: Nguyễn Khang, Vũ Ngọc Phan, Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương (quận Hai Bà Trưng)… Rất nhiều quán đã và đang tháo dỡ biển quảng cáo khổ lớn, đèn LED, khung sắt… che chắn mặt tiền toà nhà.

Tại phố Trần Thái Tông, hầu hết các quán karaoke đã được gỡ bỏ biển quảng cáo, anh Thái (quản lý một quán karaoke đầu phố Trần Thái Tông) cho biết, sau vụ cháy ở quán 68 Trần Thái Tông, cơ quan chức năng đã đến vận động quán tháo dỡ biển quảng cáo.

Được biết, chi phí làm biển quảng cáo, màn hình LED cỡ lớn ở quán này lên đến 400 triệu đồng. Tuy nhiên, cửa hàng đã tự thuê thợ, tiến hành tháo dỡ. “Vụ cháy vừa qua không chỉ khiến khách hàng lo sợ, mà ngay cả người kinh doanh cũng bổ sung thêm các phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) đảm bảo an toàn tính mạng cho khách hàng”, anh Thái khẳng định.

Theo bà Trần Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, đến hôm nay (9/11), toàn bộ biển quảng cáo không phù hợp tại 16/16 quán karaoke trên địa bàn phường đã được dỡ bỏ. Sau khi tuyên truyền, đa số chủ quán ý thức được việc đảm bảo an toàn cháy nổ nên đã tự nguyện tháo dỡ.

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Nguyễn Việt Hà cho biết, quận đã lập biên bản 61 quán karaoke có biển quảng cáo không phù hợp, nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Trong số đó, đã có 54 quán karaoke tự giác tháo dỡ biển.

7 cơ sở kinh doanh quán karaoke chưa tháo dỡ, sẽ bị cưỡng chế. Cũng theo ông Hà, sau nhiều ngày tổng rà soát kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 đã có báo cáo chi tiết các vi phạm về an toàn PCCC của 88 cơ sở kinh doanh karaoke. Theo đó, 75/88 (chiếm 85%) quán karaoke vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy.

Trong đó, hầu hết các cơ sở vi phạm lỗi lối thoát nạn không đảm bảo theo quy định; vật liệu cách âm không phải là vật liệu không cháy và khó cháy theo quy định; không có hệ thống chữa cháy vách tường; không có hệ thống báo cháy tự động; biển quảng cáo che kín mặt tiền.

“Các phòng ngành chức năng vẫn đang hoàn thống kê và báo cáo vi phạm về các điều kiện kinh doanh khác như ANTT, xây dựng... Sau đó UBND quận Cầu Giấy sẽ có những hình thức xử lý cụ thể. Về các quán karaoke chưa đảm bảo an toàn PCCC, đơn vị đã yêu cầu tạm dừng để chủ cửa hàng có thời gian bổ sung”, ông Hà nói.

Trong khi đó, một số tuyến phố tập trung nhiều quán karaoke như: Nguyễn Trãi, Khương Trung (quận Thanh Xuân), Xã Đàn (quận Đống Đa)… có bảng quảng cáo sai quy định nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tháo dỡ. Tại quận Thanh Xuân, mới có 8 quán karaoke tự nguyện tháo dỡ biển quảng cáo sai quy định.

Bà Phạm Thị Hương, Trưởng phòng Văn hoá thông tin quận Thanh Xuân cho biết, ngoài biển quảng cáo, toàn bộ khung sắt che chắn toà nhà cũng phải dỡ bỏ nếu không có giấy phép xây dựng. “Dự kiến, việc tháo dỡ biển quảng cáo các quán karaoke sẽ hoàn tất vào cuối tuần này”, bà Hương nói.

Ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: Quận đã tiến hành kiểm tra 74/79 cơ sở kinh doanh karaoke, qua đó phát hiện 90% cơ sở không bố trí lối thoát nạn thứ 2 theo quy định. Hầu hết các cơ sở đều lắp biển đèn quảng cáo lấp kín trên 70% diện tích mặt tiền.

Lãnh đạo quận Đống Đa đã giao nhiệm vụ cho Công an quận, Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 cùng các đơn vị liên quan trên địa bàn quận căn cứ chức năng nhiệm vụ, phát huy vai trò của người đứng đầu. Chủ động chỉ đạo triển khai xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện PCCC.

Nhu cầu hát karaoke không giảm

Tìm hiểu của PV cho thấy, tại khu vực quận Cầu Giấy, các quán karaoke bị “đóng cửa” và bị lực lượng chức năng túc trực 24/24, song nhiều khu vực ở quận khác khác như phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, hoặc Nguyễn Khuyến, Hà Đông vẫn bình thường.

Tối 8 và 9/11, PV Tiền Phong ghi nhận hàng loạt các quán karaoke trên địa phận quận Bắc Từ Liêm, quận Đống Đa…vẫn hoạt động kinh doanh dù chưa tháo dỡ biển quảng cáo vượt quá diện tích cho phép.

Anh Bùi Sơn Hải, người dân địa phương cho hay, nhiều ngày nay các quán karaoke như: Olala, Galaxy trên đường Nguyễn Hoàng, Bắc Từ Liêm thường xuyên cháy phòng, lượng khách đổ dồn về sử dụng dịch vụ khung giờ cao điểm buổi tối khiến nhân viên từ chối nhiều đoàn do không còn phòng phục vụ.

Cũng theo ghi nhận của Tiền Phong, các quán karaoke trên đường Đê La Thành như Liberty, Huy (quận Đống Đa) hay các quán Star World, Ruby trên đường Đào Tấn (Ba Đình) vẫn mở cửa hoạt động dù biển quảng cáo và hệ thống đèn led vẫn che kín mặt tiền.

Xem xét khởi tố bị can vụ cháy làm 13 người chết

Ngày 9/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đã có kết quả điều tra ban đầu vụ cháy quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông. Theo đó, ngôi nhà được chị Nguyễn Diệu Linh (30 tuổi, trú tại Hà Nội) làm hợp đồng thuê 10 năm (từ 1/7/2016 đến 1/7/2026) để kinh doanh karaoke.

Ngày 13/10, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Đến ngày 31/10, chị Linh đã thuê một Cty thi công đúng theo hồ sơ được thẩm duyệt, được 90% tiến độ công trình, song chưa kết nối các hệ thống nên các thiết bị chưa hoạt động.

Bên cạnh đó, cửa thoát hiểm ở tầng 2 không được lắp đặt; đường ống nước lắp sai loại. Theo thiết kế được Cảnh sát PCCC duyệt, tầng 1 lắp vách kính chống cháy 60 phút, các cửa phòng lắp cửa chống cháy 45 phút chưa được thực hiện.

Ngày 1/11, trong lúc thợ thi công tháo cánh cửa ra vào ở tầng 2, chị Linh vẫn cho khách hát tại phòng 502 và 601 từ 12h. Đến 13h30, Hoàng Văn Tuấn (23 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) là thợ hàn cắt (không có bằng cấp, chứng nhận hành nghề) được thuê làm tại tầng 2, cắt bản lề cửa thì lửa và vảy hàn chảy xuống nền nhà, bắn lên vách gây cháy. Cơ quan chức năng đang xem xét để ra quyết định khởi tố bị can, xét xử theo pháp luật.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Thưởng, Phó trưởng phòng Quản lý văn hoá, Sở Văn hóa thể thao Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tổ chức lực lượng liên ngành kiểm tra ngay việc đặt các biển hiệu, bảng quảng cáo, kiên quyết xử lý các bảng, biển có diện tích trên 20m2, đặc biệt là các bảng biển có kết cấu khung kim loại, vi phạm quy định, cản trở công tác PCCC hoặc không có khả năng tiếp cận khi xảy ra sự cố cháy.

Với các biển quảng cáo vi phạm, cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, vận động để các chủ cơ sở tự tháo dỡ, đảm bảo an toàn cho tính mạng khách hàng, tài sản của chính cơ sở. Nếu cố tình vi phạm, liên ngành kiểm tra sẽ kiên quyết cưỡng chế, đảm bảo an toàn PCCC. Sở VHTT Hà Nội yêu cầu các quận huyện, thị xã báo cáo thống kê bảng quảng cáo vi phạm về Sở trước ngày 15/11.

Cùng chuyên mục
XEM